Giữa năm 2013, mạng IPv6 quốc gia chính thức khai trương, nhằm hỗ trợ lộ trình thay thế giao thức mạng cũ IPv4 vốn đã cạn kiệt từ cách đây vài năm. Tuy nhiên, việc chuyển đổi hiện chỉ được triển khai ở vài đơn vị nhà nước, còn các doanh nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) tư nhân hầu như chưa mặn mà lắm với giao thức mạng mới này. Thực trạng được chỉ ra tại Hội thảo “Triển khai IPv6 với ngành công nghiệp sản xuất phần mềm”, diễn ra ngày 21-3 tại TPHCM.
Ít doanh nghiệp chuyển đổi
Trước nguy cơ thiếu hụt IPv4, từ năm 2002, Việt Nam đã thực hiện thử nghiệm mạng IPv6, đến năm 2003 đã kết nối thử nghiệm dịch vụ với các nhà cung cấp đường truyền Internet (ISP). Đến nay, mạng IPv6 quốc gia đã ra mắt, kết nối VNNIC với 5 ISP gồm Viettel, VNPT, Netnam, FPT Telecom, SPT, VTC. Bên cạnh đó SCTV, CMC Telecom, VTN cũng đã tham gia kết nối song song cả IPv4 và IPv6, nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp CNTT thực hiện chuyển đổi.
|
Mặc dù IPv6 là giao thức mạng mới có lợi thế rất lớn khi có không gian địa chỉ tên miền gần như vô hạn; cho phép thiết bị tự động cấu hình các thông số phục vụ cho việc kết nối mạng như địa chỉ IP, địa chỉ máy chủ tên miền; khả năng bảo mật cao…, tuy nhiên, việc chuyển đổi hiện còn nhiều hạn chế.
Tính đến tháng 11-2013, chỉ có 34 cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đăng ký và được phân bổ IPv6; mới có 20 chủ website, 35 website .vn triển khai IPv6 và 6 nhà sản xuất thiết bị hỗ trợ IPv6 (gồm Viettel R&D, FPT Telecom, VNPT Technology, D-Link, Zyxel, Ruckus Wireless Inc).
“Nhiều doanh nghiệp CNTT chưa nhận thức hết mối liên hệ giữa giao thức IPv6 và lĩnh vực ngành nghề của họ. Khi Internet thế giới chuyển đổi hoàn toàn sang giao thức mới trong vài năm nữa, dịch vụ hoặc ứng dụng nào vẫn chạy trên nền IPv4 sẽ không sử dụng được. Hiện nay, một số nước lân cận đã cho người dân sử dụng song song IPv4 và IPv6. Các dịch vụ, website hàng đầu như Google, Yahoo!, Microsoft, Bing… cũng đã chuyển sang IPv6”, ông Nguyễn Hồng Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam cho biết.
Chậm chân mất ưu đãi
Năm 2011, Bộ TT-TT đã quyết định phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 với 3 giai đoạn: chuẩn bị, khởi động và chuyển đổi. Đến năm 2019, Internet Việt Nam sẽ chạy hoàn toàn trên giao thức IPv6. Nghị định 72 (về quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng) cũng đã quy định rõ chính sách mua sắm sản phẩm CNTT trong đó bao gồm sản phẩm IPv6, đồng thời xác định IPv6 nằm trong danh mục sản phẩm công nghệ cao.
Bà Nguyễn Thị Minh Thu, Vụ Công nghệ thông tin (Bộ TT-TT) cho biết, nếu các doanh nghiệp tự đầu tư nghiên cứu và phát triển công nghệ IPv6, sẽ được xem xét hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ chi phí từ Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao; được tài trợ từ các quỹ khác dành cho đào tạo nguồn nhân lực và chuyển giao công nghệ.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp được miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 9 năm tiếp theo đối với hoạt động đầu tư, nghiên cứu, phát triển thiết bị và mạng Internet IPv6; được miễn thuế nhập khẩu tạo tài sản cố định của dự án sản xuất thiết bị liên quan đến IPv6…
Ông Nguyễn Hữu Anh Đăng, Giám đốc phát triển dịch vụ Công ty TMA Solutions - một trong những doanh nghiệp tiên phong chuyển đổi IPv6, khẳng định, để chuyển đổi sang IPv6, doanh nghiệp chỉ phải mất một khoản kinh phí nhỏ để nâng cấp cơ sở hạ tầng, thiết bị CNTT nhờ các chính sách ưu đãi. Nếu chần chừ chờ đến năm 2019, các ưu đãi có thể mất đi, khi đó, nguồn kinh phí đầu tư mua sắm thiết bị chắc chắn sẽ cao hơn hiện tại.
TƯỜNG HÂN