Độc đáo lễ hội xô giàn, đấu võ

Đến hẹn lại lên
Độc đáo lễ hội xô giàn, đấu võ

Dịp rằm tháng 7 âm lịch năm nay, làng võ An Thái thuộc xã Nhơn Phúc, thị xã An nhơn, tỉnh Bình Định tổ chức lễ hội xô giàn, đấu võ và tranh giành con heo quay lễ vật rất kỳ thú. Điều hấp dẫn của lễ hội không phải vấn đề tâm linh hay tín ngưỡng mà là tính thượng võ đặc sắc...

Đấu võ tranh heo An Thái

Đến hẹn lại lên

Gần 70 năm trước, lễ hội này không tổ chức vào thời gian nhất định. Khi thì 2 năm, khi lại 3 năm tổ chức một lần. Có lúc lễ hội được tổ chức vào rằm tháng 7 nhưng cũng có khi vào mùng 5 tháng 5 âm lịch (Tết Đoan ngọ)… Đặc biệt vào những năm bị thiên tai, mất mùa, người dân lại tổ chức lễ hội vào năm ấy. Mục đích của lễ hội chỉ là cầu mưa thuận gió hòa, cầu phúc lộc cho dân làng.

Ở Bình Định ai cũng biết làng võ An Thái là nơi từng sản sinh nhiều bậc võ nhân kỳ tài vang bóng một thời. Người dân đất võ thường lưu truyền các giai thoại võ nghệ ở các làng với những câu ca dao như: Trai An Thái, gái An Vinh hoặc Roi Thuận Truyền, quyền An Thái; Ai về Bình Định mà coi; con gái Bình Định bỏ roi đi quyền... Những câu ca dao phản ánh tinh thần thượng võ của người Bình Định và đặc biệt ở 3 làng võ nổi danh là An Thái (An Nhơn) và An Vinh, Thuận Truyền (Tây Sơn) nổi tiếng.

Địa danh An Thái từ lâu đã đi vào văn học dân gian Bình Định, đất An Thái là một trong những cái nôi của võ Bình Định. Đặc biệt, 3 anh em nhà Tây Sơn:  Nguyễn Nhạc - Nguyễn Huệ - Nguyễn Lữ và cả danh tướng Võ Văn Dũng cũng từng tìm thầy học võ ở đây trước khi lên Tây Sơn thượng đạo chiêu mộ nghĩa quân, dấy binh dẹp loạn và đánh đuổi giặc ngoại xâm. Nơi đây, vào các dịp lễ hội xưa thường có tiết mục đấu võ hoặc biểu diễn võ cổ truyền ở phần hội. Trong đó, hội xô giàn (tranh heo) là dịp để các võ sĩ phái võ Ta (phân biệt với võ Tàu) từ khắp các địa phương trong nước về thăm đồng môn và sẵn đó thử tài cao thấp, thu hút đông người tham gia. 

Làng An Thái có vị trí giao tiếp thuận lợi cả đường thủy lẫn đường bộ nên từ đầu thế kỷ 17 đã có nhiều thương nhân từ các nơi trong và ngoài nước đến đây buôn bán và định cư lâu dài. Đây cũng là nguyên do làng võ An Thái sớm hình thành vùng đô thị sầm uất từ thế kỷ 18 trở đi. Mãi đến những năm trước ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975), làng võ An Thái vẫn còn là trung tâm thương mại với nhiều cửa hàng tạp hóa, xưởng dệt và lò nhuộm thủ công, cơ sở làm giấy bản và lò làm bún song thằng (bún tàu).

Ở làng võ An Thái hầu như gia đình nào cũng đều cho con học võ. Nhà giàu thì mời thầy về dạy võ tại nhà, nhà nghèo thì gửi con đến các võ đường trong vùng. Có lẽ vì thế mà trong các lễ nghi, hội hè hoặc các trò chơi dân gian ở làng võ An Thái từ xưa tới nay đều thể hiện truyền thống thượng võ. Trong số lễ hội đó, tiêu biểu nhất và cũng được mọi người ưa thích nhất là tục xô giàn, đấu võ tranh con heo quay...

Đấu võ tranh lễ vật 

Sau hai ngày cúng tế và hát bội, đến ngày thứ ba bắt đầu hội xô giàn. Lễ vật gồm lá cờ phướn ghi 4 chữ: Phúc, Đức, Thần, Tài cùng với một con heo quay (nay là heo còn sống), bánh trái và gạo muối. Người dân làm một chiếc giàn bằng tre cao 4 - 5m. Trên giàn có người chủ trò và một số võ sĩ. Trong đám đông bên dưới có nhiều môn đệ thuộc các võ đường nổi tiếng trong vùng như: An Thái, An Vinh, Suối Bèo, Trường Định, Hòa Phong...

Các võ sĩ được phân công chặt chẽ, còn các võ sư thì ẩn mình gần đó để chờ đợi kết quả tỷ thí giữa các đệ tử. Sau 3 hồi chiêng trống nổi lên báo hiệu lễ cúng giàn kết thúc, người chủ trò dùng rựa chặt đứt dây neo giàn và xô đổ giàn, con heo cùng các lễ vật rơi xuống đất. Các cao thủ phóng đến tranh giành heo. Sau khi một người tranh được liền vác heo chạy ra khỏi đám đông, mang lễ vật về điểm an toàn đã định. Mỗi nhóm võ sĩ tham gia tranh tài đều bố trí người ngăn cản đối thủ tấn công cướp lại heo lễ vật. Trong cuộc tranh tài này, các cao thủ sử dụng các chiêu thức võ nghệ để giành và bảo vệ chiến lợi phẩm.

Con heo lễ vật của hội xô giàn An Thái được xem là phần thưởng danh dự đặc biệt của các môn phái hoặc võ đường. Theo lệ, heo lễ vật sau khi mang về sẽ được khao chung cho tất cả võ sĩ của võ đường tham gia tranh tài. Những làng võ nào có người giành chiến thắng trong hội sẽ được nhiều người nể phục. Đồng thời, người dân trong vùng tin rằng năm ấy sẽ gặp may về mùa màng vì có được “lộc”.

Trước đây, những lò võ ở Bình Định và Gia Lai thường có nhiều võ sĩ giỏi cùng tranh heo quay. Ý nói, hai địa phương trên có nhiều võ sư giỏi võ nghệ. Đây cũng là thế đứng danh dự trong làng võ ở Bình Định nói riêng và các làng võ trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói chung. Võ đường nào không tranh được heo lễ vật thì tiếp tục về rèn luyện, chờ dịp “xuống núi” xô giàn những năm tiếp theo.

Hội đấu võ cổ truyền

Võ sư Lâm Ngọc Phú, Chưởng môn phái Bình Sơn (Bình Định), cho biết ở làng võ An Thái xưa có 4 lò võ lớn là Bình Sơn, Hải Sơn, Quách Cang và Hồ Hoành. Trong đó, lò võ Bình Sơn được xem uy tín nhất vì kết hợp giữa võ Bình Định và các môn phái khác trong và ngoài nước. Hiện môn phái Bình Sơn thờ vua Quang Trung làm tổ sư. Cũng theo võ sư Lâm Ngọc Phú, sau khi các võ sư nổi danh như: Cai Bảy, Kiểm Cáo, Kiểm Mỹ, Hộ Hải, Chín Đỗ... (An Vinh) và Hồ Ngạnh (làng võ Thuận Truyền) qua đời, các làng võ cổ truyền hiện đang có nguy cơ bị mai một và thất truyền. Sở VH-TT-DL tỉnh Bình Định hiện đã có đề án đưa các môn võ cổ truyền Bình Định vào trường học nhằm duy trì, bảo tồn và phát triển võ Bình Định trên quê hương đất võ.

Việc phục dựng hội xô giàn của người dân đất võ trong những năm gần đây đã tô điểm thêm sắc màu phong phú cho những lễ hội dân gian vừa độc đáo vừa lạ lẫm, hấp dẫn của nước ta, góp phần phục vụ du khách thập phương và duy trì nét văn hóa, phong tục cổ truyền của dân tộc...

Tuyệt kỷ roi Thuận Truyền, quyền An Thái

Roi Thuận Truyền không rõ ông tổ sáng lập nhưng võ sư Hồ Nhu được xem như một vị sư tổ. Ông Nhu sinh năm 1891, có cha là võ quan triều Nguyễn, mẹ người Huế cũng là con nhà võ. Một lần do bị bức hiếp, Hồ Nhu đã đánh trả con trai của Hương Kiểm trong làng. Ông Hương Kiểm xách gậy đi tìm, đòi đánh ông. Mẹ ông Nhu đã giở ngay cán cuốc đánh ngược lên một thế. Vậy là cái gậy trong tay Hương Kiểm bay vù ra tận ngõ. Từ đó, Hồ Nhu bắt đầu theo mẹ luyện võ. Nhưng theo võ sư Hồ Sừng, hồi bé võ sư Hồ Nhu chưa từng được mẹ dạy võ. Ông phải tìm học ở nhiều thầy khác, như học roi của thầy Ba Đề, học nội công của thầy Đội Sẻ, tiếp đến học luyện roi nâng cao của thầy Hồ Khiêm. Khi đường roi đã cứng cáp vì kết hợp tinh hoa của nhiều thầy, mẹ ông mới truyền thêm các tuyệt chiêu gia truyền. Đường roi của ông ngày càng trở nên thiên biến vạn hóa, sâu hiểm khôn lường.

Khoảng năm 1932, tiếng tăm của võ sư Hồ Nhu vang dội khắp các tỉnh “Nam, Ngãi, Bình, Phú” và học trò đến thọ giáo rất đông. Thậm chí khi đã quá 80 tuổi, võ sư Hồ Nhu vẫn còn múa roi, đường roi vẫn hào hoa, mạnh mẽ và đầy uy lực. Con trai mất sớm, ông truyền nghề cho cháu nội là võ sư Hồ Sừng.

Roi là loại binh khí tiêu biểu của võ Việt. Roi làm bằng gỗ dẻo, mây già hoặc tre đặc, to nhỏ tùy theo bàn tay người sử dụng. Nhiều võ đường ở Bình Định rất giỏi về roi như Lâm Ngọc Phú, Bửu Thắng (An Nhơn); Hà Trọng Sơn, Phi Long Vịnh và phái võ ở chùa Long Phước (Tuy Phước), Phan Thọ (Tây Sơn)… Sư phụ của võ sư Hồ Nhu là Hồ Khiêm có đường roi tuyệt chiêu gọi là “lạc côn”. Các chiêu thức như “đâm so đũa”, “roi đánh nghịch”, “đá văng roi”, “phá vây”, “roi chiến”… đều là những tuyệt chiêu bí truyền của võ Bình Định.

Một bài roi gồm hai phần: lời thiệu và động tác. Lời thiệu thường là thể thơ, ca dao dân gian… Động tác là các đòn thế tấn công và phòng thủ theo các phách cơ bản như: bát, bắt, triệt, chận (nặng về thủ để triệt phá các đòn tấn công của đối phương); hoành, khắc, lắc, tém (vừa thủ vừa công). Thủ ở đây không có nghĩa thụ động mà phải dùng các phách hợp lý để triệt tiêu đòn tấn công đối phương rồi ra đòn tiêu diệt đối phương. Hay có thể giả vờ trá bại, dụ đối phương vào thế. Có lúc phải dùng trừ công để thủ, tức khi đã trừ được các đòn tấn công của đối phương, phải thủ cho kín chặt, không cho đối phương ra đòn tấn công tiếp, rồi phán đoán nhanh xem đối phương phản ứng để có đối sách... Mỗi môn phái ở Bình Định có các đòn roi bí truyền nhưng đường roi Thuận Truyền vang danh nhất...

Bên kia sông Côn là làng An Thái nằm trải dài đến vài cây số. An Thái xưa nay vẫn thuộc xã Nhơn Phúc của huyện An Nhơn, là thị tứ nho nhỏ thơ mộng, quyến rũ và cổ kính. Phố xá nhỏ hẹp, cũ kỹ, nhà cửa phủ rêu phong phảng phất một phố cổ Hội An thu nhỏ. An Thái ngày trước giống như một trung tâm huấn luyện võ thuật truyền thống và có thầy giáo Hiến đến đây mở trường dạy võ và được “Tây Sơn Tam kiệt” đến xin thọ giáo. Người Bình Định nói rằng, đã làm “trai An Thái” phải biết quyền An Thái, cái nôi của võ thuật Bình Định từng làm rạng danh đất Tây Sơn lịch sử.

Hiện nay, các lò võ ở An Vinh, An Thái, Bình Nghi vẫn còn mở lớp dạy võ cho thanh thiếu niên trong vùng và các vùng lân cận. Nhưng theo võ sư Lâm Ngọc Phú: “Bây giờ thanh thiếu niên học võ theo kiểu “cấp tốc”, học cho có miếng để tự vệ, phòng thân chứ không khổ luyện như lớp cha anh ngày trước”.

Nguyễn Tấn Tuấn (Sở VH-TT-DL Bình Định)

Tin cùng chuyên mục