Đón nhận cơ hội mới

Ông TRẦN VIỆT ANH,
Đón nhận cơ hội mới

Cộng đồng doanh nghiệp (DN) đón năm mới 2016 với niềm vui và nỗi lo mới: Đó là, những trăn trở trước cơ hội và khó khăn thời hội nhập. Cộng đồng DN lo gì và chờ đợi gì?   

Ông TRẦN VIỆT ANH,
Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn, Phó Chủ tịch Hội Cao su - Nhựa TPHCM:

 

Đón nhận cơ hội mới ảnh 1

Cái được lớn nhất chính là học

Năm 2016, Việt Nam gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN. Hội nhập cũng có nghĩa là DN trong nước có cơ hội học hỏi kinh nghiệm quản trị, công nghệ tiên tiến, có cơ hội sử dụng nguồn tài chính từ các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Theo tôi, cái được lớn nhất khi hội nhập đấy chính là “học”, ví dụ như học về quản trị để có năng suất lao động cao, tiếp cận công nghệ hiện đại hơn. Trong kinh doanh thì 3 vấn đề nguồn vốn, năng suất lao động, quản trị là cực kỳ quan trọng, trong khi đây là những chuyện chúng ta rất yếu, cần học hỏi.

Tuy nhiên, trong hội nhập, cơ hội thì ít mà thách thức, khó khăn thì nhiều, đặc biệt là đối với DN nhỏ và vừa, DN dân doanh, sẽ khó cạnh tranh với DN nước ngoài. Hầu hết DN nước ngoài có ưu điểm là quản trị rất chuyên nghiệp (giúp làm giảm chi phí), họ có những tập đoàn lớn đứng đằng sau, có tiềm lực tài chính mạnh. Trong khi các DN Việt Nam phải vay vốn với lãi suất 7% - 8%, thì DN các nước lãi vay chỉ 1% - 2%. Khi hội nhập, những người thợ giỏi, những chuyên gia, những nhà quản lý có trình độ cao sẽ bị hút về DN nước ngoài, DN trong nước khó giữ chân nhân sự giỏi. Do vậy, để hỗ trợ DN Việt tăng tính cạnh tranh, nhà nước cần có chính sách cho những DN có thương hiệu, DN xuất khẩu được hưởng chính sách tín dụng tương đương với những nước ASEAN là lãi vay 2%/năm. Ngoài ra, phải hỗ trợ đào tạo người lao động, CEO, để giúp họ tiếp cận văn hóa mới của thị trường mở.

PGS-TS DƯƠNG ANH SƠN, Trưởng khoa Luật Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế - Luật TPHCM:

Luật chưa rõ ràng, doanh nghiệp nặng gánh

Theo tôi, hiện nay DN Việt Nam rất thiếu thông tin, ít nhất 60% - 70% DN không hiểu gì về các hiệp ước, không nắm thông tin về luật thương mại quốc tế; năng lực cạnh tranh còn kém. Vấn đề căn bản nhất chuẩn bị cho DN trước cuộc chơi, đó là phải cung cấp thông tin đầy đủ hơn. Tiếp đến, Việt Nam cần chuẩn hóa các quy định pháp luật. Vấn đề quản lý nhà nước là hết sức quan trọng, đó là những người áp dụng pháp luật, do luật không rõ ràng nên DN dễ bị “vòi vĩnh”, làm đội phí giao dịch cao lên, dẫn đến hàng hóa trong nước khó cạnh tranh với nước ngoài.

Một vấn đề quan trọng nữa, đó là DN trong nước rất thiếu đội ngũ chuyên gia tư vấn pháp lý, chuyên gia đàm phán và soạn thảo hợp đồng. DN Việt Nam vẫn thường đàm phán hợp đồng theo thói quen mà chưa chú ý đến vấn đề pháp lý, ít khi lường trước được rủi ro có thể xảy ra. Khi Bill Gate tuyển lao động, ông đã hỏi yếu tố nào tạo nên thành công của DN, ứng cử viên trả lời “đó là tính chặt chẽ của hợp đồng” và đã được nhận ngay. Điều đó cho thấy, các DN nước ngoài, các công ty đa quốc gia rất quan tâm đến vấn đề pháp lý của hợp đồng. Các DN nước ngoài có bộ máy tư vấn pháp lý chuyên nghiệp. Bởi vì luật chỉ khái quát thôi, còn lại là thỏa thuận trong hợp đồng. Thế nhưng, hầu hết nội dung hợp đồng của DN Việt Nam dựa vào luật mà luật thì không bao trùm hết, đó là chưa kể có những điều khoản không rõ ràng, mâu thuẫn với các luật khác. Điều đó tạo ra rủi ro cho DN. Do vậy, các DN Việt Nam cần phải có bộ phận tư vấn pháp lý giỏi, đấy là những người gác cổng chuyên nghiệp, để bảo vệ mình trước cuộc chơi quốc tế.

Ông ĐỖ THANH HÙNG, Chủ tịch HĐQT Công ty Bao bì giấy Việt Trung:

Đón nhận cơ hội mới ảnh 3

Hiểu biết để ứng phó

Những năm gần đây, với hàng loạt chính sách hỗ trợ kịp thời, nhiều DN đã vượt qua được khó khăn. Đối với ngành bao bì nói riêng, năm qua, doanh thu có tăng lên nhờ thị trường chuyển động khởi sắc. Tuy nhiên, với xu hướng hội nhập ngày càng mạnh mẽ, sự cạnh tranh vì thế cũng hết sức khốc liệt. Hiện trong ngành bao bì, không chỉ cạnh tranh giữa các DN trong nước, mà còn phải ứng phó với việc đầu tư ào ạt của các DN nước ngoài, thường mạnh hơn DN trong nước từ vốn đến quản trị. Do đó, DN trong nước buộc phải có những thay đổi đột phá, không chỉ mở rộng đầu tư mà phải có những chiến lược kinh doanh, quản trị hiệu quả.

Tuy nhiên, ở lĩnh vực quản lý nhà nước, các bộ ngành cần tăng cường xúc tiến, đẩy mạnh tuyên truyền nội dung các hiệp định để DN nắm và có giải pháp ứng phó. Ngoài ra, cần có các chính sách cụ thể hơn để hỗ trợ DN về vốn, tiếp cận công nghệ…

Ông NGUYỄN KHẮC THÀNH, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần LILAMA 18:

Đón nhận cơ hội mới ảnh 4

Tìm hướng đi để đầu tư hiệu quả

Trong thời điểm hội nhập sâu rộng hiện nay, DN trong nước, nhất là ở lĩnh vực cơ khí, sự cạnh tranh rất khốc liệt. Điều đáng mừng, trong thời gian ngắn gần đây, các DN cơ khí đã biết ngồi lại, bắt tay hợp tác với nhau; rút ngắn khoảng cách “sân khách, sân nhà, sân sau”. Tuy nhiên, cái khó của DN cơ khí trong nước là vẫn phải nhập khẩu hầu hết nguyên liệu nên giá trị gia tăng thấp. Đổi lại, hiện nay chúng ta đã thực hiện được hầu hết các mặt kỹ thuật ở các công đoạn, không phải thuê kỹ sư nước ngoài, thậm chí còn “xuất khẩu” để thi công tại các nước khác.

Cái khó với các đối tác khi hội nhập là chất lượng, uy tín và giá cả cạnh tranh. Do đó, các DN phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về độ tinh xảo, an toàn, tin cậy, giá thành và hoạt động bền lâu. Triển khai quyết liệt phương châm này, những năm gần đây, Lilama 18 đã giành được nhiều hợp đồng lớn, xuất khẩu thiết bị ra thị trường Đức, Mỹ, Arab Saudi...  Dẫn chứng như vậy để thấy rằng, hội nhập có rất nhiều cơ hội, tạo ra công ăn việc làm cho các DN trong nước. Nhìn chung, chúng tôi nhận thấy, năm 2016, ngành cơ khí nói riêng và các DN nói chung sẽ có nhiều cơ hội hơn khi hàng loạt hiệp định ký kết có hiệu lực. Vấn đề còn lại, mỗi DN phải tự tìm cho mình một hướng đi, chọn lọc những ngành hàng cốt lõi để đầu tư hiệu quả. Các chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước cũng cần triển khai nhanh chóng, thống nhất và đồng bộ để DN dễ dàng tiếp cận.

HÀN NI - LẠC PHONG thực hiện

Đón nhận cơ hội mới ảnh 5

Các tin, bài viết khác

Tin cùng chuyên mục