Sáng 26-5, tại Đường sách TPHCM diễn ra buổi ra mắt cuốn sách “Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn” (NXB Tổng hợp TPHCM) của TS lịch sử Trần Đức Anh Sơn, Nguyên Giám đốc bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế, Nguyên Trưởng khoa Việt Nam học, Đại học Phan Châu Trinh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng.
Đồ sứ ký kiểu thời vua Minh Mạng
Đồ sứ ký kiểu là thuật ngữ chỉ các loại đồ sứ do các nghệ nhân Việt Nam thiết kế, vẽ kiểu… sau đó đặt hàng các lò gốm Trung Hoa chế tạo. Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn thường do đích thân các vua thời Nguyễn duyệt mẫu và đặt sản xuất nhằm cung cấp cho việc sử dụng trong cung đình hay cung cấp cho các quan viên, trụ sở của các cơ quan triều đình… So với các sản phẩm đồ sứ khác trong lịch sử Việt Nam, đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn có một chỗ đứng nhất định, phản ánh một giai đoạn lịch sử bang giao về văn hóa không chỉ giữa Việt Nam và Trung Hoa mà còn gắn liền với các nước châu Âu, khu vực Đông Nam Á.
Tác phẩm nghiên cứu Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn
Cuốn sách được phát triển từ luận án tiến sĩ của tác giả Trần Đức Anh Sơn, từng được Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Quỹ giải thưởng Phạm Thận Duật trao giải Nhì cho luận án Tiến sĩ lịch sử xuất sắc năm 2003. Năm 2008, tác phẩm in lần đầu tiên, bản đen trắng do NXB Đại học Quốc gia Hà Nội ấn hành. Cuối tháng 5-2018, bản in mới nhất được NXB Tổng hợp TPHCM giới thiệu đến bạn đọc. Ở ấn bản này, tất cả hình ảnh đều được in màu, nội dung được cập nhật, bổ sung nhiều thông tin mới, cấu trúc trình bày cũng được thay đổi cho phù hợp với thể loại sách về cổ vật. Sách được in song ngữ Việt - Anh.
Với độ dài 336 trang song ngữ, tác giả vừa giới thiệu tổng quan về gốm sứ, vừa cung cấp kiến thức chuyên ngành về đồ sứ thời Nguyễn dưới góc nhìn của một chuyên gia bảo tàng. Cuốn sách gồm có 5 chương cùng với 3 phụ lục:
Chương I: Diễn giải các thuật ngữ về đồ sứ ký kiểu, ví dụ như Dleus de Huế; Đồ sứ men lam Huế; Đồ sứ ký kiểu…
Chương II: Giới thiệu đồ sứ ký kiểu giai đoạn trước nhà Nguyễn như: thời Lê - Trịnh ở đàng ngoài; thời các chúa Nguyễn ở đàng trong; thời Tây Sơn.
Chương III: Giới thiệu nguồn gốc, phương thức ký kiểu và lưu giữ các đồ sứ ký kiểu theo chân các sứ bộ triều Nguyễn sang Trung Hoa ở từng triều đại Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Khải Định.
Chương IV: Đi sâu phân tích đặc điểm mỹ thuật của đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn, từ kiểu dáng, màu sắc đến đề tài trang trí.
Chương V: Ghi nhận văn tự bằng thơ văn chữ Hán, chữ Nôm và hiệu đề trên đồ sứ ký kiểu.
Các phụ lục gồm: Những bài thơ vịnh cảnh sắc vùng Thuận - Quảng của chúa Nguyễn Phúc Chu trên đồ sứ ký kiểu; Các món đồ sứ do Đặng Huy Trứ ký kiểu; Các mẫu hiệu đề trên đồ sứ ký kiểu.
Tiến sĩ lịch sử Trần Đức Anh Sơn
Tại buổi giao lưu, tác giả Trần Đức Anh Sơn đã giải đáp nhiều câu hỏi xung quanh đồ sứ ký kiểu. Có bạn đọc đặt câu hỏi vì sao Việt Nam có lịch sử phát triển đồ sứ cũng khá cao nhưng vua quan lại không đặt làm mà phải qua tận Trung Hoa đặt làm. Trong lời đáp, nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn cho biết có 3 nguyên nhân cơ bản: đầu tiên là kỹ thuật, khi đó lò nung gốm sứ tốt nhất của chúng ta vẫn chưa đạt mức nhiệt như lò bên Trung Hoa nên không đáp ứng được yêu cầu về kỹ thuật; thứ hai là bên họ có nguồn cao lanh (đất sét trắng để làm gốm) chất lượng tốt hơn, nguồn men hồi vốn đi đường Trung Hoa vào Việt Nam nên giá thành, chất lượng bên họ cũng tốt hơn và cuối cùng là do biến động lịch sử, chúng ta bị thất truyền nhiều nghệ nhân làm gốm giỏi. Việc đặt làm đồ sứ như vậy cũng không có gì lạ mà ngược lại rất quen thuộc, ngoài Việt Nam, nhiều loại đồ sứ châu Âu, vùng Malacca, Đông Nam Á… đều đặt làm tại Trung Hoa, dĩ nhiên là vẫn mang nét văn hóa riêng của từng khu vực.
Có một chi tiết đáng chú ý là đồ sứ ký kiểu tuy làm ở Trung Hoa nhưng tất cả đều đưa về các quốc gia đặt, không lưu truyền tại Trung Hoa nên hoàn toàn không nằm trong các danh mục nghiên cứu gốm sứ Trung Hoa.
Bạn đọc đặt nhiều câu hỏi với tác giả
Về vấn đề nghiên cứu đồ sứ ký kiểu, theo tác giả Trần Đức Anh Sơn, các sản phẩm này gắn liền với triều đình, đặc biệt là gắn liền với các vị vua, chúa nên phản ánh rất rõ nét sự biến đổi của các vị vua, qua đó phản ánh của sự biến đổi chung của lịch sử đất nước. Ví dụ, thời vua Gia Long đặt rất ít đồ sứ ký kiểu, nếu có thường đơn giản, không cầu kỳ phức tạp. Điều này có nguyên do đất nước mới qua thời chiến, kho tàng đồ gốm sứ Lê - Trịnh còn rất nhiều mà dòng gốm sứ này được sản xuất vào giai đoạn nguồn cao lanh bên Trung Hoa còn dồi dào, chất lượng rất cao nên chất lượng gốm sứ cũng cao vượt bậc so với thời kỳ sau đó.
Đến thời Minh Mạng lại đặt rất nhiều đồ gốm sứ có kích thước lớn, nguyên nhân là do thời này vua tiến hành cải cách hành chính quy mô lớn, dẫn đến xuất hiện nhiều công sở, viện… mới cần nhiều sản phẩm gốm sứ để trang trí. Thời Thiệu Trị, ảnh hưởng châu Âu bắt đầu mạnh mẽ, đồ gốm sứ ký kiểu bắt đầu mang nặng kiểu Âu. Thời Tự Đức, là ông vua thích thơ nên đồ gốm sứ ký kiểu thời kỳ này tràn ngập thơ, từ thơ tự sáng tác của vua đến thơ của các nhà thơ nổi tiếng, thơ cổ tuyển chọn… Thời Bảo Đại lại hoàn toàn tràn ngập đồ sứ châu Âu.
Nhiều bạn đọc trẻ rất quan tâm đến đề tài này
Hiện nay, theo nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn, đồ gốm sứ ký kiểu thời Nguyễn một phần thuộc tài sản quốc gia nhưng một phần không nhỏ khác đã trôi dạt ra dân gian, thuộc các bộ sưu tập cổ vật cá nhân, một số khác đã ra nước ngoài. Việc sưu tầm, tìm tòi lại các cổ vật này đang là một niềm hy vọng chung của những người nghiên cứu lịch sử trong nước nhằm giúp người dân hiểu thêm về lịch sử văn hóa của dân tộc.