
Vào ngày 10-12 tới, phiên tòa xét xử cựu Tổng thống Peru Fujimori sẽ diễn ra tại Lima, chấm dứt những tranh cãi suốt 7 năm qua xung quanh những tội danh của ông khi ông trốn chạy khỏi đất nước này. Kết thúc nhiều năm sống lưu vong với tham vọng chính trị tưởng chừng không thể dập tắt, “nhà chiến lược bậc thầy” Fujimori cuối cùng đã chấp nhận thất bại cay đắng.
Tham vọng bất thành

Ông Fujimori.
Sau 7 năm sống tại Nhật Bản để trì hoãn các phiên tòa xét xử, cựu Tổng thống Peru Fujimori sẽ phải trả lời chất vấn trước Tòa án Tối cao Peru về những tội danh trong thời gian cầm quyền. Ông Fujimori bị dẫn độ từ Chile về Peru hồi tháng 9. Dự kiến trong phiên tòa vào cuối tháng 11 này ông sẽ đối mặt với 7 tội danh, trong đó có 5 tội tham nhũng và 2 tội vi phạm nhân quyền. Nếu bị buộc tội tất cả các tội danh trên, ông Fujimori có thể bị tuyên án trên 30 năm tù giam.
Ông Fujimori sẽ bị xét xử về việc đã chỉ đạo vụ thảm sát ở Barrios Altos hồi năm 1991, khiến 25 người thiệt mạng và vụ La Cantuta sau đó một năm, khi 9 sinh viên và 1 giáo sư Đại học La Cantuta bị bắt cóc và “biến mất”. Fujimori còn bị buộc tội biển thủ 15 triệu USD, hối lộ các nghị sĩ quốc hội và chỉ đạo nghe lén điện thoại của các chính trị gia.
Chạy trốn khỏi Peru, sống “lưu vong” tại Nhật Bản và bị cáo buộc với nhiều tội danh nhưng Fujimori vẫn không từ bỏ tham vọng trở thành tổng thống Peru lần nữa. Có quốc tịch Nhật Bản, theo luật pháp nước này, ông Fujimori đã không bị dẫn độ về Peru. Từ năm 2001, Peru đã nhiều lần đề nghị Nhật Bản phê chuẩn lệnh dẫn độ Fujimori nhưng đáp lại chỉ là cái lắc đầu. Trải qua 5 năm, các công tố viên Peru đã thu thập hàng loạt các chứng cứ cho thấy Fujimori phạm tội, liên tục yêu cầu Nhật Bản mở các vòng đàm phán nhưng không đạt được thỏa thuận dẫn độ ngài tổng thống tai tiếng về Peru.
Tuy nhiên, “nhà chiến lược bậc thầy”, Fujimori dường như đã tính toán nhầm khi rời Nhật Bản tới Chile năm 2005 với ý định trở về Peru tái tranh cử tổng thống năm 2006. Kết quả là ông đã bị bắt tại Chile theo yêu cầu của chính phủ Peru, bị quản thúc. Nhưng điều đó đã không mảy may dập tắt tham vọng chính trị của Fujimori; trong thời gian bị quản thúc tại Chile, vào tháng 6-2007, ông Fujimori tuyên bố đang xem xét khả năng ra tranh cử ghế Thượng nghị sĩ Nhật Bản vào ngày 29-7 theo đề nghị của một đảng đối lập ở Nhật Bản. Ýù tưởng này không những bị sự chỉ trích mạnh mẽ tại Peru mà tại Nhật Bản, các nhà hoạt động nhân quyền và các chuyên gia luật pháp cũng đã chỉ trích dữ dội, cho rằng đó chỉ là cách để ông thoát tội. Và cuối cùng, niềm hy vọng trở lại chính trường của vị tổng thống tai tiếng này đã bị dập tắt khi Tòa án Chile phê chuẩn quyết định dẫn độ Fujimori về Peru để xét xử vào hôm 22-9 vừa qua.
Sóng gió chính trường

Cựu Tổng thống Peru Fujimori (bìa phải) bị dẫn độ về nước vào ngày 22-9-2007.
Là con một gia đình Nhật Bản di cư trước thế chiến 2, ông Fujimori giữ hai quốc tịch Nhật Bản và Peru. Ông chào đời tại khu Miraflores thuộc Lima (Peru). Bằng chính sách vận động tranh cử khéo léo và những cam kết khôi phục lòng tin của người dân đối với chính phủ, ông Fujimori đắc cử tổng thống Peru vào năm 1990 và tái đắc cử nhiệm kỳ 2 sau đó 5 năm.
Những năm cầm quyền, các chính sách kinh tế của Fujimori tập trung tăng cường các hình thức kinh tế thị trường tự do, tư hữu hóa các công ty quốc doanh và đẩy mạnh đầu tư nước ngoài đã vực dậy nền kinh tế của Peru và được nhiều người ủng hộ. Ông Fujimori tiếp tục tranh cử và đắc cử nhiệm kỳ 3 sau cuộc bầu cử đầy tranh cãi. Lý do là trong cuộc tranh cử đó không ứng cử viên nào giành được 50% số phiếu và cuộc bầu cử được tổ chức lại, ứng cử viên Toledo tẩy chay cuộc bầu cử và ông Fujimori nghiễm nhiên tái đắc cử. Từ đó, Fujimori liên tục bị chỉ trích kịch liệt về lạm quyền và đối mặt với thách thức mạnh mẽ từ Alejandro Toledo, một giáo sư kinh tế.
Tuy nhiên, sự chống đối ông Fujimori đã bắt đầu rộ lên nhiều là vào tháng 12 -1996 khi những kẻ phiến loạn của phong trào Túpac Amaru đột nhập khu tư dinh của Đại sứ Nhật Bản tại Peru, bắt giữ hơn 500 nhà ngoại giao và quan chức chính phủ đang dự tiệc làm con tin. Sau 4 tháng, nhóm này đã thả dần và chỉ giữ lại 72 con tin. Chính phủ của Fujimori đã thương lượng với lực lượng phiến quân nhưng bác bỏ yêu sách chính của họ: thả các thành viên của Túpac Amaru đang bị giam tù. Tháng 4-1997, Fujimori hạ lệnh cho quân chính phủ tràn vào tấn công, 2 lính đặc công và 14 con tin thiệt mạng. Sự việc đã làm tăng tiếng tăm của Fujimori cứng rắn và sử dụng vũ lực hơn là thỏa hiệp để đạt mục đích của mình nhưng lòng tin của người dân đối với ông đã giảm xuống. Nhiều người khen ông quyết đoán, nhưng cũng không ít lời chỉ trích về cách thức tiến hành giải cứu.
Người ta nhắc lại chuyện trước đó, vào năm 1991, ông Fujimori đã chỉ đạo vụ thảm sát trường học Barrios Altos làm 25 người thiệt mạng. Vào đầu những năm 2000, quyền lực của Fujimori bị suy giảm nghiêm trọng do dính vào hàng loạt vụ bê bối. Trong đó, tai tiếng nhất là người thân cận ông Fujimori, người đứng đầu cơ quan tình báo Vladimiro Montesinos bị phát hiện tham nhũng. Một đoạn băng phát trên truyền hình cho thấy, Montesinos đang hối lộ một nhà chính trị đối lập. Cảnh phim đã củng cố lại những cáo buộc gian lận xung quanh cuộc bầu cử đang bị nghi ngờ gian lận trong nhiệm kỳ thứ ba của Fujimori. Chứng cứ điều tra của tòa án Peru cho thấy chính quyền cũng đã ủy nhiệm cho việc nghe trộm điện thoại các nhân vật chính trị đối lập và trả lương 600.000 USD cho người đứng đầu không chính thức tổ chức tình báo riêng của Fujimori. Theo lời khai của “ nhân chứng Montesinos”, ông Fujimori đã biển thủ 15 triệu USD. Đầu tháng 11-2000, sau sự kiện Montesinos bị bắt, Fujimori đối mặt với cáo buộc tham nhũng và gian lận. Để che giấu tội lỗi của mình, ông Fujimori kêu gọi bầu cử tổng thống sớm vào tháng 4-2001 và hứa không tranh cử nữa.
Hình ảnh của Fujimori tiếp tục xấu đi trước công chúng khi một đài truyền hình đã phát thông tin cho thấy cơ quan tình báo đã tra tấn một nhân viên tình báo nữ vì đã tiết lộ thông tin về việc chính phủ có kế hoạch gây khó dễ cho các phóng viên và các nhân vật chính trị đối lập.
Vụ hạ bệ Fujimori đã diễn ra vào ngày 16-11-2000. Khi Tổng thống Fujimori đang dự Hội nghị thượng đỉnh APEC ở Brunei, các đảng đối lập đã chiếm lấy quyền kiểm soát quốc hội. Ngày hôm sau, Fujimori rời Brunei bay sang Nhật Bản và từ đây ông ta gởi về Peru “đơn” từ chức tổng thống. Hành động trốn tránh này bị chỉ trích kịch liệt và Quốc hội Peru đã bác “đơn” từ chức và bỏ phiếu phế truất ông. Và cho đến năm 2003, di sản chính trị của Fujimori tan thành mây khói khi Ủy ban Hòa giải và Sự thật Peru phát hiện chính sách chống khủng bố của ông đã mở đường cho việc lạm dụng nhân quyền, gồm tra tấn và giết người do cơ quan tình báo của Montesinos chỉ huy thực hiện.
Thanh Hằng tổng hợp