Nhân lực công nghệ đang trở thành yếu tố “sống còn” của các ngân hàng

Ngày 16-7, tại Hà Nội, Bộ KH-CN, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Hội Thông tin khoa học và công nghệ Việt Nam, Tạp chí Một Thế Giới tổ chức diễn đàn “Ngân hàng thời đại số: Đổi mới mô hình và tái cấu trúc nhân lực”.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho biết, hiện có hơn 90% giao dịch của khách hàng tại các ngân hàng được thực hiện qua kênh số, các dịch vụ ngân hàng thực hiện tự động, không còn giao dịch viên nào đọc chứng từ ngân hàng nữa. Điều này đã đòi hỏi ngành ngân hàng phải tái cấu trúc quy trình, xây dựng quy trình nghiệp vụ thông minh.

ongdung.jpg
Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng

Thực tế trên cũng đòi hỏi các ngân hàng phải có một đội ngũ am hiểu về nghiệp vụ, công nghệ thông tin. Ngân hàng nào không làm được điều đó thì không theo kịp "cuộc chơi".

Theo Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng, thống kê cả nước hiện có khoảng 200 triệu tài khoản tiền gửi với 87% người dân trưởng thành có tài khoản ngân hàng, là một con số rất lớn. Thực tế này đòi hỏi ngành phải đào tạo ra đội ngũ nhân viên hoàn toàn khác trước đây.

Một điểm rất khác nữa là ở số lượng và giá trị giao dịch, nếu trước kia chúng ta thường hy vọng là một ngày có 1 triệu giao dịch, còn bây giờ mỗi ngày có từ 50 đến 100 triệu giao dịch tài chính. Điều này thách thức câu chuyện kiểm soát thế nào?”, Phó Thống đốc NHNN nêu dẫn chứng.

nhan-luc-nganh-ngan-hang-pld-1752634038.jpg
Quang cảnh diễn đàn

Do sự gia tăng của khối lượng giao dịch và tài khoản, lãnh đạo NHNN khẳng định, nhiều ngân hàng hiện nay đang coi rủi ro về công nghệ thông tin tương tự như rủi ro về tín dụng. Ngành ngân hàng sẽ hình thành một hệ thống quản lý rủi ro khác, bao trùm lên đó là an ninh an toàn công nghệ thông tin.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ KH-CN Bùi Thế Duy cho biết, AI đang thay đổi và định hình lại cuộc chơi toàn cầu và tác động đến tất cả các lĩnh vực, trong đó có ngân hàng.

Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho rằng, với nhóm nhân viên công nghệ thông tin trong các ngân hàng cần phải trang bị lại kiến thức mới theo các nền tảng mới như blockchain, trí tuệ nhân tạo.

d6(1).jpg
Thứ trưởng Bộ KH-CN Bùi Thế Duy

“Cứ 6 tháng đến 1 năm có một đời công nghệ mới ra đời. Các hệ thống tiếp theo của AI sẽ là hệ thống chủ động, như một sinh vật sống, sẽ tự động tư vấn cho chúng ta, tự động làm những công việc cần làm. Ngoài ra, xu thế máy tính lượng tử sẽ đặt ra vấn đề rất lớn về các loại mã hoá, đòi hỏi sự thay đổi toàn bộ. Do đó, việc cập nhật trong đào tạo nhân lực công nghệ sẽ là việc làm liên tục”, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho hay.

Tại diễn đàn, các chuyên gia đều chung nhận định, ngành ngân hàng đang đứng trước nghịch lý về nhân lực khi “vừa thừa, vừa thiếu”. Nhân lực thừa là những nhân lực vận hành hệ thống theo cách làm cũ, còn nhân lực thiếu chính là nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao. Nếu như năm 2018, ngành ngân hàng cần 320.000 nhân lực về công nghệ, thì đến 2026 dự kiến cần tới 750.000 người.

Thời điểm hiện tại, nguồn cung nhân lực về công nghệ thông tin chưa đủ cầu đối với ngành ngân hàng, trong khi đây là nguồn nhân lực có ý nghĩa quyết định năng lực cạnh tranh của các ngân hàng. Đây vừa là cơ hội cũng vừa là thách thức đối với nhân lực trong ngành ngân hàng.

Tin cùng chuyên mục