Cụ thể, theo đề xuất của Bộ Tài chính, các hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu năm trước liền kề từ 1 tỷ đồng trở lên phải sử dụng hóa đơn điện tử. Như vậy, ước tính cả nước sẽ có khoảng 110.000 hộ, cá nhân kinh doanh và 260.000 doanh nghiệp có doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm thuộc đối tượng áp dụng hóa đơn điện tử.
Chẳng hạn, các hộ, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, bán lẻ tân dược, bán lẻ hàng tiêu dùng, cung cấp dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng có doanh thu năm trước liền kề từ 1 tỷ đồng trở lên phải sử dụng hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế, được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối với cơ quan thuế, hoặc được khởi tạo từ thiết bị thanh toán không dùng tiền mặt có kết nối với ngân hàng. Ngoài ra, những hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu năm dưới 1 tỷ đồng, nếu có nhu cầu, vẫn có thể đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử.
Được biết, hiện đã có nhiều doanh nghiệp cung cấp điện, viễn thông, hàng không, ngân hàng, bảo hiểm… đã thực hiện giao dịch điện tử với khách hàng qua hóa đơn diện tử với số lượng lớn.
Việc áp dụng hóa đơn điện tử đã mang lại nhiều lợi ích như giảm thời gian, chi chí, phòng chống được gian lận, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác quản lý. Khách hàng có thể truy cập website của bên bán để xem và tải hóa đơn khi cần mà không phải lưu trữ, bảo quản. Doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế thì không phải làm thủ tục đăng ký mẫu hóa đơn, rút ngắn thời gian thực hiện thông báo phát hành hóa đơn, sử dụng ngay hóa đơn khi đăng ký.