(SGGP).- Khoảng 8 giờ 55 phút ngày 23-6, một trận động đất mạnh 4,7 độ richter đã xảy ra ở ngoài khơi vùng biển Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận).
Theo thông tin sơ bộ từ Viện Vật lý địa cầu, tâm chấn của trận động đất nằm ở vị trí 109 độ kinh đông đoạn đứt gãy gần đảo Phú Quý, cách bờ biển khoảng 150km. Dư chấn của trận động đất đã lan ra ở nhiều khu vực. Nhiều người dân trên địa bàn TPHCM cũng như ở Phan Thiết (Bình Thuận) sống và làm việc trên các tòa nhà cao tầng đã cảm nhận rõ rệt được sự rung lắc do động đất. Tại khu vực Bệnh viện Đa khoa Bình Thuận, các cơ quan tỉnh ủy… nhiều người cho biết đều nhận thấy có sự xô lắc đồ vật trong phòng làm việc, màn hình vi tính khoảng 3 - 5 giây.
Chiều qua, trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Yêm, Trưởng phòng động đất, Trung tâm Dự báo động đất và cảnh báo sóng thần (thuộc Viện Vật lý địa cầu, Viện KH-CN Việt Nam) cho biết, trận động đất nói trên xảy ra không có gì bất thường, cũng không gây ra hậu quả đặc biệt. Bởi khu vực vùng biển Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận nằm trên đới đứt gãy chạy từ khu vực ven biển miền Trung xuống phía Nam có nguy cơ động đất trung bình và hàng năm đều có động đất với cường độ từ 4,7 đến 5,2 độ richter, mỗi năm thường xảy ra 4 - 5 trận động đất.
Cũng theo trung tâm này, những trận động đất với cường độ trên xảy ra là do hoạt động bình thường của sự kiến tạo, nội sinh, không gây ra sóng thần hay các hiện tượng đặc biệt nguy hiểm khác. Việc người dân khu vực TPHCM và Phan Thiết cảm nhận được sự rung lắc là do lúc đó đang ở trên những tòa nhà cao tầng có nền đất yếu. Theo ghi nhận của Viện Vật lý địa cầu, những trận động đất tương tự gây chấn động ở khu vực TPHCM từ cấp 4 đến cấp 5.
N.VŨ – T.BÌNH
Chủ động cảnh báo sóng thần, động đất
Cần làm gì để nhận biết và cảnh báo trước những trận động đất cũng như sóng thần có thể xảy ra? PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Lê Hồng Phương (ảnh), Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo tin động đất và cảnh báo sóng thần xung quanh vấn đề này.
- Thưa ông, tại sao hiện tượng động đất, sóng thần lại xuất hiện nhiều trong năm 2010?
- Ông LÊ HỒNG PHƯƠNG: Trong những tháng đầu của năm 2010, điều làm nhiều người không khỏi lo lắng là đã xảy ra liên tục những trận động đất lớn trên thế giới, trong đó có một trận mạnh tới 7,8 độ richter xảy ra ở ngay phía Bắc đảo Sumatra của Indonesia thuộc khu vực Đông Nam Á và gần đây nhất là trận động đất mạnh 6,9 độ richter xảy ra tại quận Yushu, tỉnh Thanh Hải (Trung Quốc), làm ít nhất 400 người thiệt mạng vào ngày 14-4. Các trận động đất và sóng thần này đều phát sinh trên những đới đứt gãy kiến tạo lớn, tầm cỡ khu vực và ở những độ sâu không lớn. Trong đó, động đất ở Haiti sở dĩ gây thiệt hại lớn là vì nó có chấn tâm nằm ở độ sâu 8km và chỉ cách thủ đô nước này khoảng 15km.
- Ở Việt Nam đã từng xảy ra những trận động đất như thế nào? Ở các tỉnh phía Nam và TPHCM có thể xảy ra động đất mạnh không?
- Ở nước ta, động đất mạnh tới 6,8 độ richter đã từng xảy ra tại khu vực Tây Bắc vào các năm 1935 (động đất Điện Biên) và 1983 (động đất ở Tuần Giáo - Lai Châu). Ở các tỉnh phía Nam, động đất ghi nhận được cũng đã đạt tới 6,1 độ richter (như động đất Hòn Tro năm 1923). Gần đây hơn, vào ngày 5-8-2005, một trận động đất mạnh 5,1 độ richter đã xảy ra ở vùng biển gần Vũng Tàu. Cùng ngày, một trận động đất 5,5 độ richter lại xảy ra tại ngoài khơi Nam Trung bộ.
Một trận động đất khác ảnh hưởng đến TPHCM xảy ra vào đêm 28-11-2007 được xác định xảy ra trên đới đứt gãy Bình Thuận - Vũng Tàu, có cường độ 4,5 - 5 độ richter tại tâm chấn, đã làm rung chuyển các tòa nhà cao tầng, gây hoảng loạn trong nhân dân. Tại huyện đảo Phú Quý, cửa sổ nhiều ngôi nhà bị bật tung, tại mỏ Bạch Hổ, động đất cũng đã làm cho giàn khoan số 6 bị chao nghiêng.
Tuy nhiên, xét về tính chất địa chấn thì động đất ở nước ta có độ lớn và tần suất không cao như ở hai quốc gia lân cận Trung Quốc và Indonesia. Nhưng Việt Nam vẫn có thể bị ảnh hưởng bởi động đất trong tương lai và vì thế cần có những biện pháp tích cực để phòng ngừa và giảm thiểu thiệt hại do động đất và sóng thần gây ra.
- Năm 2010 được nhận định là có thể có nhiều trận động đất xảy ra. Vậy Việt Nam đã chuẩn bị ứng phó như thế nào với thảm họa này?
- Hiện chưa có tài liệu chính thức nào được công bố về thiệt hại do động đất và sóng thần tại Việt Nam. Tuy nhiên, thiệt hại nặng nề về người và của do thảm họa động đất và sóng thần xảy ra tại Sumatra, Indonesia đã làm thay đổi hẳn quan điểm và nhận thức về hiểm họa động đất và sóng thần tại các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Ở nước ta, từ năm 2006, Chính phủ đã ban hành quy chế của Thủ tướng Chính phủ về báo tin động đất, cảnh báo sóng thần và năm 2007 lại có thêm quy chế của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống động đất và sóng thần.
Để chủ động trong việc cảnh báo các thảm họa như động đất và sóng thần, chúng tôi đã duy trì chế độ trực suốt ngày đêm để đảm bảo phát hiện kịp thời các hiểm họa trên. Trên cơ sở các kết quả xử lý dữ liệu địa chấn nhận được trực tiếp từ mạng lưới đài trạm quan trắc quốc gia và một phần từ mạng lưới đài trạm địa chấn thế giới, tất cả các trận động đất xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam với độ lớn từ 3,5 độ richter trở lên sẽ được trung tâm thông báo cho các cơ quan quốc gia có chức năng truyền bá thông tin và ứng phó nhanh nhất, trong đó các cơ quan được cấp báo đầu tiên là Đài THVN và Đài TNVN, Ban chỉ đạo PCLB Trung ương và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn.
Các hoạt động cảnh báo sóng thần được phối hợp chặt chẽ giữa các trung tâm cảnh báo sóng thần quốc gia thành viên với hai trung tâm cảnh báo sóng thần đầu não là: Trung tâm Cảnh báo sóng thần Thái Bình Dương của Mỹ và Trung tâm Tư vấn sóng thần Tây Bắc Thái Bình Dương của Cục Khí tượng Thủy văn Nhật Bản. Việt Nam cũng như nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á nằm trên bờ biển Thái Bình Dương chưa có đủ điều kiện trang thiết bị quan trắc và phát hiện sóng thần từ giữa đại dương. Các cảnh báo sóng thần phát đi từ hai trung tâm cảnh báo sóng thần đầu não được truyền trực tiếp tới các trung tâm cảnh báo sóng thần quốc gia trong khu vực Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.
PHÚC HẬU
Miền Trung - Khô người vì hạn
Nông dân miền Trung mấy tháng nay như ngồi trên lửa vì hạn hán. Vụ hè thu nếu không trễ vụ, cũng phải gieo mạ lại lần 2, có nơi bỏ luôn vụ vì thiếu nước tưới. Tôm, cá chết nổi trong hồ. Thiếu nước vì hạn, vì trạm bơm không đủ điện, vì các dòng sông trơ đáy...
Lòng người...“cháy” theo lúa
Miền Bắc, miền Trung vào đợt nắng nóng mới Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, đợt mưa rào và dịu mát do ảnh hưởng không khí lạnh nhẹ ở miền Bắc đã chấm dứt. Bắt đầu từ ngày 24 và 25-6, các tỉnh miền Bắc và miền Trung lại có nắng nóng xuất hiện trở lại do áp thấp nóng phía Tây lan tỏa dần về Đông Nam. Nhiệt độ có thể lên tới 38-39°C. Tuy nhiên, đợt nắng nóng mới kéo dài không lâu, vì 26-6, các khu vực trên lại có mưa rào diện rộng do hội tụ gió trên cao xuất hiện. Các tỉnh Nam bộ chịu ảnh hưởng của gió Tây Nam cường độ trung bình nên trời nhiều mây, một vài nơi có mưa rào và dông về chiều và đêm. Nhiệt độ chỉ duy trì ở mức 28-34°C. P.VĂN |
Thông thường, cuối tháng 5 hàng năm, các dòng sông miền Trung đón đợt lũ tiểu mãn. Thế nhưng năm nay, đã cuối tháng 6 nhưng lũ tiểu mãn vẫn chưa về, những dòng sông lớn ở miền Trung từ Nghệ An đến Bình Định như: Vu Gia, Thu Bồn (Quảng Nam), Trà Khúc (Quảng Ngãi), sông La Tinh (Bình Định) đang “hấp hối” vì thiếu nước; hai nguồn của Sông Gianh (Quảng Bình) gồm Rào Nậy và Rào Trổ nhiều đoạn trơ đáy.
12 giờ 30, trưa 23-6, mặc dù trời nắng chói chang, nhưng ông Nguyễn Hoành Tỷ, 50 tuổi, Trưởng thôn Bình Tiến (xã Thạch Tân, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) cùng hàng trăm nông dân không về nhà ăn cơm trưa, cố bám lại các khúc mương nhỏ ngoài đồng dùng gàu, xô hì hục tát nước đổ vào ruộng nhà.
Ông Tỷ tâm sự: “6/11 sào ruộng của gia đình tôi đã bị nắng nóng, hạn hán làm khô cháy, còn ruộng thì bị nứt nẻ nham nhở. Ra đồng nhìn cảnh ni mà lòng chua xót của quá”.
Còn tại Mỹ Sơn, Nhân Sơn (huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) dưới cái nắng 39-40°C hơi đất bốc lên nhức sống mũi, hoa mắt. Anh bạn đồng nghiệp ở Đài Truyền Thanh và Truyền hình huyện Đô Lương ví von: “Những cánh đồng trắng đến buốt nhói lòng, buốt nhói lòng những người nông dân”. Anh Nguyễn Duy Năm - xóm 2 xã Nhân Sơn cho biết: “Chưa từng khi mô thấy hạn hán khủng khiếp đến như vậy. Tui nhớ như in, từ trận mưa lớn ngày 27-9-2009 đến chừ chưa hề có trận mưa mô đủ thấm đất cả. Điện thiếu triền miên nên không bơm được nước. Lúa chết héo, đến trâu bò cũng không có nước mà uống”.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Sơn cho hay, trong số 410ha đất sản xuất thì xã này mới chỉ gieo cấy được 120ha lúa, nhưng toàn bộ diện tích này đang chết cháy, 10ha ngô mới trỉa xong cũng không thể sống nổi”.
Tại tỉnh Quảng Nam, trên những cánh đồng lúa Điện Bàn, Thăng Bình, Duy Xuyên, Đại Lộc… vụ lúa hè thu đã đi hết được nửa quãng đường. Thế nhưng, trước cái nắng hạn khốc liệt kéo dài từ đầu vụ đến nay, màu xanh của cây lúa đang dần ngả vàng đáng sợ. Bà Nguyễn Thị Dung (nông dân xã Duy Sơn 2, huyện Duy Xuyên) đứng dưới cái nắng chang chang nhìn lúa mà thở than: “Nắng như ri thì người còn sống không nổi huống hồ gì lúa? Nhìn lúa cháy mà lòng mình cháy theo”.
Trong khi đó tại Bình Định, liên tiếp những đợt nắng hạn kéo dài từ cuối tháng ba cho đến nay, nhiều diện tích đất hoa màu bị bỏ hoang vì “không có nước tưới chẳng loại cây trồng nào sống nổi”. Chị Lê Thị Phê (ở thôn Vạn Ninh 1, xã Mỹ Tài, huyện Phù Mỹ) cho biết: đã chuyển hơn 5 sào đất chuyên trồng mì sang gieo mè nhưng bây giờ nắng quá mè chẳng lớn nổi, cả đám còi cọc rồi chết héo. Trời không mưa, Nhà nước nên có biện pháp giúp dân, chứ không đói cả làng.
Sông cạn, giếng khô
Tại thời điểm hiện nay hồ thuỷ điện A Vương chỉ còn 30 triệu m³ nước - là đến mực nước chết. Nếu thời tiết tiếp tục diễn biến bất lợi như hiện nay, nguồn nước sông Vu Gia có khả năng thiếu hụt trầm trọng. Hệ thống sông Thu Bồn (Quảng Nam) do mực nước xuống thấp, mặn xâm nhập sâu vào các cửa sông từ tháng 2-2010 và có xu thế ngày càng gia tăng.
Quảng Nam có 75 hồ chứa nước đang đưa vào khai thác, phục vụ tưới cho khoảng 33.000ha gieo trồng đất sản xuất nông nghiệp. Riêng hồ Phú Ninh - công trình thủy lợi lớn thứ 2 Việt Nam có mức nước thấp hơn năm 2009 gần 1,5m, hồ Khe Tân thấp hơn gần 1m, hồ Thái Xuân thấp hơn 2,9m, hồ Cao Ngạn (huyện Thăng Bình) thấp hơn 3,5m…
Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Quảng Ngãi kiểm tra thực tế nguồn nước các hồ chứa nước có dung tích nhỏ hơn 1 triệu khối trên địa bàn tỉnh chỉ còn dưới 50% so với dung tích thiết kế và đã có một số hồ chứa nước xuống đến mực nước chết.
Công ty TNHH NN một thành viên Quản lý - Khai thác các công trình thủy lợi Thừa Thiên - Huế cũng khẳng định tình trạng nắng hạn như hiện nay nếu kéo dài khoảng một tuần nữa sẽ có khoảng 30% diện tích lúa trên địa bàn tỉnh bị khô hạn. Những vùng có nguy cơ mất trắng vụ hè thu chủ yếu ở vùng cao Nam Đông và A Lưới.
Trong khi đó, trên sông Gianh (Quảng Bình), 11 cồn nổi giữa dòng sông này thuộc huyện Quảng Trạch người dân sống giữa bốn bề nước mặn vây bủa, họ sống nhờ vào nước mưa dự trữ bằng chum, lu, nay đã cạn kiệt, hơn 2 tháng chờ mưa, phải chèo thuyền qua bắc sông Gianh mua nước với mỗi khối nước ngọt 100.000 đồng.
Ông Hoàng Xuân Hiền (ở thôn Tân Hóa, xã Mai Hóa, huyện Tuyên Hóa) làm nghề lái đò chở khách dọc nguồn Rào Trổ cho biết, bình thường mỗi ngày chạy hai chuyến đò chở khách, nhưng mấy ngày nay khi nước sông xuống thấp, vất vả lắm ông mới chạy được một chuyến. Thậm chí có ngày phải nghỉ vì nước sông Gianh đã cạn.
Để cứu lúa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Ngọc Quang phê duyệt phương án chống hạn cho vụ hè thu với tổng kinh phí hơn 8 tỷ đồng cho 18 huyện, thị trong đó 4 huyện nặng nhất là Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên và Thăng Bình… chống hạn cứu lúa. Ngoài việc lắp đặt hệ thống bơm điện có công suất nhỏ rải khắp các cánh đồng, tỉnh Quảng Nam còn triển khai đắp đập ngăn mặn để tích nước từ thượng nguồn đổ về bơm phục vụ nông nghiệp và sinh hoạt.
Tại tỉnh Bình Định, UBND tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm Nước sạch Vệ sinh môi trường sớm bố trí phương tiện vận chuyển nước sạch đến các vùng thiếu nước để cấp nước sinh hoạt cho người và gia súc trong thời gian sớm nhất… Quyết định hỗ trợ cho việc đào, khoan giếng chống hạn cho nông dân với mức 1 triệu đồng/giếng, khơi thêm giếng cũ và lắp thêm bộng giếng hỗ trợ 500 ngàn đồng/giếng...
Tuy nhiên, nhiều cán bộ ngành nông nghiệp, thủy lợi một số tỉnh đều tỏ ra rất ít lạc quan, nếu trời không “cứu” trong vòng 10 ngày tới có mưa thì đến
30% -40% lúa hè thu ở miền Trung sẽ mất trắng.
NHÓM PV
Biến đổi khí hậu - ĐBSCL bị ảnh hưởng nặng nhất thế giới
Ngày 23-6, tại TP Rạch Giá tỉnh Kiên Giang diễn ra diễn đàn bảo tồn ĐBSCL lần thứ 2 với chủ đề Đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu ở ĐBSCL. Tham gia diễn đàn có gần 200 đại biểu là các nhà khoa học trong nước và quốc tế, nhà quản lý và đại diện nông dân. Hơn 10 tham luận được trình bày tại diễn đàn tập trung vào vấn đề: tác động của biến đổi khí hậu ở Việt Nam và ĐBSCL, chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào hệ sinh thái ở ĐBSCL, vai trò của các khu dự trữ sinh quyển trong ứng phó với biến đổi khí hậu, giá trị của hệ thống rừng ngập mặn, rừng tràm ở ĐBSCL, lồng ghép vấn đề biến đổi khí hậu vào kế hoạch phát triển…
Chủ đề của Diễn đàn Bảo tồn ĐBSCL năm 2010 được lựa chọn nhằm hưởng ứng mục tiêu của Liên hiệp quốc lấy năm 2010 là năm Phát triển bền vững và đa dạng sinh học. Dự báo, đến năm 2050, sẽ có khoảng 1 triệu, trong số 4 triệu loài trên trái đất bị tuyệt chủng, tức 1/4 số loài động, thực vật sẽ biến mất hoàn toàn. Mặt khác, vùng Mê Kông - được đánh giá là trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học của châu Á và thế giới, đang phải đối mặt với tình trạng biến đổi khí hậu. Trong đó, ĐBSCL được xác định là 1 trong 3 đồng bằng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới. ĐBSCL là vùng bị tác động nặng nề do biến đổi khí hậu, nếu mực nước biển dâng thêm 1m thì khoảng 70% diện tích đất ở ĐBSCL bị xâm nhập mặn, khoảng 2 triệu ha đất trồng lúa bị mất và nhiều địa phương chìm trong nước…
Tiến sĩ Geoffrey Blate, Điều phối chương trình biến đổi khí hậu (tổ chức WWF khu vực Mê Kông mở rộng) cho rằng: “Thích ứng biến đổi khí hậu nên dựa vào hệ sinh thái qua việc sử dụng các biện pháp tự vệ bằng hệ sinh thái tự nhiên để hỗ trợ cho sự phát triển và sinh kế. Các hệ sinh thái rộng lớn và đa dạng sinh học tại ĐBSCL tăng khả năng chống chịu các tác động do biến đổi khí hậu và giảm rủi ro liên quan đến khí hậu. Thích ứng với biến đổi khí hậu, nên có sự thống nhất giữa các ban ngành và các cơ quan pháp luật để tránh những hậu quả xấu có thể phát sinh”.
Theo GS-TSKH Lê Huy Bá (Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường, Đại học Công nghiệp TPHCM), cần thực hiện một số giải pháp thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu tại ĐBSCL như: Xây dựng hệ thống hồ điều hòa giữ nước ngọt, chống mặn mùa khô, giảm ngập mùa lũ; giải quyết tranh chấp tôm - lúa; giữ lớp đất ngọt trên mặt ruộng; quy hoạch sử dụng đất đai theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu; quy hoạch các vùng dân cư; tổ chức chặt chẽ chỉ đạo vùng ĐBSCL…
Ngày 24-6, tại hội thảo quốc tế về giải pháp thích nghi với biến đổi khí hậu ở ĐBSCL, Diễn đàn bảo tồn ĐBSCL sẽ đưa ra thông điệp về thích ứng với biến đổi khí hậu và một số đề xuất về mặt chính sách liên quan đến việc hợp tác ứng phó với tình trạng này giữa các nước trong tiểu vùng sông Mê Kông (Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam).
B.ĐẠI