Điệp vụ bất khả thi?

Tuần rồi, Tổng thống Mỹ B.Obama và Tổng thống Nga D.Medvedev cùng thông báo sẽ ký kết một hiệp ước mới thay thế Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (START-1) vào ngày 8-4 tới. Nhiều ý kiến lạc quan cho rằng Hiệp ước STAR mới sẽ “tác động tích cực” tới tình hình chính trị - quân sự quốc tế, tạo ra bầu không khí hòa dịu mới trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Nga đang có biểu hiện của một cuộc chiến tranh lạnh kế tiếp.

Không khí hòa dịu cũng sẽ tạo điều kiện cho hai nước phối hợp giải quyết nhiều vấn đề quốc tế mà Mỹ và Nga đóng vai trò quan trọng. Hiệp ước còn tạo ra ấn tượng mới về nước Mỹ trong cộng đồng quốc tế, giúp cải thiện quan hệ của Mỹ với các nước khác, trước hết là các quốc gia có vũ khí hạt nhân mà Mỹ đang muốn giải giáp. Song, khi xét đến các kho vũ khí hạt nhân khổng lồ của hai nước và những bất đồng sâu sắc về hệ thống phòng thủ tên lửa, không ít người cho rằng hiệp ước mới khó có thể được thực thi một cách dễ dàng như tuyên bố.

Yếu tố đầu tiên cần nói tới chính là các bất đồng của Nga và Mỹ về hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Âu. Ngoại trưởng Nga S.Lavrov tuyên bố Nga có quyền trì hoãn việc cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến lược nếu Mỹ tiếp tục triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu.

Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga - ông Boris Gryzlov - ngày 16-3 cho biết, Duma Nga có thể phản đối hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới với Mỹ nếu hiệp ước mới này không chỉ rõ mối liên hệ với hệ thống phòng thủ tên lửa.

Về phía Mỹ, một yếu tố mang tính quyết định là, sau khi ông B.Obama ký hiệp ước với Nga còn phải được Quốc hội Mỹ phê chuẩn để được phê (hiệp ước mới phải giành được 67/100 phiếu tại Thượng viện Mỹ). Các ông nghị phe Cộng hòa hiện đang rất bất mãn trước thắng lợi lập pháp có tính lịch sử của ông B.Obama về luật cải cách y tế nên chắc chắn sẽ gây khó dễ trong việc thông qua hiệp ước mới này. Vì thế, câu hỏi liệu Hiệp ước START mới có nhận được đủ sự ủng hộ tại Quốc hội Mỹ và Nga hay không vẫn chưa có câu trả lời.

Tuy các nội dung của hiệp ước vẫn chưa công bố đầy đủ nhưng văn phòng báo chí của Tổng thống Nga tiết lộ, hiệp ước mới sẽ có hiệu lực và được thực hiện trong 10 năm.

Theo dự thảo hiệp ước mới, Mỹ và Nga mỗi bên sẽ giảm số đầu đạn hạt nhân xuống còn 1.550; số lượng tên lửa xuyên lục địa, tên lửa đạn đạo được phóng đi từ tàu ngầm và máy bay ném bom hạng nặng có thể mang vũ khí hạt nhân còn 700 chiếc. Các phương tiện truyền thông Nga cho biết, đến năm 2009, Mỹ sở hữu 900 phương tiện mang đầu đạn hạt nhân và 3.500 đầu đạn hạt nhân trong khi Nga có 680 phương tiện chuyên chở và 2.800 đầu đạn hạt nhân.

Việt Anh

Tin cùng chuyên mục