Sàn giao dịch Ecohub hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất xanh có "sân chơi" riêng
SGGPO
Sáng 1-7, Báo SGGP phối hợp cùng UBND TPHCM, Công ty cổ phần Công nghệ Arobid và các đơn vị đồng hành tổ chức Diễn đàn Thương mại Xanh 2025. Tham dự chương trình có Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng; Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TPHCM Tăng Hữu Phong, cùng các chuyên gia, doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Được “lên sàn” sẽ khẳng định vị trí của doanh nghiệp, sản phẩm
Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op cảm ơn Báo SGGP khi đồng hành cùng Saigon Co.op triển khai chiến dịch tiêu dùng xanh 16 năm trước – thời điểm người tiêu dùng chưa thực sự chú trọng nhiều đến việc này. Kiên trì thực hiện cho đến nay, đặc biệt là sau dịch Covid-19, đã có nhiều thay đổi về nhận thức của người tiêu dùng. Với hơn 800 điểm bán, năm nay chiến dịch Tiêu dùng xanh có chủ đề Gia đình Việt – Đại sứ xanh. Sàn này, bản thân chúng tôi cũng muốn giới thiệu các nhãn hàng riêng của Saigon Co.op. Và với vai trò nhà bán lẻ, qua sàn này, chúng tôi cũng tiếp cận nhiều hơn với sản phẩm xanh. Trước khi thành lập sàn cũng đã có sự sàng lọc, ưu tiên với doanh nghiệp xanh. Việc “lên sàn” này sẽ khẳng định vị trí của doanh nghiệp, của sản phẩm. Trong xu thế xanh, bền vững, Saigon Co.op cũng có những chính sách cộng hưởng với doanh nghiệp xanh, qua chính sách giá, trưng bày sản phẩm…
Ông Lâm Quốc Thanh, Tổng Giám đốc SATRA. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Chúng tôi có hơn 60 doanh nghiệp hoạt động thương mại, đa ngành nghề. Khi tham gia vào sàn thương mại điện tử, chúng tôi sẽ đề nghị các công ty thành viên cùng tham gia, đồng thời có các chính sách ưu đãi, khuyến mãi… cho khách mua hàng. Trước đây, chúng tôi dự kiến tổ chức sàn giao dịch thịt heo tại chợ đầu mối Bình Điền nhưng chưa triển khai được. Và nay với sàn thương mại điện tử trên, chúng tôi mong rằng khi tham gia vào sàn thì sản phẩm phải có kiểm chứng về chất lượng, an toàn… Thêm nữa, cũng cần có cam kết, giao dịch thanh toán trên sàn. Làm sao để xử lý công nghệ, giúp hoạt động giao dịch được trơn tru, không bị quá tải trong trường hợp có quá nhiều doanh nghiệp cùng tham gia hoạt động… Tôi mong rằng, thông qua sàn này sẽ kết nối được hệ sinh thái của SATRA với cộng đồng doanh nghiệp với tiêu chí sản phẩm xanh, an toàn…
Ông Lâm Quốc Thanh, Tổng Giám đốc SATRA
Nhà nước cần có quỹ tín dụng xanh tiếp sức doanh nghiệp chuyển đổi xanh
Ông Lương Nguyễn Xuân Vũ, Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn, đơn vị hỗ trợ cho 300 doanh nghiệp tham gia sàn EcoHub, chia sẻ, CLB có hơn 1.200 thành viên, chủ yếu trong khối doanh nghiệp tư nhân. Quá trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, các doanh nhân đã nhận thức đầy đủ xu thế này, dù mức độ nhận thức tầm quan trọng có khác nhau nhưng việc thực hiện cũng gặp một số khó khăn.
Việc đầu tư sản xuất xanh có thể là một gánh nặng thêm với doanh nghiệp bởi phải gánh thêm các chi phí. Có thể tăng giá sản phẩm nhưng chỉ là trên lý thuyết, đây cũng là bài toán khó khi mà tăng giá làm giảm sức cạnh tranh trên thị trường, cho nên phải chấp nhận giảm lợi nhuận trong thời gian trước mắt.
Ông Lương Nguyễn Xuân Vũ, Chủ tịch Câu lạc bộ doanh nhân Sài Gòn. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Nhân lực vận hành sản xuất xanh cũng còn thiếu và khó. Với thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp sản xuất theo tiêu chuẩn Việt Nam nhưng khi ra nước ngoài thì không đáp ứng được tiêu chuẩn của nước ngoài, do tiêu chuẩn Việt Nam chưa đồng bộ với tiêu chuẩn thế giới.
Khó khăn nữa là áp lực trong chuỗi cung ứng, các nhà cung ứng cũng phải “xanh”, tức là bị cạnh tranh đầu vào.
Từ những khó khăn cơ bản mà chủ doanh nghiệp quan tâm, ông Lương Nguyễn Xuân Vũ đề xuất giải pháp: Nhà nước có quỹ tín dụng xanh, với nguồn vốn lớn liên kết với phía ngân hàng, buộc các ngân hàng dành một tỷ lệ nhất định cho sản xuất xanh. Nếu cho vay sản xuất xanh mà như cho vay thông thường thì không bật lên được.
Đề xuất khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xanh phải được ưu đãi về thuế. Doanh nghiệp làm gì cũng phải đảm bảo lợi nhuận để tồn tại. Trong đầu tư công, Nhà nước nên quan tâm ưu tiên mua sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất xanh. Bởi chỉ kêu gọi mà không dùng sản phẩm thì người dân sẽ không tin.
Phải có chương trình đào tạo liên tục cho chủ doanh nghiệp để hiểu và ứng dụng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử… Ông thừa nhận các chủ doanh nghiệp thế hệ 7x trở về trước có thể tiếp cận không kịp xu thế thời đại, cần được hỗ trợ cập nhật.
Về xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, cần tăng cường để doanh nghiệp tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế. Sàn giao dịch Ecohub “rất tuyệt vời”, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất xanh có sàn riêng, hoạt động mạnh. Trong nước, trước đây kêu gọi người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, nay có thể kêu gọi ưu tiên dùng hàng Việt Nam sản xuất xanh.
Về kênh phân phối, ông Xuân Vũ đề xuất sàn tăng cường hỗ trợ cho doanh nghiệp, các đơn vị bán lẻ. Đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ cần được hỗ trợ về công nghệ sản xuất xanh, với các giải pháp phù hợp túi tiền và tình hình sản xuất của doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp chia sẻ tại Diễn đàn Thương mại Xanh, sáng 1-7. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Chia sẻ về nguồn vốn vay “khủng” hỗ trợ doanh nghiệp, ông Nguyễn Quang Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM (HFIC) cho hay, mỗi dự án có thể được cho vay tới 200 tỷ đồng trong thời gian 7 năm với lãi suất 0%. Ngoài ra, với các dự án đặc biệt, cũng có thể cho vay tới 1.200 tỷ đồng, thời gian vay kéo dài đến 10 năm. HFIC xác định làm thì phải có hiệu quả và luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp với điều kiện bên vay đáp ứng danh mục lĩnh vực ưu tiên của TPHCM như: hoạt động trong ngành cơ khí tự động hóa, chế biến thực phẩm, công nghiệp hỗ trợ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, môi trường (xử lý nước thải, rác thải), hoạt động sản xuất xanh…
Ông Thanh khuyến khích các doanh nghiệp khi có nhu cầu về vốn vay hãy tìm đến HFIC để được tư vấn, hỗ trợ cụ thể.
Ông Nguyễn Quang Thanh khuyến khích các doanh nghiệp khi có nhu cầu về vốn vay hãy tìm đến HFIC để được tư vấn, hỗ trợ cụ thể. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Chia sẻ thêm về thành phố Low Carbon đầu tiên của Thái Lan - Saraburi sandbox, ông Charoenchai Chaliewkriengkrai, Giám đốc Kinh doanh mảng Kinh tế tuần hoàn sinh học, ngành Xi măng và Giải pháp Xây dựng Xanh của SCG kiêm Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp tỉnh Saraburi, cho biết tỉnh Saraburi cách Bangkok khoảng 2 tiếng lái xe. Kinh tế chính của Saraburi là khu vực công nghiệp, với 80% xi măng của Thái Lan được sản xuất ở đây. Thái Lan cam kết Net Zero vào năm 2065, nên phải có lộ trình và chọn Saraburi làm nơi thử nghiệm. Thái Lan đặt mục tiêu, lộ trình phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, thành phố chuyên về du lịch hay công nghiệp sẽ có những cách khác nhau, riêng biệt phù hợp với địa phương đó.
Quá trình này phải có sự tổng hòa của nhiều bên, với chính sách nhất quán từ phía chính quyền, cộng đồng dân cư địa phương, chứ không chỉ nỗ lực từ riêng phía doanh nghiệp. Mỗi năm Thái Lan đều có hội thảo về ESG, báo cáo với Thủ tướng về việc thực hiện.
Ông Huỳnh Minh Nhật, Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam, thông tin nhiều giải pháp xử lý chất thải đến các doanh nghiệp tham gia diễn đàn. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Trải lòng tại diễn đàn, bà Lâm Thúy Ái, Tổng Giám đốc Mebi Farm, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Sài Gòn, thẳng thắn nhìn nhận đầu tư về môi trường rất khó. Chẳng hạn như trang trại chăn nuôi gà đẻ trứng đầu tư tốn tới hàng trăm tỷ đồng; riêng tiền xử lý nước thải lên tới hàng chục tỷ đồng. Tuy vậy, cũng giống như nhiều nông dân khác, doanh nghiệp cũng rơi vào điệp khúc “được mùa mất giá” trong khi đầu vào quá lớn. Theo đuổi sản xuất xanh và sạch rất tốn kém, nặng vốn, không thể rẻ được, nhưng lỗ quá thì làm sao mà doanh nghiệp sống được.
Bà Lâm Thúy Ái, Tổng Giám đốc Mebi Farm, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Sài Gòn. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Bà Lâm Thúy Ái mong muốn rằng doanh nghiệp được hỗ trợ trực tiếp từ HFIC; đồng thời kiến nghị được sàn thương mại điện tử hỗ trợ, quảng bá hình ảnh sản phẩm lên sàn.
Giải đáp thắc mắc của bà Lâm Thúy Ái, đại diện sàn AROBID cho biết, đơn vị có các chương trình, công nghệ hỗ trợ (thiết kế sáng tạo, chat box, livestream…) nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, quảng bá thương hiệu tốt nhất trong nước và quốc tế. Do vậy, doanh nghiệp không phải quá lo lắng.
Nhà báo Phạm Văn Trường, Phó Tổng Biên tập Báo SGGP, kết luận phiên thảo luận. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Kết lại diễn đàn, nhà báo Phạm Văn Trường, Phó Tổng Biên tập Báo SGGP, khẳng định Diễn đàn Thương mại Xanh 2025 với việc ra mắt sàn B2B xanh và Triển lãm số 3D là khởi đầu để các đối tác cùng nhau tạo bước ngoặt từ sản xuất đến tiêu dùng, tạo đột phá cho chuyển đổi kép. Các vấn đề doanh nghiệp gặp khó khăn hiện nay, cùng với các giải đáp ngay tại diễn đàn, Báo SGGP sẽ tiếp tục chuyển tải các kiến nghị của doanh nghiệp đến các ngành chức năng.
Cuối diễn đàn, các đại biểu đã cùng trải nghiệm không gian triển lãm số 3D chủ đề “No-Carbon City”.
Các đại biểu, doanh nghiệp trải nghiệm không gian triển lãm số 3D chủ đề “No-Carbon City”. Ảnh: HOÀNG HÙNG