“Cơn bão” cờ bạc không ngừng hoành hành ở các tỉnh biên giới Tây Nam bộ, khiến nhiều gia đình tan nát, điêu đứng. Nay “luồng gió độc” này đang “đổ bộ” tàn phá vùng biên giới các tỉnh Tây Nguyên, khiến tình hình an ninh trật tự ở khu vực này ngày càng trở nên “nóng bỏng”.
Quân cờ di động
Một ngày trung tuần tháng 5, nắng vùng biên như thiêu, như đốt. Chúng tôi theo chân các con bạc được tài xế Toàn đón “quân” ở khu vực thị trấn Chư Prông, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) để sang bên kia biên giới - huyện Ozadao, tỉnh Ratanakiri (Campuchia).
Được hẹn từ trước, Toàn đánh xe 16 chỗ ngồi BKS 53M-262… đón chúng tôi tận nơi, lên xe cùng với 3 người phụ nữ là mối quen của Toàn. Họ là những con bạc nhẵn mặt ở casino bên kia biên giới. Nắng trưa đổ bóng, xe bắt đầu chuyển bánh. Xe đến khu vực thôn Moóc Đen, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai), Toàn dừng xe “bốc” thêm khách. Ước chừng đã đủ sở hụi để giao cho công ty (casino), lúc này tài xế Toàn hỏi CMND, tôi trả lời để quên ở nhà. Toàn liền lôi một xấp CMND chuẩn bị sẵn từ trước, chọn một cái hình hơi giống tôi rồi bảo: “nhớ kỹ tên trên căn cước kẻo bị phạt”, đồng thời thu 50.000 đồng/người, mà theo Toàn là tiền vé vào cổng.
Chị Phạm Thị Nam, con bạc đi cùng xe ở huyện Chư Prông, cho biết: “Nhiều người mới đến lần đầu, bị “cò” chém “tiền ngu” 300.000 đồng để được sang bên kia đánh bạc”. “Lên xe chỉ mất 50.000 đồng, đưa đi, đón về còn bao cơm trưa. Không biết thì bị cò chặt đẹp”, Toàn vừa cười vừa nói chen vào.
Đến bến xe cách Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh khoảng 100m, chúng tôi thấy có hàng chục chiếc xe đủ loại BKS như 53M-055…, 52S-143…, 77K-830…, 81K…, 82K… đang chờ lấy “vé” đăng ký từ những người (trên cánh tay đầy những hình xăm) ngồi trên chiếc xe mang BKS Campuchia. Theo lời chị Phạm Thị Nam, họ là “nhân viên” của công ty, kiểm tra số đầu người để trả tiền cho tài xế. Xe tiếp tục “trườn” về trạm kiểm soát cửa khẩu. Trạm chỉ có hai nhân viên, một của ngành hải quan, một của biên phòng. Hầu hết khách trên chuyến xe hôm đó đều không có giấy thông hành hoặc hộ chiếu, có 4 người sử dụng CMND lụi của người khác. Tài xế cầm một xấp CMND giao cho viên sĩ quan biên phòng, anh này gọi tên từng người, chúng tôi cố nhớ tên mình (trong giấy CMND lụi) và qua cổng sang bên kia biên giới dễ như đi chợ.
Đến nơi, Toàn không quên nhắc cả đoàn: “Ăn cơm trưa nhé, chơi xong chiều về tôi đón”. 6 người, 6 dĩa cơm, ăn chung 1 đĩa thức ăn chỉ bằng bàn tay, hết 150.000 đồng, ly nước mía giải khát giá 10.000 đồng. Ngồi một lát lại có thêm 3 tài xế nữa là tài Tèo, tài Thịnh, tài Trường nhập bọn. Tài Thịnh không ngừng chèo kéo chị Nam cùng tôi lần sau đi xe mình. Lúc này, Toàn không ngần ngại phán: “Chú mày chơi lấn sân à? Chư Prông là địa bàn của anh, chú dám đến anh cho chú mày “bò” về nhà”.
Casino bên phía nước bạn là một nhà xưởng mái lợp tôn có tưới nước giảm nhiệt, nhưng không ngăn được cái nóng hầm hập giữa trưa. Sòng bạc chỉ gồm 4 món: long hổ, bài cào, tài xỉu, xóc dĩa. Hai món tài xỉu và xóc dĩa chiếm hầu hết người chơi, 3 bàn long hổ, bài cào chỉ lèo tèo vài người. Theo ước lượng của chúng tôi, có khoảng hơn 250 người tham gia đánh bạc hôm đó, chủ yếu khách Việt Nam, thỉnh thoảng mới thấy một người Cam (Campuchia) chơi. Cách chơi tài xỉu không khác gì ở các sòng bạc Việt Nam, riêng món xóc dĩa có thêm vài cái mới, chỉ đặt chẵn, lẻ trúng là ăn tiền. Không có kiểu “thừa”, “bán” như ở bên Việt Nam. Tiền đặt cược nhỏ nhất 100.000 đồng, lớn nhất 300 triệu đồng cho một lần đặt; đánh 3 đen, 3 trắng đặt 1 ăn 2,5; đánh 4 đen, 4 trắng đặt 1 ăn 10. Mỗi triệu đồng tiền thắng được nhà cái lấy 50.000 đồng tiền xâu. Hồ lỳ ngồi xóc và kêu kết quả, có 6 nhân viên mặc đồng phục trắng, thắt nơ đỏ chung tiền. Đám con bạc bu lấy 2 dãy bàn tài xỉu, xóc dĩa. Tiếng hồ lỳ kêu kết quả. Tiếng con bạc la mừng rỡ, hớn hở vì được bạc trộn lẫn với tiếng ồn ào, văng tục của con bạc thua tiền vang cả “khán phòng”. Người mặt đỏ gay vì cay cú, kẻ xịu mặt vì tiếc rẻ, không ít con bạc mặt xám ngắt vì bị lột sạch tiền…
Đỏ đen tại casino, các con bạc thuộc dạng đại gia mỗi “chén” thường đánh vài triệu đến vài chục triệu đồng, tùy độ “kết hàng” của họ, nhiều “chén bạc” lên đến hơn trăm triệu đồng. Khi cháy túi các đại gia thường được nhà cái khuyến mãi một ít tiền chơi tiếp, tùy theo mức độ thua. Nhà cái kiêm luôn dịch vụ cho vay tiền đánh bạc, các chân rết kiêm tài xế đi tuyển “quân” hầu như nắm chắc “lý lịch” tài chính của mỗi con bạc nên nhà cái chẳng ngại ngần gì không cho vay. Có việc gì, “quân tướng” đến tận nhà đòi nợ, hầu như chẳng có con nợ nào thoát. Ở các huyện Chư Prông, Đức Cơ, TP Pleiku… (tỉnh Gia Lai), không ít người vay tiền ở sòng bài bên Campuchia đánh bạc thua cháy túi, về phải bán nhà, bán vườn để trả nợ. Chưa nghe nói có con bạc nào có gan “chạy làng”. Cùng đó là một đội quân lưu động cầm đồ, cho vay tiền lấy lãi sẵn sàng phục vụ các đại gia cùng con bạc khi họ có yêu cầu. Không ít người ở Đức Cơ sang đây mở dịch vụ cầm đồ. Theo quan sát của chúng tôi, có khoảng 5 người chuyên cho vay tiền lấy lãi, cầm đồ cho dân cờ bạc. Cứ vay “nóng” trong ngày 1 triệu đồng, con bạc phải trả 50.000 đồng tiền lãi. Chính họ là nhân tố trợ giúp nhà cái rút túi con bạc đến đồng bạc cuối cùng…
Từ nghèo đến... mạt
Những ngày thâm nhập bên kia biên giới, chúng tôi thấy người tham gia đánh bạc thuộc đầy đủ các thành phần, địa phương, vùng miền của Việt Nam. Không ít người là công nhân, dân lao động ở các tỉnh phía Bắc, khu vực Bắc Trung bộ đang làm việc tại tỉnh Gia Lai, có thể dễ dàng nhận biết qua giọng nói của họ. Nhiều người trong số này là nông dân của tỉnh Gia Lai, do trúng cà phê, hồ tiêu bị rủ rê sang đây đánh bạc.
Ngày cuối cùng trên đất bạn, chúng tôi gặp con bạc Trần Thị Hà, quê ở huyện Quỳnh Lưu (tỉnh Nghệ An). Gia đình chị tan cửa nát nhà vì đam mê trò đỏ đen, số tiền kiếm được từ buôn bán đá đỏ từng nổi tiếng một thời ở Nghệ An, cháy sạch trên chiếu bạc. Hai vợ chồng kéo nhau vào Tây Nguyên làm đủ thứ nghề để sống. Ban đầu ở Đắc Lắc, lại trôi dạt lên Chư Prông đã hai năm nay. Ngựa quen đường cũ, Hà không thể bỏ được máu cờ bạc. Chị đã không nhớ nổi mình đã bao lần vượt biên đánh bạc, nhưng nhớ như in là không lần nào thắng trận trở về. Làm quần quật, buôn bán được chút đỉnh là máu cờ bạc lại nổi lên, Hà mò sang biên giới sát phạt. Chồng đánh đằng chồng, vợ chơi đằng vợ, tiền ai người nấy đánh. Thua cháy túi trở về, vợ chồng lại bắt đầu lầm lũi đi làm để kiếm tiền… đánh tiếp. Vào trận không ít lần Hà ăn vài chục “chai”, nhưng cuối cùng cũng bị nhà cái vét sạch trước khi rời khỏi casino.
Tiếp tục tìm hiểu chuyện sát phạt tại casino, chúng tôi gặp con bạc có hoàn cảnh cô đơn ở huyện Chư Prông là Phạm Thị Út. Út đã lớn tuổi nhưng độc thân, cắt tóc đinh giống đàn ông và tỏ vẻ khó chịu khi ai đó gọi bằng chị. Khi tôi gọi “anh Út”, chị ta tỏ vẻ khoái chí. Chiều về thu được “chiến lợi phẩm” gần 2 triệu đồng, “anh Út” không quên “ngoắc” tôi uống ly nước mía lấy hên. Khi tôi hỏi: Sao anh Út không tiếp tục, trông anh Út đang “son”? Út tỏ vẻ già đời: Chiều rồi, thắng được tiền phải biết giữ, mai đánh tiếp, giờ theo tiếp là sạch túi. Đừng nói tiền thắng, vốn đi luôn cũng không chừng. Chủ yếu là thỏa mãn máu đỏ đen, đồng thời được chứng kiến bạc tỷ “xòa” trước mắt, coi không cũng đã cơn ghiền.
| |
Trường hợp chị Phạm Thị Nam thì khác. Nam đã có gia đình, chồng mê cờ bạc khiến gia đình tan nát. Nam ôm con về nhà ngoại, cặp bồ, có thêm đứa con ngoài giá thú và cũng sa vào trò đỏ đen. Nam kể: “Nhớ lại lần đầu chơi món long hổ, mình mất toi 2 “chai”. Ngày hôm sau ôm hơn 10 “chai” quyết ăn thua đủ, nhưng lại sạch túi về nhà, dù được nhà cái khuyến mãi 500.000 đồng. Tuần nào mình cũng đi sang đây, thua nhiều hơn thắng, lần nào còn tiền về đến nhà coi như thắng”. Phạm Thị Út bỏ nhỏ với tôi: “Tui cho Nam mượn 7 “chai”, hôm qua mới trả được 3 “chai”, còn thiếu 4 “chai” đấy. Mấy ngày nay nó đen lắm, thua suốt à”. Một công nhân cao su ở Chư Prông tên Hải cho biết, nhiều công nhân cao su cùng đơn vị với mình cũng thường sang chơi. Không ít người “đóng học phí” chục triệu là chuyện thường. Như chú ruột của Hải, nhà cửa, vườn tược phải bán hết vì cờ bạc, đang suy tim độ 3. Bác sĩ khuyên bỏ cờ bạc nhưng ông vẫn chứng nào tật nấy, có được vài trăm ngàn đồng là lần mò sang Ozadao chơi.
Một trường hợp khác, Toàn ở đường Hùng Vương, thị trấn Chư Prông (huyện Chư Prông), bán được vườn tiêu 700 triệu đồng, xách cả túi tiền “hành quân” lên biên giới đánh bạc. Ngày đầu đánh ăn mấy trăm triệu đồng, Toàn định mua chiếc xế hộp đi chơi, chưa kịp mừng, hôm sau đã thua sạch cả vốn lẫn lời, gán căn nhà 2 tầng để gỡ cũng thua nốt. Giờ chàng bỏ xứ chẳng ai biết đi đâu. Đó cũng là kết cuộc chung của nhiều con bạc, họ bị gài bẫy, càng thua, càng cay cú… Không ít con bạc vì mê trò đỏ đen bị mất cả nhà lẫn rẫy vườn mà gia đình họ đã gầy dựng hàng chục năm trời.
ĐỨC TRUNG – HOÀI NHƠN