Diễn đàn kinh tế Việt Nam - Kansai lần thứ 5: Khơi nguồn đầu tư mới

Ngày 22-11, tại Đà Nẵng, Bộ KH-ĐT phối hợp với Liên Đoàn Kinh tế Kansai và Cơ quan Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tổ chức “Diễn đàn kinh tế Việt Nam - Kansai lần thứ 5”. Đây là sự kiện xúc tiến đầu tư trọng điểm cấp quốc gia nhằm thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư nước ngoài (đặc biệt từ Nhật Bản) trong lĩnh vực hạ tầng và công nghiệp chế tạo, công nghiệp phụ trợ.
Diễn đàn kinh tế Việt Nam - Kansai lần thứ 5: Khơi nguồn đầu tư mới

Ngày 22-11, tại Đà Nẵng, Bộ KH-ĐT phối hợp với Liên Đoàn Kinh tế Kansai và Cơ quan Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tổ chức “Diễn đàn kinh tế Việt Nam - Kansai lần thứ 5”. Đây là sự kiện xúc tiến đầu tư trọng điểm cấp quốc gia nhằm thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư nước ngoài (đặc biệt từ Nhật Bản) trong lĩnh vực hạ tầng và công nghiệp chế tạo, công nghiệp phụ trợ.

  • Nhu cầu và thế mạnh gặp nhau

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, cho rằng: Đây là hoạt động đối thoại kinh tế thường niên cấp quốc gia giữa Việt Nam và Nhật Bản. Diễn đàn là cơ hội quý giá để 2 nước cùng thảo luận về chính sách, tiềm năng và cơ hội đầu tư; đồng thời đề ra các giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy hơn nữa các nguồn vốn đầu tư và khu vực Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC) và vùng phụ cận thuộc khu vực miền Trung Việt Nam.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Với tầm quan trọng của diễn đàn, tôi đề nghị các đại biểu cần tập trung trao đổi và đối thoại nhằm giúp các nhà đầu tư Nhật Bản nắm bắt thêm thông tin cũng như có ý kiến đóng góp xây dựng về một số chính sách đầu tư có liên quan đến phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông cho khu vực miền Trung. Thu hút các nguồn vốn từ Nhật Bản để khai thác hiệu quả tiềm năng của các quốc gia, các địa phương trong khu vực EWEC trong phát triển công nghiệp chế tạo, công nghiệp hỗ trợ phù hợp với chiến lược của Việt Nam và định hướng phát triển của khu vực...”.

Các doanh nghiệp vùng Kansai tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam - Kansai lần thứ 5.

Các doanh nghiệp vùng Kansai tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam - Kansai lần thứ 5.

Tổng lãnh sự Việt Nam tại Osaka, Lê Quốc Thịnh, cho rằng: Nhu cầu phát triển của Việt Nam, khu vực Tiểu vùng Mê Kông và thế mạnh của vùng Kansai (Nhật Bản) đang gặp nhau. Kansai có thế mạnh về các ngành công nghiệp chế tạo cơ khí, điện tử, hóa chất…, những năm gần đây đã chuyển sang phát triển các ngành công nghệ mới như công nghệ kỹ thuật số, công nghệ nano, năng lượng tái tạo, công nghệ sinh học, công nghệ môi trường, nước.

Kansai là trung tâm kinh tế, công nghệ, đào tạo nhân lực lớn của Nhật Bản (chỉ sau khu vực Tokyo). Quy mô kinh tế của khu vực Kansai khá lớn, tương đương với nền kinh tế của Australia hoặc Hàn Quốc (GDP năm 2010 của khu vực này là 960 tỷ USD). Đây cũng là cửa ngõ giao thương quan trọng của Nhật Bản với châu Á và thế giới. Nhiều tập đoàn lớn như Panasonic, Sharp, Sanyo… đều khởi nghiệp tại đây. Nơi đây cũng tập trung một số lượng lớn các trường đại học, các viện nghiên cứu.

Hiện nay, thương mại và đầu tư của Kansai đã chiếm khoảng 25% tổng thương mại và đầu tư của Nhật Bản với Việt Nam. Thông tin đáng mừng là trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp Kansai đang có nhu cầu chuyển đầu tư sản xuất từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á, trong đó Việt Nam là một điểm đến thuận lợi và đầy tiềm năng.

  • Tập trung hạ tầng giao thông

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, Noriaki Shutoh, nhận định: Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với Nhật Bản, như phương pháp tư duy, tôn giáo. Ngoài ra, so sánh với các nước khác, Việt Nam có nguồn lao động phong phú, chi phí nhân công rẻ. Ông đưa ra dẫn chứng, nếu thuê một kỹ sư ở Hà Nội chỉ khoảng 287 USD/tháng còn ở Thượng Hải (Trung Quốc) tốn hết 633 USD, ở Bangkok (Thái Lan) hết 540 USD. Vì vậy, việc tìm kiếm cơ hội cũng như chuyển hướng đầu tư của các doanh nghiệp ở Nhật Bản vào Việt Nam là điều tất yếu.

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đặng Duy Thông, cho biết: Để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa vào 2020, Việt Nam cần xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ và phát triển. Nhiệm vụ này yêu cầu vốn đầu tư khoảng 15 tỷ USD hàng năm. Tuy nhiên, khả năng huy động chỉ đạt 50% - 60% nhu cầu, trong đó 40% - 50% từ ngân sách Nhà nước. Tính đến nay, đã có khoảng trên 90 dự án (bao gồm 9 dự án có vốn đầu tư nước ngoài) đầu tư dưới hình thức BOT, BT, hoặc các hình thức tương tự, với tổng vốn đăng ký đạt 7,1 tỷ USD, trong đó các dự án công trình giao thông chiếm 70% về số lượng và 95% về vốn đầu tư. Việt Nam đang rất cần các nhà đầu tư Nhật Bản trong phát triển cơ sở hạ tầng.

Là địa phương cuối tuyến EWEC, ông Văn Hữu Chiến, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho rằng: Năm 2006, khi cầu Hữu Nghị 2 bắc qua sông Mêkông nối tỉnh Mucdahan (Thái Lan) với Savanakhet (Lào) được khánh thành, EWEC đã chính thức thông tuyến, nối liền 7 tỉnh vùng Đông Bắc Thái Lan, qua Savannakhet - Lào với 3 tỉnh/thành phố miền Trung của Việt Nam (Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng). Nhiều hạng mục chủ chốt trên hành lang này đã được hoàn thiện như: nâng cấp cảng Tiên Sa Đà Nẵng, xây dựng hầm đường bộ qua đèo Hải Vân, nâng cấp quốc lộ 9 và nhiều công trình khác…

Ông Chiến đề nghị phía Nhật Bản triển khai sớm việc xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Dung Quất và đầu tư tiếp tuyến cao tốc từ Đà Nẵng - Đông Hà (Quảng Trị) tạo thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa từ Thái Lan qua cửa khẩu Mukdahan - Densavan và cửa khẩu Savanakhet - Lao Bảo về cảng Đà Nẵng. Đề nghị Chính phủ hỗ trợ vay vốn ODA của Nhật để xây dựng hầm đường bộ qua đèo Phú Gia và đèo Phước Tượng tại tỉnh Thừa Thiên - Huế...

Nhật Bản đang là quốc gia cung cấp ODA hàng đầu và là đối tác đầu tư nước ngoài lớn thứ 4 tại Việt Nam. Hiện Nhật Bản đã đầu tư 1.623 dự án FDI vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký 22,3 tỷ USD. Kim ngạch thương mại song phương năm 2010 giữa 2 nước đạt 16 tỷ USD, tăng gần 22% so với 2009. Chỉ riêng 9 tháng đầu năm 2011, kim ngạch thương mại đạt xấp xỉ 15 tỷ USD.

NGUYỄN HÙNG

Tin cùng chuyên mục