Điều kiện cần để xây dựng “Chính phủ liêm chính”

Điều kiện cần để xây dựng “Chính phủ liêm chính”

Kỷ niệm 87 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 - 3-2-2017):

Trong thời gian qua, người đứng đầu Chính phủ đã nhiều lần truyền đi thông điệp quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo và liêm chính.

Dư luận xã hội, người dân rất hoan nghênh thông điệp đó của Thủ tướng. Hơn cả một thông điệp, đó là lời kêu gọi. Tuy nhiên, để thực hiện được thành công thông điệp đó, chính quyền các cấp còn rất nhiều việc phải làm. Trước hết và quan trọng hơn hết vẫn là xây dựng cho được một đội ngũ cán bộ công chức - những “công bộc của nhân dân” chuyên nghiệp, đạo đức, kỷ luật kỷ cương nghiêm minh.

Bác Hồ đã từng nhiều lần căn dặn: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Có cán bộ tốt việc gì cũng xong”. Đảng ta là đảng cầm quyền, nhân dân là người chủ của xã hội và Nhà nước là trung tâm quyền lực của nhân dân, thì trong đó đội ngũ cán bộ công chức đóng vai trò quyết định trực tiếp đến sự phát triển của đất nước, uy tín của Đảng.

Ngày 3-2-2017, Đảng ta tròn 87 tuổi. Trong lịch sử lãnh đạo của mình suốt 86 năm qua, Đảng đã luôn nỗ lực phấn đấu và thực hiện mục tiêu vì dân, vì nước, nhưng việc này vẫn còn có hạn chế như Nghị quyết Đại hội XII của Đảng vừa rồi đã thẳng thắn thừa nhận. Điều này tiếp tục đặt ra cho Đảng phải không ngừng phấn đấu phục vụ lợi ích nhân dân, tức phải phát huy hơn nữa vai trò làm chủ của nhân dân, lắng nghe phản biện của các tầng lớp nhân dân để điều chỉnh đường lối, chủ trương, chính sách phù hợp nhằm phục vụ tốt nhất quyền lợi của nhân dân, của đất nước, trong đó đặc biệt nổi lên nhiệm vụ phải trị cho tận gốc căn bệnh của “một bộ phận không nhỏ” cán bộ công chức tiêu cực ở các cấp, đã và đang làm cho niềm tin của người dân đối với Đảng bị giảm sút. Đó là căn bệnh quan liêu xa rời quần chúng, thiếu trách nhiệm, vô cảm với tình cảnh nghèo khổ khó khăn của người dân, sống xa hoa, hưởng thụ; bệnh cửa quyền, hống hách, nhũng nhiễu dân, vòi vĩnh doanh nghiệp; lợi dụng chức quyền, điều kiện công tác để trục lợi, tham nhũng; bệnh cơ hội, chạy chức chạy quyền...; nghiêm trọng nhất là bệnh câu kết nhóm lợi ích, độc quyền thao túng.

Giải quyết hồ sơ đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Trung ương đã đề ra các biện pháp, trong đó xây dựng và thực hiện đúng đắn, nghiêm minh mối quan hệ Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý là biện pháp cơ bản nhất, mà xây dựng Đảng có ý nghĩa quyết định trước tiên và yếu tố then chốt là xây dựng dân chủ trong Đảng. Người lãnh đạo các cấp cần lắng nghe ý kiến đảng viên, nhất là khi phân công bố trí, đề bạt cán bộ. Đấu tranh phê bình, tự phê bình phải là sinh hoạt bình thường, lành mạnh của chi bộ cơ sở. Nếu mất tính chiến đấu mà thay bằng nể nang, không dám nói trước mặt nhưng ra ngoài nói xấu cá nhân, tổ chức, xuyên tạc chính sách, chủ trương, sẽ làm cho tổ chức Đảng không còn là tổ chức cách mạng nữa, mà chỉ còn là một câu lạc bộ tầm thường.

Tiếp theo là phải đổi mới cơ chế hoạt động của hệ thống nhà nước và chính quyền các cấp, từ quản lý nặng về mệnh lệnh hành chính, sang Chính phủ kiến tạo, chính quyền vì dân, trước hết là cải cách bộ máy hành chính, đổi mới cơ chế quản lý, điều hành nhà nước, đổi mới cơ chế tổ chức vận động nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách, luật pháp, giảm nhẹ giấy tờ thủ tục phức tạp, đồng thời xây dựng chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, tinh giản từng công đoạn thừa, biên chế thừa.

Song song với đó là phải rèn luyện cán bộ, công chức liên tục, thường xuyên. Công chức, nhất là đảng viên, đã được trang bị cơ bản, khá đầy đủ về văn hóa, khoa học kỹ thuật, lý luận chính trị, lý tưởng cách mạng cho nên thuận lợi để rèn luyện phẩm chất, đạo đức cách mạng và bản lĩnh hoạt động. Bác Hồ nói: “Người đảng viên, người cán bộ tốt muốn trở nên người cách mạng chân chính không có gì là khó cả. Điều đó hoàn toàn do lòng mình mà ra. Lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư”.

Trong khi cá nhân cán bộ, công chức phải tận lực rèn luyện thì tổ chức cần chăm lo thực hiện chế độ lương và thu nhập hợp lý để cán bộ, công chức sống được và tận tâm với sự nghiệp.

Để mọi việc đi vào guồng thì phải thực hiện việc kiểm tra của tổ chức và giám sát của nhân dân, đây là yêu cầu có tính nguyên tắc và là biện pháp không thể thiếu. Mọi cán bộ, công chức đều có trách nhiệm giải trình trước cử tri và nhân dân. Mặt khác, đối với những vấn đề có liên quan đến quyền và lợi ích của nhân dân, những dự án, công trình lớn của đất nước thì cấp thẩm quyền cần tổ chức cho giới trí thức, các nhà khoa học, chuyên gia, các đoàn thể xã hội... tham gia phản biện và được lắng nghe một cách thật lòng.

Cán bộ, công chức dù ở cương vị nào, trong điều kiện công tác như thế nào nếu muốn chu toàn trách nhiệm, cần phải học tập và làm theo lời dạy của Bác Hồ, học thường xuyên, học suốt đời.

Điều cuối cùng có ý nghĩa then chốt là người đứng đầu các cấp các ngành phải thấm nhuần sâu sắc đạo đức “Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư” của Bác Hồ, người đứng đầu các cấp, các ngành phải nêu gương liêm chính để tạo ra một bước đột phá xây dựng “Chính phủ liêm chính”, “Chính phủ kiến tạo” - điều kiện tiên quyết để quản lý, điều hành đất nước thành công.

PHẠM CHÁNH TRỰC
(Nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM)

HỒNG HIỆP (ghi)

Tin cùng chuyên mục