LTS: Sau khi Báo Sài Gòn Giải Phóng khởi đăng loạt bài “Hàng Việt Nam xuất khẩu - Tiềm năng và hiện thực” liên tục trên các số báo phát hành từ ngày 4 đến 7-5-2011, chúng tôi đã nhận được khá nhiều ý kiến phản hồi về việc làm thế nào để gia tăng giá trị cũng như đảm bảo tăng trưởng xuất khẩu bền vững. Dưới đây chúng tôi trích đăng một số ý kiến tiêu biểu xoay quanh nội dung trên.
Ông LÊ QUANG DŨNG, Phó Giám đốc Công ty CP Mỹ phẩm Sài Gòn (SCC): Chất lượng hàng hóa phải ổn định
Trong phạm vi hẹp của doanh nghiệp (DN), chúng tôi nhận thấy muốn gia tăng giá trị cho hàng hóa xuất khẩu, cần làm tốt khâu ổn định chất lượng hàng hóa. Khách hàng ở thị trường tương đối dễ tính như Campuchia cũng than phiền về một số hàng hóa VN có chất lượng ban đầu rất tốt nhưng sau lại giảm sút, không duy trì được như trước. Kế đến là sự đầu tư nghiêm túc vào việc tạo ra tính đặc thù của sản phẩm. Kinh nghiệm từ SCC cho thấy, nếu chúng tôi đầu tư đúng mức cho việc sáng tạo ra mùi hương, thiết kế mẫu mã chai, bao bì với những sản phẩm mang nét đặc thù riêng sẽ có được giá bán hợp lý, cạnh tranh tốt hơn.
Với các DN sử dụng nguyên vật liệu nhập khẩu thì việc duy trì mối quan hệ đối tác cung ứng hết sức quan trọng để tranh thủ nhiều ưu đãi, hỗ trợ của họ, nhất là khi giá nguyên liệu tăng. Việc đa dạng hóa nguồn cung, tìm kiếm khả năng thay thế bằng nguồn cung trong nước cũng nên xúc tiến thường xuyên. Một điểm cần lưu ý khác, DN xuất khẩu phải trang bị cho mình các tiêu chuẩn quốc tế theo từng chuyên ngành như ISO, HACCP, GMP, CGMP… để ổn định chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm.
Để DN xuất khẩu có thể phát triển được nhiều thị trường mới, Nhà nước cần hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa theo hướng miễn giảm thuế cho DN xuất khẩu; hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi cho việc đổi mới công nghệ; phát triển ngành công nghiệp phụ trợ; tổ chức có hiệu quả việc xúc tiến thương mại, tìm hiểu thị trường mới; xây dựng những “ngôi nhà Việt Nam” tại các thị trường tiềm năng với chương trình quảng bá được duy trì dài hạn, nhân sự quản lý có năng lực. Tiến tới xây dựng hệ thống dữ liệu cơ bản và cập nhật về thị trường, chính sách của các nước. Phát huy mạnh mẽ vai trò của các hiệp hội để hỗ trợ và quản lý DN tốt hơn, tránh tình trạng kinh doanh “bát nháo”, DN Việt tự “triệt” lẫn nhau, cạnh tranh gay gắt về giá dẫn đến giảm chất lượng sản phẩm.
Ông TỪ MINH THIỆN, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC): Chọn nhóm ngành hàng để kết nối vào chuỗi giá trị
Đã đến lúc nhà nước cần xây dựng một chiến lược thâm nhập thị trường tại từng quốc gia, từng khu vực, gắn với việc tận dụng các “hộp xanh” từ WTO để hỗ trợ các DN nhận diện và nắm bắt cơ hội tốt hơn. Phải có một chiến lược xây dựng và phát triển nguồn hàng với số lượng lớn, đảm bảo chất lượng để hướng tới chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu.
Trước mắt, chúng ta có thể chọn một vài ngành hàng thật sự có thế mạnh như thực phẩm chế biến để đầu tư đúng mức từ chất lượng, bao bì mẫu mã đến xây dựng thương hiệu. Khi những sản phẩm này hoàn thiện, chúng ta sẽ kết nối với các tập đoàn thương mại lớn như Metro, Big C, Lotte,… để đưa hàng Việt vào hệ thống phân phối toàn cầu của họ. Cuối cùng, công tác quảng bá, xúc tiến thương mại cũng phải từng bước đi vào chiều sâu, chấm dứt kiểu “vừa đá bóng vừa thổi còi” của cơ quan xúc tiến, mới có thể đảm bảo chất lượng.
TS PHẠM QUANG DIỆU, Viện Kinh tế Việt Nam: Liên kết thị trường tiêu thụ
Để nâng cao vị thế hàng nông sản VN, cần xem lại chiến lược công nghiệp hóa trong mối tương quan với nông nghiệp theo các khía cạnh về trao đổi nguồn lực đầu tư giữa hai khu vực; mối liên kết hỗ trợ lẫn nhau về thị trường tiêu thụ; định hướng công nghiệp hóa trong việc rút lao động ra khỏi nông nghiệp. Các bộ, ngành nên hướng các viện và cơ quan nghiên cứu tham mưu triển khai các chương trình nghiên cứu phát triển thương mại cho các ngành hàng chiến lược cũng như chiến lược phát triển nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp. Đầu tư xây dựng công tác thông tin và dự báo thị trường hỗ trợ cho cộng đồng kinh doanh nông sản và tư vấn cho công tác điều hành thị trường ngắn hạn của Chính phủ và các bộ, ngành.
Cần triển khai nghiên cứu về thể chế xuất khẩu nông sản cũng như các chương trình nghiên cứu hội nhập và thị trường quốc tế dài hạn, từ đó đề xuất các chính sách đổi mới cơ chế điều hành cũng như tăng cường năng lực hạ tầng “mềm” (gồm các chính sách, khuôn khổ cho các tổ chức đảm trách và cơ chế vận hành) và hạ tầng “cứng” (gồm hệ thống kho tàng dự trữ...), phục vụ cho xuất khẩu tăng trưởng bền vững. Để thúc đẩy công nghiệp chế biến nông sản phát triển cần tăng cường công tác nghiên cứu về môi trường đầu tư nông thôn, gắn với sự hình thành một bộ máy chuyên trách hỗ trợ cho các dòng vốn đầu tư vào khu vực này...
Định vị lại chiến lược phát triển ngành hàng lúa gạo, hình thành một tổ chức nhà nước chuyên lo an ninh lương thực, còn các DN chỉ làm kinh doanh. Tổ chức này sẽ có hệ thống kho dự trữ quy mô hiện đại do nhà nước đầu tư và nguồn lực tài chính để thực hiện chính sách thu mua như một van điều tiết đối với thị trường nội địa và xuất khẩu, đảm bảo thu mua có lợi cho người dân và xuất kho bán cho DN xuất khẩu khi có giá cao
THÚY HẢI ghi