Thời gian gần đây, nhiều nông dân ở ĐBSCL đổ xô bắt ốc bươu vàng (OBV) lấy thịt cung ứng cho chủ vựa để bán cho thương lái Trung Quốc. Việc bắt OBV giúp nông dân có thu nhập, tận diệt loài sinh vật phá hoại mùa màng. Tuy nhiên, nếu không quản lý tốt, có thể xảy ra tình trạng nông dân nuôi OBV sẽ gây hậu quả nặng nề cho ngành nông nghiệp.
Nông dân huyện Vị Thủy (Hậu Giang) luộc OBV bán cho thương lái.
Về các vùng nông thôn ở Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu… đâu đâu cũng thấy nông dân ra đồng bắt OBV đem về luộc, lấy thịt, sau đó bán cho chủ vựa.
Nông dân Nguyễn Văn Mừng, ngụ xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, (Hậu Giang), cho biết: “Hơn 1 tháng nay ngày nào tôi cũng bắt OBV, sau đó có thương lái đến tận nhà thu mua. Trung bình mỗi tối 2 vợ chồng tôi ra đồng dùng vợt vớt được khoảng 100kg ốc, đem về lể lấy được khoảng 25kg ốc thịt bán với giá 11.000 đồng/kg. Hầu như cả xóm này nhà nào cũng đi bắt ốc bán kiếm thu nhập đáng kể trong những tháng nông nhàn”. Ở ấp 10 và ấp 11, xã Vị Thắng (Vị Thủy, Hậu Giang) nhiều nông dân cũng đổ xô đi bắt OBV bán cho thương lái.
Ông Đỗ Văn Tiềm ở ấp 10 cho biết: “Mấy năm nay vùng này không làm lúa vụ 3 nên OBV sinh sôi rất nhanh. Trước đây nông dân chỉ bắt về cho vịt và cá ăn, nhưng giờ giá cao nên toàn bộ ốc đều cân cho các chủ vựa. Thông thường ban đêm nông dân đi soi ốc đến sáng về luộc, lể lấy thịt để tới chiều sẽ có thương lái đến tận nhà mua”.
Tại các địa phương khác như Sóc Trăng, Kiên Giang, TP Cần Thơ… nhiều nông dân cũng bắt OBV bán kiếm thêm thu nhập trong mùa nước nổi. Hầu hết phần ốc thịt đều được thu gom tận nhà dân, rồi sau đó chuyển qua các chủ vựa ở các xã Tân Phú, Long Phú (huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) tiến hành sơ chế để bán qua Trung Quốc.
OBV được bán cho thương lái từ mấy năm qua và hầu hết lượng ốc thịt đều được xuất sang Trung Quốc. Ông Đỗ Văn Sáu ở ấp 10, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, Hậu Giang, cho biết: “OBV ngày trước bị liệt vào hàng bỏ đi vì chúng phá hoại mùa màng rất dữ. Tuy nhiên, bây giờ nó trở thành món “độc” vì nghe đâu được bán qua bên Trung Quốc và các nước để làm thực phẩm. Nhờ OBV được xuất ngoại mà nông dân cũng kiếm thêm thu nhập kha khá trong mấy tháng mùa nước nổi”.
Anh Nguyễn Văn Minh, thương lái, thu mua OBV ở huyện Vị Thuỷ, bộc bạch: “Tôi chuyên thu gom ốc cho chủ vựa ở huyện Long Mỹ, rồi sơ chế chuyển lên một công ty ở TPHCM, sau đó sẽ bán cho thương lái bên Trung Quốc mua về làm thực phẩm. Những khi hút hàng đi thu gom liên tục cũng không đủ số lượng để giao”.
Theo ông Lê Hoàng Thái, Trưởng phòng Kinh tế huyện Long Mỹ (Hậu Giang): “Mấy năm nay trên địa bàn huyện có một số cơ sở thu mua thịt OBV về sơ chế, sau đó đem lên TPHCM tiêu thụ. Khi hỏi chủ các cơ sở này thì họ cho biết đem lên các công ty trên đó, còn các công ty này bán sang Trung Quốc hay thị trường nào, giá bao nhiêu, họ mua OBV để làm gì… thì không rõ?”. Ông Thái cho rằng, lâu nay ở thị trường nội địa hầu như không ai ăn OBV, toàn bộ loại ốc này chỉ có thể xuất bán sang Trung Quốc.
Theo nhiều chuyên gia, việc bắt OBV trong mùa lũ là việc làm rất tốt để ngăn chặn loài động vật ngoại lai này phá hoại mùa màng. Tuy nhiên, cần phải quản lý thật chặt chẽ, nhằm tránh trường hợp một số nông dân thấy lợi trước mắt mà lén lút nhân nuôi OBV thì tai họa sẽ khó lường cho người trồng lúa…
VỊ THANH