“Đỏ mắt” mò ve chai dưới đáy sông

Trong trăm ngàn nghề, nhưng người đàn ông này lại chọn cho mình cái nghề khá lạ lẫm để mưu sinh là nghề “mò ve chai dưới đáy sông”. Nghề này được cho là một nghề khá hiếm, ít ai làm và người ta ví nó như một nghề rất bạc bẽo và chát đắng, chẳng khác nào “mò kim đáy biển”. Vậy mà, hơn một nửa đời người lặn ngụp dưới đáy sông sâu, mấy mươi năm nay ông đã “gánh” cả gia đình.
“Đỏ mắt” mò ve chai dưới đáy sông

Trong trăm ngàn nghề, nhưng người đàn ông này lại chọn cho mình cái nghề khá lạ lẫm để mưu sinh là nghề “mò ve chai dưới đáy sông”. Nghề này được cho là một nghề khá hiếm, ít ai làm và người ta ví nó như một nghề rất bạc bẽo và chát đắng, chẳng khác nào “mò kim đáy biển”. Vậy mà, hơn một nửa đời người lặn ngụp dưới đáy sông sâu, mấy mươi năm nay ông đã “gánh” cả gia đình.

Nhọc nhằn mưu sinh dưới đáy sông sâu

Trời nắng chang chang, nước ròng, vợ chồng ông Ôn Văn Minh (57 tuổi, ở khu phố 7, thị trấn Mỏ Cày, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) lại thả ghe xuôi theo con nước, mang theo đủ đồ nghề ra tận ngoài sông Hàm Luông để bắt đầu chuyến đi nhặt ve chai. Mùa nào cũng vậy, nước ngoài con sông Hàm Luông chảy xiết, gió thổi lồng lộng. Ra tới sông lớn, mặc cho nước cả, sông sâu, người thợ lặn này chỉ quấn sợi dây thở lên mình rồi ngậm vào miệng, nhảy ào xuống nước, “biến mất” đến vài ba giờ đồng hồ mới ngoi lên, trước bụng đeo theo cái túi đựng sắt vụn vừa lượm được mang lên ghe. Đến chiều tối, nước lớn, họ lại thu dọn dụng cụ xuôi theo con nước trở về.

Ông Minh tâm sự, cái nghề mà ông cho là “mặn mòi” với mình đó đã gắn bó với ông từ thời trẻ. Hơn 40 năm lặn ngụp dưới đáy sông, ông  Minh cảm nhận: “Nghề này chua chát lắm, nhưng vì cuộc sống tôi đã bám lấy nó mấy chục năm nay”. Nhớ lại, mấy mươi năm về trước, cũng có vài người làm nghề thợ lặn như ông nhưng dần dần họ thấy nghề này rất khó kiếm cơm nên đã giải nghệ, lên bờ tìm kế khác sinh nhai. Duy chỉ mình ông đeo bám lấy nó kiếm sống đến hôm nay. Để vớt được từng miếng sắt vụn lên bờ đổi lấy cơm, ông Minh phải nín thở, trầm mình dưới đáy sông ở độ sâu 30-40m nhiều giờ liền, nên mắc bệnh là không tránh khỏi. Nhất là tới mùa gió bấc về lạnh buốt, da thịt tím tái nhưng vì miếng cơm, manh áo ông Minh vẫn phải đi lặn. Ông cho biết, lúc nào ngã bệnh đành nằm ở nhà, còn khi khỏe là không thể ở trên bờ được mà phải xuống sông vì trót mang cái nghiệp.

Đối với người thợ lặn, đôi tay trở thành “đôi mắt” để nhặt ve chai. Không đơn giản lặn xuống là “bắt” được sắt vụn ngay, mà mò trúng mảnh chai, chảy máu tay là chuyện như cơm bữa. Công việc tuy không vất vả nhưng người thợ lặn luôn đối mặt hiểm nguy rình rập: “Nghề này cần phải có máu mặt và liều mạng mới làm được, chỉ một chút sơ sẩy là có thể mất mạng như chơi, bởi lặn ngụp dưới đáy sông, nhiều khi ống hơi bị sự cố ngoi lên không kịp thì cũng dễ mất mạng trong tích tắc. Hay lúc lặn, nhiều khi ghe máy chạy ngang không tránh kịp thì cũng dễ chết”.

Lặn nhiều giờ liền dưới đáy sông lạnh ớn cả người, những lúc đó ông ngoi lên mặt nước rồi leo lên ghe thở thều thào, ngậm điếu thuốc cho ấm rồi tiếp tục nhảy ào xuống sông tiếp tục “săn mồi”. Cái nghề lạ, hiếm ai làm nên không phải cạnh tranh. Có hôm gặp may, một buổi ông có thể mò được cả trăm ký sắt vụn, bán được 400.000-500.000 đồng, nhưng cũng có lúc lại bỏ công không, chẳng kiếm được xu nào. “Vui nhất là hôm nào mò trúng nhiều sắt vụn là ngày đó ngon cơm”, ông  Minh vui vẻ nói.

Sẽ không truyền nghề cho con

Gia đình không đất đai, chỉ có cái nền nhà để ở, sống bằng cái nghề mò ve chai dưới đáy sông, ông Minh chia sẻ: “Hễ mình mẩy ướt thì có ăn còn khô thì đói”. Gần nửa đời người lặn ngụp dưới đáy sông, “mò kim đáy biển”,  ông Minh thấm thía nó bạc bẽo đến dường nào. Ông lắc đầu một mực nhất quyết sẽ không truyền nghề thợ lặn này cho con. Ông không cho con mình nối nghiệp chẳng phải ông muốn giấu nghề mà vì ông cho rằng, nghề này sinh tử đột ngột và chua chát vô cùng, phần vì phế liệu dưới sông không tái sinh được, bởi thế mò hết chỗ này, ông lại đổi đi chỗ khác “làm ăn”. Khi xuôi ra sông Hàm Luông, khi xuống tận biển Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú...

Ông Minh chuẩn bị một chuyến “ra khơi” mưu sinh dưới đáy sông sâu

Những ai đi lặn ngụp như ông, đòi hỏi phải có năm bảy cái “lá gan” mới làm được. Nhiều khi lặn dưới đáy sông mò trúng hòm chôn người chết bị xói lở trôi ra sông lớn. Những lần như thế, ông Minh ớn lạnh, rùng mình bơi đi chỗ khác. Lâu ngày, đối với ông không còn xa lạ mấy chuyện đó nữa. Khi tôi hỏi: “Nghề này bạc bẽo quá sao chú không chuyển nghề khác, lên bờ kiếm sống, tuổi càng ngày càng cao, làm nghề lặn rất nguy hiểm?”, ông Minh cười đáp: “Đúng là cái nghề này là nghề “độc”, hiếm ai làm. Kiếm sống bằng nghề này cũng bấp bênh lắm nhưng nhà không tiền, cuộc sống phải chạy cơm gạo từng bữa, phần vì con đông, không lặn thì làm sao có miếng cơm mà sống. Nhiều khi tôi cũng muốn đổi nghề lắm nhưng khổ nổi không vốn làm sao đổi được nên đành đeo bám cái nghề bạc bẽo này”.

Nửa ngày dưới đáy sông, nửa ngày trên cạn, ông Minh cười ví von cái nghiệp lạ đời của mình: “Người ta ở trên bờ mở con mắt đi bán buôn còn ế lên, ế xuống. Còn tôi nhắm con mắt, lặn ngụp dưới đáy sông kiếm cơm nuôi cả 8 miệng ăn thì thử hỏi làm sao mà giàu được, đủ sống là may mắn lắm rồi”.

Sở dĩ ông Minh thường hay quẩn quanh lặn mò ve chai ở sông Hàm Luông vì ông biết hồi chiến tranh nơi này rất ác liệt, địch ném bom, bắn phá dữ dội nên có nhiều mảnh bom đạn, sắt thép còn vùi dưới bùn sâu. Qua thời gian “khai thác”, đến nay, hàng “ve chai” dưới sông này cũng ngày càng cạn kiệt, việc kiếm “miếng cơm” càng lúc càng khó nhọc. “Nhiều khi đi lặn cả buổi không đủ tiền mua gói thuốc lá”, ông Minh than thở.

Căn nhà nửa nền lát gạch, nửa sàn ván gỗ nằm lơ lửng ngoài mé sông mà gia đình ông Minh đang ở là tất cả công sức ông lặn ngụp suốt hàng chục năm. Ngoài nghề lặn sông tìm sắt vụn, ông Minh còn làm phước cho nhiều người. Ông kể, khi nghe có ghe chở hàng hóa qua sông lớn bị sóng dập chìm, ông không ngại ra lặn vớt ghe lên giúp. Thấy họ cũng nghèo, phải mướn ghe chở lá chằm về lợp nhà nên ông cũng chẳng lấy tiền công mà chỉ làm giúp để tích phước. Nhiều vụ tai nạn chìm ghe, chết người, ông cũng tự nguyện đi lặn tìm vớt thi thể. Ông Minh nói: “Mình làm phước nào thì được phước đó, giúp người hoạn nạn thì mình cũng có được phước lớn là có cơm, có gạo cho ngày sau”.

Hồng Phượng

Tin cùng chuyên mục