
Cùng với ngư dân sống ven phá Tam Giang, dự lễ hội cầu ngư tại làng Thai Dương (thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) còn có đông đảo kiều bào tham gia. Lễ hội diễn ra từ tối 13-2 kéo dài đến sáng 14-2.
Làng Thai Dương nằm theo bờ Đông Hải, trước mặt là phá Tam Giang rộng lớn, sau lưng có biển nên phần lớn người dân đều hành nghề đánh bắt thủy sản. Ngôi làng vào loại cổ xưa nhất miền Trung với lịch sử hình thành hơn 500 năm do ông Trương Quí Thiều (quê gốc Gia Miêu ngoại trang - Thanh Hóa) được chúa Nguyễn Hoàng chỉ định về Đại Trường Sa (vùng cát ven biển) khai khẩn đất đai lập làng.
Theo các bô lão trong làng, do điều kiện địa lý và công ăn việc làm phụ thuộc vào thiên nhiên nên sau khi khai khẩn và dạy con dân cách đánh bắt tôm cá, ngài Trương Quí Công (tục danh là Trương Quí Thiều) đã lập lễ hội cầu mưa thuận gió hòa, tôm cá đầy thuyền quanh năm và cũng là nơi sinh hoạt văn hóa chung cho toàn thể cộng đồng. Hàng năm đúng dịp đầu xuân, tiết trời ấm áp, cư dân làng Thai Dương long trọng tổ chức hội cầu ngư. Sau này, cứ 3 năm một lần, gọi là “tam niên đáo lệ”, vào ngày 12 tháng Giêng.

Ngư dân rước thuyền đánh cá đầy ắp tôm cá sau chuyến ra khơi đầu năm tại lễ hội cầu ngư làng Thai Dương
Đám rước cung thỉnh vị khai canh và vị khai khẩn từ miếu Thành Hoàng về đình làng Thai Dương. Trên bàn thờ vị khai canh có bánh khoái và mật ong là hai phẩm vật đặc biệt mà ngài Trương Quí Công thích dùng lúc sinh thời. Vào 3 giờ sáng 12 tháng Giêng, lễ Chánh tế bắt đầu khi vị bô lão cao niên và uy tín trong làng làm chủ tế. Nhạc lễ thành kính, trầm hương nghi ngút...
Tiếp đó, dân làng biểu diễn các trò bủa lưới trên cạn, mọi sinh hoạt đánh bắt thủy hải sản đều được thực hiện giống như thật. Trẻ con trong làng đã thức dậy nô nức kéo ra sân đình hóa trang thành tôm cá. Lúc này, trên sân đình các lão ngư với đầy đủ ngư lưới cụ reo hò đánh bắt. Một bô lão bước ra sân đình tung mồi, tôm cá đua nhau đớp mồi, trong lúc đàn cá say mồi thì dân chài tung lưới bắt những con cá đầu năm. Mỗi con cá sa lưới được các lão ngư bỏ vào thúng, mang xuống chao nước cho ướt sũng rồi mang lên cúng làng. Người nào đánh bắt được con cá lớn và mang lên cúng làng trước được lĩnh thưởng. Tiếp sau trò đánh cá trên cạn là lễ xuất quân đánh bắt hải sản đầu tiên của năm. Lễ hội kết thúc bằng cuộc đua thuyền trên phá trước đình làng...
Ông Phan Trọng Sớm, Phó ban tổ chức, cho biết, lễ hội có quy mô và tính độc đáo hấp dẫn mang tầm quốc gia nên đã thu hút hàng vạn người tham gia. Đảng ủy và chính quyền quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ ban tổ chức các mặt như: cổ động trực quan, nội dung vui xuân, đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường...
Cùng với các trò chơi dân gian truyền thống của ngư dân làng chài, lễ hội cầu ngư làng Thai Dương còn thu hút 9 đội ghe đến từ TP Huế, thị xã Hương Thủy các huyện bạn và tham gia đua trải. Đặc biệt, lễ hội năm nay diễn ra khi cầu Ca Cút bắc qua phá Tam Giang đã hoàn thành nên đã thu hút nhiều khách thập phương về tham gia. Bà con Việt kiều về quê đón tết tham gia lễ hội tăng gấp hai lần so với những kỳ trước...
VĂN THẮNG