Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ “trở mình”

30% là tỷ lệ cung ứng mà doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng cho các tập đoàn sản xuất sản phẩm đầu và cuối tại Việt Nam. Con số tuy chưa nhiều, nhưng so với con số hơn 10% năm 2018, đã phần nào cho thấy sự “trở mình” hết sức hiệu quả của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ trong nước.

938 tỷ đồng hỗ trợ “làm mới” doanh nghiệp

Tại triển lãm Quốc tế máy móc thiết bị công nghiệp và sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, do Sở Công thương TPHCM phối hợp với Hiệp hội Máy móc công nghiệp Hàn Quốc tổ chức vừa qua, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM, đã khẳng định sản phẩm công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển bền vững kinh tế của thành phố.

Do vậy, để hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này chuyển đổi sản xuất, đáp ứng yêu cầu mới của thị trường, cũng như gia nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển.

Phải kể đến như chương trình kích cầu đầu tư dành riêng cho lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, qua đó giúp doanh nghiệp đầu tư đổi mới máy móc thiết bị, nâng cao năng lực cạnh tranh. Hiện đã có 22 dự án với tổng vốn vay được hỗ trợ lãi suất là 938 tỷ đồng.

Điều đáng nói, nhiều doanh nghiệp tham gia chương trình đã bước đầu tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của Intel, Samsung, Honda, Toyota… Đơn cử như Công ty Hiệp Phước Thành, Công ty cổ phần Công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên, Công ty TNHH Cơ khí Duy Khanh, Công ty Lập Phúc…

Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ “trở mình” ảnh 1 Sản xuất nhựa cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tại Công ty Tiến Lộc. Ảnh: CAO THĂNG

Ở góc độ khác, ông Đỗ Phước Tống, Công ty TNHH Cơ khí Duy Khanh, chia sẻ sự hỗ trợ vốn cải thiện dây chuyền, công nghệ sản xuất chỉ là một phần. Quan trọng hơn, tạo động lực, sự tự tin để các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, chủ động kết nối thị trường. Trên thực tế, ngành sản xuất công nghiệp hỗ trợ đã tồn tại hơn 20 năm, nhưng đến nay phần lớn doanh nghiệp có quy mô sản xuất nhỏ và rất nhỏ. Các doanh nghiệp chưa chủ động mạo hiểm đầu tư để có thể gia nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, do lo ngại khó tiếp cận thị trường hoặc thị phần tiêu thụ thiếu ổn định.

Mặt khác, tâm lý e ngại không thể cạnh tranh với doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, cũng là rào cản rất lớn cho doanh nghiệp trong nước. Đó cũng là lý do mà nhiều doanh nghiệp chấp nhận làm nhà cung ứng cấp 3 hoặc 4, chứ không tính đến việc nâng cấp quy mô sản xuất để từng bước vươn lên vị trí nhà cung ứng cấp 1.

Cần “nghĩ xa, vươn rộng”

Theo các chuyên gia kinh tế, tính đến nay TPHCM có trên 50.000 doanh nghiệp thuộc ngành chế biến chế tạo, chiếm khoảng 13% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn. Riêng số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của ngành công nghiệp chế biến chế tạo, chủ yếu là doanh nghiệp sản xuất sản phẩm đầu cuối có hơn 860 doanh nghiệp, chiếm 20,7% tổng số doanh nghiệp FDI.

Do đó, việc hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp hỗ trợ chuyển đổi sản xuất, gia tăng tỷ lệ cung ứng nội địa không chỉ là giải pháp tăng phát triển công nghiệp của thành phố, mà còn góp phần giữ chân doanh nghiệp FDI sản xuất sản phẩm đầu cuối.

Về phía doanh nghiệp, ông Huỳnh Văn Đức, Tổng giám đốc Công ty Vidovit, cho hay công ty hiện cung ứng 9 loại sản phẩm và đang nghiên cứu cung ứng tiếp 30 mặt hàng sản phẩm cho Tập đoàn Samsung. Ngoài ra, công ty cũng cung ứng cho nhiều chuỗi cung ứng của các tập đoàn đến từ châu Âu, Mỹ, Nhật Bản như Toshiba, Toyota, Aqua, Sheineider... Tuy nhiên, để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng này, doanh nghiệp cần “nghĩ xa và vươn rộng”.

Cụ thể, doanh nghiệp phải chứng minh định hướng chiến lược đầu tư, phát triển nhất định của mình. Chiến lược này không chỉ tập trung vào một chuỗi cung ứng mà rộng hơn là nhiều chuỗi cung ứng trên toàn cầu. Tiếp theo đó, doanh nghiệp phải ổn định chất lượng sản phẩm mang tính dài hơi, giảm tỷ lệ hàng lỗi, giao hàng đúng hẹn và giá thành phải cạnh tranh.

Cũng theo ông Đức, những hoạt động xúc tiến kết nối thị trường, nhất là chương trình đưa chuyên gia của các tập đoàn FDI sản xuất sản phẩm đầu cuối đến từng doanh nghiệp trong nước hỗ trợ cải tiến quy trình sản xuất, đang phát huy những hiệu quả tích cực. Doanh nghiệp cũng có cơ hội đánh giá toàn diện thực trạng sản xuất, đồng thời nhìn nhận rõ nét hơn về chủng loại sản phẩm mà các chuỗi cung ứng cần, cũng như tự đánh giá khả năng cung ứng của mình.

Từ đó, chủ động hơn trong kế hoạch cải tiến. Riêng với triển lãm quốc tế máy móc thiết bị công nghiệp và sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam lần này với sự tham gia của hơn 300 doanh nghiệp đến từ 12 quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ là cơ hội rất lớn để doanh nghiệp trong nước mở rộng thị phần cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong khẳng định, cùng với việc duy trì những giải pháp hỗ trợ đang phát huy những kết quả đáng khích lệ, trong thời gian tới, thành phố triển khai đồng bộ nhiều cơ chế thông thoáng để kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp FDI. Theo đó, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp để hỗ trợ và kết nối, phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu của thành phố nói chung và công nghiệp hỗ trợ của thành phố nói riêng.

Cùng với đó, thành phố sẽ chỉ đạo cơ quan chức năng liên quan tăng cường các công tác xúc tiến, đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của thành phố với các doanh nghiệp sản xuất đầu cuối, doanh nghiệp FDI đầu tư vào thành phố. Hình thức kết nối có thể thực hiện đa dạng, như kết nối trực tiếp giữa các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ của thành phố với các doanh nghiệp FDI, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại hoặc triển lãm công nghiệp chuyên ngành.

Đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp công nghiệp nói chung và doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nói riêng có điều kiện để mở rộng hợp tác và cùng phát triển với doanh nghiệp FDI.

Tin cùng chuyên mục