Mới ra mắt vào cuối tuần qua, trò chơi Pokemon Go ngay lập tức khiến giới trẻ “phát cuồng” đến nỗi quên ăn, quên ngủ… Vì mải mê “bắt Pokemon” mà nhiều “tai nạn” không đáng có đã xảy ra.
“Bắt Pokemon” bất chấp hiểm nguy
Dù là ngày giữa tuần nhưng các khu vực công cộng tại trung tâm TPHCM như công viên Tao Đàn, công viên 23-9, công viên Lê Văn Tám, phố đi bộ Nguyễn Huệ, công viên 30-4, công viên Lê Thị Riêng… lại đông nghịt các bạn trẻ bởi đây là nơi được cài đặt sẵn nhiều Pokestop, có nhiều Pokemon hiếm. Từ sáng sớm đến tận hơn 10 giờ đêm, nhiều bạn trẻ vẫn chưa chịu rời các điểm vui chơi công cộng này. Pokemon Go là trò chơi sử dụng công nghệ dịch vụ định vị toàn cầu (GPS), người chơi có thể tham gia miễn phí, săn tìm các quái thú Pokemon ảo tại những địa điểm thực.
Lúc 20 giờ 20 ngày 8-8, tại công viên Tao Đàn (quận 1), chị N.H.N.Tr (31 tuổi, ngụ quận 10) vừa đi bộ vừa cầm điện thoại iPhone 6 Plus và mải mê “bắt Pokemon”. Thấy chị Tr. mất cảnh giác, không để ý xung quanh mà chỉ dán mắt vào màn hình smartphone, Nguyễn Văn Hiếu (19 tuổi, quê Gia Lai) đang tập thể dục gần đó nảy sinh ý định giật điện thoại của chị Tr. Hiếu đi vòng ra phía sau lưng chị Tr. rồi giật chiếc điện thoại, bỏ chạy theo hướng đường Nguyễn Thị Minh Khai. Bất ngờ bị giật, chị Tr. “tỉnh ra”, liền tri hô cướp. May mắn cho Tr. khi được một bảo vệ công viên Tao Đàn hỗ trợ truy đuổi. Chạy được một đoạn, Hiếu bị bắt, giao cho công an phường Bến Thành (quận 1, TPHCM).
Nhiều bạn mê mẩn bắt Pokemon mà không quan tâm xe cộ xung quanh mình
Qua đường không nhìn... đường
Trưa 10-8, khi đang lưu thông trên đường Trương Định đoạn qua công viên Tao Đàn, anh Nguyễn Hoàng Tâm (32 tuổi, quận Thủ Đức) phải thắng xe gấp vì phía trước có hai bạn trẻ dừng xe đột ngột bởi “Pokemon xuất hiện”. “Lúc đầu tôi không biết tại sao hai bạn nữ dừng xe đột ngột, nhưng khi dừng lại thấy cả hai reo lên mừng rỡ vì bắt được một con Pokemon tôi mới biết là họ đang chơi game, mặc dù đang chạy xe. Không biết trò chơi này vui như thế nào nhưng thực tình nhiều bạn chơi say sưa quá đến nỗi không để ý xe cộ xung quanh”, anh Tâm kể.
Nhiều người dừng xe máy ngay bên đường Trương Định – công viên tào Đàn (quận 1) để săn Pokemon gây ảnh hưởng giao thông.
Trò chơi đáng ngại
“Cơn dịch Pokemon Go đã “truyền nhiễm” tới các thành viên gia đình mình rồi. Chị gái đang ngồi nói chuyện ngoài phòng khách với mình tự dưng đứng dậy cầm điện thoại mở cửa xông ra hành lang. Một lúc sau quay trở vào mặt cay cú, chẳng thèm nói với mình câu nào, tiếp tục dán mắt vào màn hình... Sau đó mấy đứa em trong nhà cũng hớn hở cài app cùng chơi. Riết rồi không ai có thời gian nói chuyện với mình”, T. Thảo (Q. Bình Thạnh) chia sẻ câu chuyện cả nhà chơi bắt Pokemon trong trạng thái hụt hẫng.
Theo TS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, Trưởng Bộ môn Tâm lý học Ứng dụng - ĐH Sư Phạm TPHCM, nguyên nhân gây ra cơn sốt Pokemon Go một cách chóng mặt là bởi món ăn lạ sẽ dễ gây tò mò, trò chơi lạ sẽ dễ gây sốt: “Pokemon Go là một trong những trò chơi đầu tiên ứng dụng thành công định vị toàn cầu, gắn liền với khung cảnh thực người chơi đang sinh sống. Ngoài ra, đây là trò chơi điện tử duy nhất lôi được người ta ra khỏi nhà và có cơ hội gặp gỡ những người thật cùng chơi. Đây là những điểm thú vị tạo nên cơn sốt Pokemon Go”.
Giới trẻ TPHCM đổ xô ra công viên săn thú ảo Pokemon
Tuy nhiên, cũng theo TS Khắc Hiếu, Pokemon Go cũng chỉ là một trò chơi nên cần phải điều tiết phù hợp. “Trò chơi là để giải trí. Đừng vì mê chơi mà bỏ quên cả chuyện học hành, bỏ mặc người thân, đốt thời gian của mình là được. Nên tận dụng Pokemon để ra ngoài vận động cơ thể, gặp gỡ làm quen bạn mới. Đừng vì một con Pokemon ảo mà gây tai nạn giao thông, bị cướp ngoài đường hay mâu thuẫn với người khác. Riêng phụ huynh, chỉ nên cho con chơi khi đã hoàn thành mọi nhiệm vụ khác như học tập, phụ giúp gia đình. Dạy con biết tự kiềm chế và đừng quá tốn thời gian vào một trò chơi nào đó. Hãy giữ đúng bản chất của một trò chơi là dùng khi cần giải trí. Hãy là người chơi sáng suốt thay vì là nô lệ của trò chơi”, anh Hiếu khuyến cáo.
Anh Lê Duy Minh (31 tuổi) đang làm việc tại tòa nhà chi nhánh 2 Nguyễn Thái Bình (quận 1) cho rằng: “Trò chơi này tưởng vui, không gây hại nhưng lại rất nguy hiểm. Cứ ra đường là thấy nhiều bạn cắm cúi, dán mắt vào điện thoại mà đi, chẳng thèm để ý hay nhìn gì xung quanh. Một số trường hợp té, bị giật điện thoại đã có nhưng chưa có cơ quan chức năng hay khuyến cáo nào để hạn chế trò chơi này cả. Nếu chỉ bị mất tài sản của mình thì coi như “của đi thay người” nhưng điều đáng ngại là có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho nhiều người khác. Hơn nữa, với trò chơi Pokemon Go, muốn truy cập để chơi, người dùng phải cập nhật thông tin cá nhân, vị trí,… rất nhiều lỗ hổng về bảo mật thông tin người dùng. Thật tình tôi thấy nhiều người trẻ hiện nay rất rảnh rỗi. Thay vì ra công viên cầm smartphone đuổi theo cái con Pokemon đó, chúng ta dành thời gian để làm những khác có ích có phải tốt hơn không?”.
VÕ THẮM