70% DN không hiểu
CPTPP chính thức có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 14-1, được đánh giá sẽ tạo ra tác động tích cực trong việc thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu khi các nước giảm thuế nhập khẩu về 0% cho hàng hóa của Việt Nam. Theo đó, DN Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường các nước thành viên CPTPP sẽ được hưởng cam kết cắt giảm thuế quan rất ưu đãi. Với mức độ cam kết mở cửa thị trường nêu trên, theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự báo đến năm 2030, xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thành viên CPTPP sẽ tăng từ 54 tỷ USD lên 80 tỷ USD, chiếm 25% tổng lượng xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới.
Tuy nhiên, sau hơn 8 tháng thực thi CPTPP, rất nhiều DN trong nước vẫn mơ hồ hoặc ít quan tâm. Cụ thể, theo kết quả khảo sát của VCCI năm 2018, có tới 70% DN không hiểu biết gì về CPTPP; 57,91% DN cho biết có nghe nói nhưng chưa tìm hiểu; 26,59% DN tham gia khảo sát trả lời đã từng tìm hiểu một số thông tin. Chỉ 1,86% là tỷ lệ DN đã tìm hiểu kỹ về CPTPP. Cản trở lớn nhất được các DN đưa ra là 84% thiếu thông tin về cam kết và cách thực hiện; 81,48% DN bất cập trong tổ chức thực thi của cơ quan nhà nước; tiếp theo là những vấn đề về năng lực cạnh tranh thấp hay quy tắc xuất xứ quá khó...
Với các cơ quan nhà nước, sự chủ động cũng chưa cao. Các kế hoạch hành động của các bộ ngành. địa phương đều chậm nửa năm so với yêu cầu. Các đầu mối thông tin, phổ biến tuyên truyền về CPTPP cho cán bộ nhà nước, DN cũng chậm. Hành trình cải thiện năng lực cạnh tranh của DN còn nhiều chông gai do chính sách thuế, thủ tục hải quan vẫn nhiều bất cập. “Kể từ khi CPTPP có hiệu lực, số lượng câu hỏi, sự quan tâm của DN mới chỉ dừng ở 12 câu hỏi gửi tới bộ. Điều này còn quá khiêm tốn so với cộng đồng DN đông đảo của Việt Nam. Trong khi đó, việc thực thi các cam kết không phải ở Chính phủ và các bộ ngành mà chủ yếu ở địa phương và DN. DN nếu không hiểu về cơ hội từ CPTPP sẽ rất khó tận dụng được. Ở địa phương cũng cần tuyên truyền cho cán bộ quản lý về CPTPP để họ không gây tổn hại và làm cản trở DN”, đại diện Bộ Công thương đánh giá.
Cần hiểu sâu, hiểu đúng
Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2019, về cơ bản kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường các nước CPTPP có tăng trưởng. Trong đó, một số thị trường ghi nhận mức tăng trưởng lớn như Canada (tăng 32,9%), Mexico (tăng 23,4%). Ngoài ra, có những mặt hàng đạt mức tăng trưởng vượt bậc so với giai đoạn chưa có CPTPP như máy móc, thiết bị, phụ tùng tăng gần 125% sang Canada; điện thoại và linh kiện tăng hơn 331% sang Mexico.
Mặc dù nhiều doanh nghiệp đã biết tận dụng CPTPP để tăng trưởng xuất khẩu, nhưng thống kê cho thấy, tỷ lệ tận dụng ưu đãi vẫn còn rất thấp. Đơn cử như hàng xuất theo mẫu CPTPP chỉ đạt 190 triệu USD trong tổng số 16,4 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu, tương ứng với việc chỉ tận dụng được 1,17%. Chỉ có 2 mặt hàng giày dép và sắt thép tận dụng được khoảng 10% cơ hội. Còn dệt may với dự báo cơ hội lớn, nhưng chỉ tận dụng được 0,03%.
Theo TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương, để CPTPP đi vào cuộc sống, tận dụng hiệu quả, trước mắt cần nâng cao sự chủ động của cả bộ máy quản lý, các địa phương và DN; đồng thời đổi mới và tăng cường việc tuyên truyền về các hiệp định. Kết nối được đầu mối CPTPP tại các nơi để thúc đẩy thực thi nghiêm túc. “Đã đến lúc DN phải thay đổi để có sự tự tin, hiểu thấu đáo để tham gia vào cuộc chơi của các FTA với các nước có thị trường lớn. DN cần tìm kiếm cơ hội kinh doanh, thông tin từ thị trường, chấp nhận cạnh tranh; huy động vốn trong một thị trường tài chính đa dạng, phức hợp, tinh xảo”, TS Võ Trí Thành nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (thuộc VCCI), TS Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng, nhà nước cần thực hiện quyết liệt, hiệu quả và với sự tham vấn của DN. Còn với DN, phải chủ động nắm thông tin, tìm hiểu về cơ hội và tận dụng CPTPP, chủ động phản ánh các yêu cầu, khó khăn gặp phải trong thực tiễn để cùng nhau giải quyết.
Còn theo đánh giá của TS Nguyễn Đức Minh Hải, Đại học Quốc gia TPHCM, trong bối cảnh hiện nay, xung đột kinh tế giữa một số nước đang diễn biến phức tạp, từ chiến tranh thương mại đã chuyển sang chiến tranh công nghệ và tiền tệ, tạo ra những áp lực lớn đối với DN. Trong bối cảnh đó, DN Việt Nam cần tiếp tục tận dụng lợi thế từ việc tham gia các FTA thế hệ mới trong việc đa dạng hóa bạn hàng thương mại, tránh phụ thuộc vào một thị trường và quan trọng nhất hiện nay là tăng cường tính chủ động hơn nữa trong việc tìm hiểu, nắm rõ các thông tin, cam kết cụ thể trong các hiệp định này để có kế hoạch, chiến lược kinh doanh phù hợp.
Về phía Chính phủ, cần thúc đẩy quá trình thực thi hiệp định một cách hiệu quả, kịp thời; cải thiện môi trường kinh doanh trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều rủi ro; hỗ trợ DN hiểu đúng, hiểu sâu và tận dụng được các cam kết của hiệp định để đem lại lợi ích thiết thực cho nền kinh tế.