Định hướng quan trọng trong chính sách đối ngoại của tân Thủ tướng Nhật Bản

Được bầu làm thủ tướng ở tuổi khá cao nhưng là một chính trị gia kỳ cựu, ông Yasuo Fukuda, 71 tuổi, được đánh giá là người đủ sức đương đầu với sóng gió do người tiền nhiệm để lại.
Định hướng quan trọng trong chính sách đối ngoại của tân Thủ tướng Nhật Bản

Được bầu làm thủ tướng ở tuổi khá cao nhưng là một chính trị gia kỳ cựu, ông Yasuo Fukuda, 71 tuổi, được đánh giá là người đủ sức đương đầu với sóng gió do người tiền nhiệm để lại.

Định hướng quan trọng trong chính sách đối ngoại của tân Thủ tướng Nhật Bản ảnh 1

Thủ tướng Y. Fukuda (phải) với nhà lãnh đạo đảng đối lập Ozawa.

Nhật Bản đang trong giai đoạn củng cố và tìm kiếm vai trò, ảnh hưởng mới trên thế giới. Vì vậy, chính sách đối ngoại của bất kỳ nội các và thủ tướng nào cũng được người dân và dư luận quốc tế quan tâm. Việc ông Yasuo Fukuda trở thành thủ tướng thay thế ông Shinzo Abe, một chính khách trẻ tuổi nhưng bị coi là thiếu kinh nghiệm cầm quyền không chỉ cho thấy Nhật Bản đang cần điều chỉnh lại chính sách đối nội mà còn cần có một nhà lãnh đạo có thể cân bằng chính sách đối ngoại có hiệu quả hơn.

Tân Thủ tướng Yasuo Fukuda đã tuyên bố quan điểm và định hướng rõ ràng của mình về chính sách đối ngoại. Trong đó, ông cam kết Nhật Bản vẫn là đồng minh mạnh của Mỹ trong “cuộc chiến chống khủng bố”, nâng cao vị thế của Nhật Bản trên thế giới và cải thiện quan hệ với châu Á.

Là một chính khách được đánh giá là “có lý trí mạnh nhưng thái độ ôn hòa”, Yasuo Fukuda làm người ta nhớ đến cha ông, Takeo Fukuda, cũng từng là một vị thủ tướng có ảnh hưởng trong lịch sử Nhật Bản hiện đại.

Ông Takeo Fukuda là thủ tướng thứ 67 của Nhật Bản nổi tiếng với chính sách ngoại giao thân thiện với châu Á. Takeo Fukuda làm thủ tướng từ năm 1976 đến 1978. Nhiều nước châu Á, nhất là các nước Đông Nam Á đã hoan nghênh chính sách ngoại giao cởi mở, hòa bình và thân thiện của cựu thủ tướng Takeo Fukuda.

Theo báo chí Nhật Bản, chính quyền của cựu Thủ tướng Junichiro Koizumi đã coi nhẹ “ngoại giao châu Á”, còn những nỗ lực của chính quyền của người vừa mới rời nhiệm sở Shinzo Abe chỉ dừng ở mức đưa quan hệ với các nước châu Á trở về điểm xuất phát. Tờ Nihon Keizai cho rằng, nội các mới của tân Thủ tướng Yasuo Fukuda và nhất là chính bản thân ông có thể tạo ra một bầu không khí tích cực trong quan hệ giữa châu Á và Nhật Bản. Chính tân Thủ tướng Yasuo Fukuda là người đề xuất xây dựng các mối quan hệ thân thiết hơn với các nước châu Á láng giềng.

Thủ tướng Yasuo Fukuda đã tiến hành các cuộc đi thăm Trung Quốc và Hàn Quốc ngay sau khi nội các mới được thành lập cho thấy rõ sự quan tâm của chính phủ mới ở Nhật Bản trong chính sách đối ngoại.

Dư luận chung hy vọng quan hệ giữa Nhật Bản với các nước láng giềng dưới thời của Thủ tướng Yasuo Fukuda sẽ được cải thiện và góp phần tích cực vào việc xây dựng một khu vực hòa bình, ổn định và phát triển.

Định hướng quan trọng trong chính sách đối ngoại của tân Thủ tướng Nhật Bản ảnh 2

Thủ tướng hiện nay của Nhật Bản Yasuo Fukuda (phải) đánh cờ với cha là Takeo Fukuda cũng từng là thủ tướng.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng ông Yasuo Fukuda tăng mức độ quan hệ với châu Á và giảm mức độ quan hệ với Mỹ là không thật sự chính xác. Quan hệ Nhật Bản và Mỹ tuy có thể trục trặc ở những vấn đề mang tính nhất thời nào đó, nhưng về chiến lược, hai nước vẫn đi theo một định hướng chiến lược khá rõ ràng. Quả thật là khi trở thành cường quốc kinh tế thứ hai của thế giới, nhất là sau khi chiến tranh lạnh chấm dứt, Nhật Bản đã từng bước thực hiện chính sách đối ngoại chủ động, tích cực hơn và có phần nào tách ra khỏi cái bóng của nước bảo hộ về an ninh là Mỹ. Nhưng con đường trở thành ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đầy quyền lực của Nhật Bản xem ra cũng khó sớm rút ngắn. Có thể được Mỹ ủng hộ, nhưng điều này có phần phụ thuộc vào chính sách của Nhật Bản với các nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, nước hiện đang nắm quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an LHQ. Lịch sử quan hệ giữa Nhật Bản với nhiều nước châu Á, trong đó có Trung Quốc có những vết đen trong quá khứ. Đây là những vấn đề rất nhạy cảm mà nhiều nhà lãnh đạo Nhật Bản khó vượt qua.

Ông Yasuo Fukuda là một người ôn hòa có nhiều kinh nghiệm, có thể tránh vấp phải những sai lầm vốn đã khiến Shinzo Abe phải từ chức. Nhưng ông cũng phải đối đầu với những thách thức không nhỏ trong chính sách đối ngoại khi đứng giữa hai cường quốc là Mỹ và Trung Quốc.

Hiện nay, một trong những thách thức “nóng” nhất của tân Thủ tướng Nhật là cuộc đấu tranh với phe đối lập nhằm gia hạn thời hạn chót 1-11-2007 cho nhiệm vụ tiếp tế của hải quân trong việc hỗ trợ liên quân do Mỹ đứng đầu ở Afghanistan.

Kể từ năm 2001, hải quân Nhật đã cung cấp nhiên liệu cho các tàu chiến của liên quân ở Afghanistan. Hoạt động đó được tiến hành theo một đạo luật chống khủng bố mà đã được gia hạn ba lần. Tân thủ tướng Nhật Yasuo Fukuda muốn mở rộng sứ mạng này thêm một lần nữa. Nhưng phe đối lập muốn Nhật Bản chấm dứt hoạt động hỗ trợ của hải quân nước này đối với tàu thuyền Mỹ tham gia vào các chiến dịch quân sự trên bộ ở Afghanistan.

Đảng Dân chủ đối lập của Nhật chỉ trích sứ mạng trên với lý do chiến dịch quân sự do Mỹ đứng đầu ở Afghanistan không được LHQ ủng hộ đúng cách. Họ cũng cho rằng sứ mạng này vi phạm hiến pháp hòa bình của Nhật. Theo các nghị sĩ đối lập, dầu mà hải quân Nhật cung cấp còn được chuyển cho các chiến dịch của Mỹ ở Iraq, khiến công chúng bất bình.

Nguyễn Khắc Đức
(Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục