Ngày 6-3 tới, Iraq sẽ tiến hành bầu cử Quốc hội. Lần bầu cử này được Chính phủ Iraq xem là “phép thử” mang tính quyết định đối với nỗ lực củng cố nền dân chủ non trẻ của một đất nước bị chiến tranh tàn phá, trước khi Mỹ rút toàn bộ quân khỏi nước này (dự kiến vào cuối năm 2011).
Hiện Chính phủ Iraq vẫn đang đau đầu tìm cách làm dịu những mâu thuẫn gay gắt lâu đời giữa các cộng đồng theo dòng Shi’ite, Sunni và Kurd vốn gây nhiều trở ngại cho việc tái thiết và phát triển đất nước. Đối với Iraq, đây vừa là thử thách, lại vừa là cơ hội để quốc gia này khẳng định khả năng điều hành một đất nước có chủ quyền. Ngày 30-6-2009, lực lượng vũ trang Iraq đã nhận bàn giao trách nhiệm đảm bảo an ninh cho tất cả các thành phố, thị trấn lớn nhỏ của nước này để quân đội Mỹ rút về đồn trú bên trong các khu vực được thỏa thuận theo hiệp định an ninh đã ký cuối năm 2008. Kể từ năm 2009, ngày 30-6 được gọi là “Ngày chủ quyền” của Iraq.
Nhưng Iraq, một đất nước có chủ quyền dường như không có quyền tự quyết của dân tộc mình. Chính quyền Mỹ dưới danh nghĩa người bảo trợ cho Iraq đã can thiệp quá sâu vào tiến trình bầu cử Quốc hội sắp tới. Đến nỗi Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki đã nói: “Tôi sẽ không để cho Đại sứ Mỹ tại Iraq, Christopher Hill vượt ra khỏi vị trí của một nhà ngoại giao” trong một tuyên bố ngày 5-2 và dám cam kết với người dân rằng đất nước Iraq không phải khuất phục trước áp lực của Mỹ.
Đây không phải là lần đầu tiên Iraq “gằn giọng” với Mỹ. Năm ngoái, khi Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Iraq để thực hiện sứ mệnh giám sát tiến trình Mỹ rút quân khỏi Iraq, người phát ngôn Chính phủ Iraq Ali al-Dabbagh cũng đã nêu rõ quan điểm của Iraq đối với chủ quyền đất nước. Ông Ali nói: “Chúng tôi không muốn các nước khác can thiệp vào vấn đề này, vì điều đó chỉ càng làm cho tình hình Iraq trở nên phức tạp hơn. Các đảng phái ở Iraq muốn cùng nhau tự giải quyết những bất đồng còn tồn tại”. Iraq không muốn Mỹ cũng như bất cứ nước nào vịn vào điều kiểu như “đoạn đường chông gai còn ở phía trước đối với Iraq” như lời mà ông Biden nhận định về quốc gia này, để cản trở quyền tự quyết dân tộc.
Mới đây, Iraq đã ra lệnh cho 250 nhân viên đã hoặc đang làm việc cho Công ty Blackwater Worldwide (Mỹ) phải rời khỏi Iraq trong vòng 7 ngày, nếu không sẽ bị thu hồi thị thực. Quyết định này được đưa ra sau khi Tòa án Liên bang Mỹ ra phán quyết bác bỏ cáo buộc đối với 5 nhân viên an ninh Công ty Blackwater của Mỹ xả súng vào đám đông ở Baghdad trong khi đang hộ tống một đoàn ngoại giao của Mỹ, làm 17 dân thường Iraq thiệt mạng 20 người bị thương hồi tháng 9-2007.
Quốc gia Trung Đông này đang ngày càng tỏ vẻ “khó chịu” với sự bảo trợ đã đi quá sâu của Mỹ. Phản ứng của các nhà lãnh đạo Iraq cho thấy, họ muốn Iraq thật sự là một quốc gia độc lập, có quyền tự quyết dân tộc chứ không phải là một lãnh thổ của Mỹ. Các nhà lãnh đạo Iraq cũng biết rõ rằng Iraq là một đất nước giàu dầu mỏ, họ có thể phát triển đất nước bằng nền công nghiệp dầu khí của mình. Và những gì Mỹ chi để tái thiết Iraq có lẽ cũng tương đương với lợi nhuận Mỹ thu về từ việc chi phối nền công nghiệp dầu khí của xứ sở này. Vậy thì tại sao Iraq vẫn mãi chịu mất quyền tự quyết dân tộc của chính mình?
Thiên Như