Đổi mới cải lương đáp ứng nhu cầu tinh thần, thẩm mỹ của công chúng (*)

So với các loại hình nghệ thuật sân khấu cổ truyền khác của dân tộc như tuồng, chèo…, nghệ thuật cải lương sinh sau đẻ muộn, lại chịu những định kiến nhất thời, nhưng với sức sống bền bỉ, khả năng thanh lọc và thích ứng nhanh với mọi hoàn cảnh, được nhân dân nuôi dưỡng, bảo tồn, cải lương đã bám rễ vào đời sống xã hội.
(Bài phát biểu của đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương tại Hội thảo khoa học ngày 28-4-2018)

Tôi rất vui mừng được đến dự và phát biểu tại Hội thảo “Một thế kỷ hình thành, phát triển của nghệ thuật cải lương ở Việt Nam (1918 - 2018) - Những vấn đề đặt ra, định hướng và giải pháp phát triển”. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân danh cá nhân, tôi xin trân trọng gửi tới quý vị đại biểu, các nhà quản lý, nghiên cứu và anh chị em văn nghệ sĩ lời chào, lời chúc mạnh khỏe, hạnh phúc, đạt nhiều thành tựu trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật!
Kể từ khi ra đời đến nay, nghệ thuật cải lương đã trải qua hành trình một thế kỷ! Trong 100 năm đó, cũng như các loại hình nghệ thuật khác, số phận của nghệ thuật cải lương có nhiều bước thăng trầm. Ngay từ khi mới ra đời, do được công chúng đón nhận và nuôi dưỡng, chỉ trong ít năm, cải lương đã nhanh chóng phát triển ở cả 3 miền, hấp dẫn công chúng không chỉ ở các đô thị lớn mà còn ở cả những vùng nông thôn xa xôi, đáp ứng nhu cầu tinh thần - thẩm mỹ của các tầng lớp nhân dân, nhất là nhân dân lao động. Tuy vậy, cũng đã có những thời kỳ, do nhận thức chưa đầy đủ và sâu sắc, nghệ thuật cải lương đã bị hiểu sai, đánh giá sai, thậm chí bị cấm, bị kết án nặng nề. Cũng may là chỉ ngay sau đó, chúng ta đã sớm nhận ra những định kiến sai lầm để sửa chữa, trả nghệ thuật cải lương về với quần chúng nhân dân, với nền văn hóa nghệ thuật dân tộc. Trải qua các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và các giai đoạn kế tiếp, cải lương đã được các nghệ sĩ tiền bối sử dụng như một vũ khí tinh thần để cổ vũ lòng yêu nước, khích lệ quần chúng nhân dân tham gia vào các phong trào cách mạng, nhất là ở các tỉnh, thành Nam bộ. Nhiều tác phẩm, vở diễn, vai diễn đã đi vào lịch sử cải lương, thấm đẫm vào ký ức của nhiều thế hệ công chúng.

So với các loại hình nghệ thuật sân khấu cổ truyền khác của dân tộc như tuồng, chèo…, nghệ thuật cải lương sinh sau, đẻ muộn, lại chịu những định kiến nhất thời, nhưng với sức sống bền bỉ, khả năng thanh lọc và thích ứng nhanh với mọi hoàn cảnh, được nhân dân nuôi dưỡng, bảo tồn, cải lương đã bám rễ vào đời sống xã hội, đơm hoa kết trái, phát triển mạnh mẽ, với đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên hùng hậu và dàn kịch mục phong phú, góp phần làm đa dạng thêm cho nền văn hóa, văn nghệ dân tộc. Qua các đợt xét tặng giải thưởng và danh hiệu nghệ sĩ, nhiều tác giả, công trình, tác phẩm cải lương, nghiên cứu về cải lương được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước; nhiều nghệ sĩ được phong tặng Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú. Đó là sự tôn vinh, ghi nhận và đánh giá cao của Đảng, Nhà nước ta về tài năng, cống hiến của giới văn nghệ sĩ, trong đó có các văn nghệ sĩ cải lương.

Nhân dịp 100 năm phát triển của nghệ thuật cải lương, tôi xin được bày tỏ niềm vui cùng với các thế hệ nghệ sĩ sân khấu, với những người làm nghề đã đóng góp tài năng, tâm huyết để xây dựng nền nghệ thuật cải lương cách mạng hôm nay. Tôi biết, trước mắt chúng ta đang còn không ít khó khăn, nhưng với những gì đã đạt được, chúng ta có cơ sở để tin tưởng vào tương lai của bộ môn nghệ thuật này. Bởi lẽ cải lương còn đang tiếp tục phát triển, luôn hướng đến cái mới, cái tiến bộ, luôn có những sáng tạo trong thi pháp, phương thức dàn dựng và biểu diễn được đông đảo quần chúng đón nhận.

Tôi hoan nghênh Đài Tiếng nói Việt Nam, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Hội Nghệ sĩ sân khấu thành phố Hồ Chí Minh và các cơ quan, đơn vị khác đã tổ chức các hoạt động khoa học và hoạt động nghệ thuật thiết thực kỷ niệm 100 năm hình thành, phát triển của nghệ thuật cải lương. Có thể xem đây là cơ hội trăm năm để giới nghiên cứu, quản lý và sáng tạo nhìn lại quá trình phát triển, đánh giá thành tựu, phân tích các yếu tố tác động, làm sâu sắc hơn các bài học lịch sử, rút ra các kinh nghiệm hữu ích để tiếp tục xây dựng và phát triển bộ môn nghệ thuật này trong thời kỳ mới.
Chặng đường 100 năm hình thành, phát triển của nghệ thuật cải lương tuy chưa phải là dài nhưng hết sức phong phú, sinh động. Từ đây có thể rút ra những bài học, những kinh nghiệm thiết thực và bổ ích.
Trước hết, trên phương diện nhận thức lý luận, đây là dịp để các nhà nghiên cứu ôn lại các bài học của quá khứ, nghiền ngẫm sâu hơn về vấn đề nhận thức, tiếp biến các giá trị; xây dựng luận cứ khoa học cho việc bảo tồn và phát triển nghệ thuật cải lương nói riêng, góp phần tích cực xây dựng nền văn hóa, văn học, nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo quan điểm của Đảng. Việc chỉ ra các nhận thức hạn chế, sai lầm của quá khứ tương tự như thái độ ứng xử với tuồng, chèo, nhất là cải lương là việc hết sức cần thiết. Nếu không phải là do nhận thức sai lầm, ấu trĩ thì thái độ bất công với các loại hình nghệ thuật kịch hát dân tộc đã không xảy ra vào thời kỳ những năm năm mươi của thế kỷ trước. Nhất là trong tình hình hiện nay, khi cả trên phương diện lý luận lẫn thực tiễn, chúng ta đang phải xử lý hàng loạt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế… thì các bài học rút ra từ thực tiễn phát triển cải lương càng trở nên có ý nghĩa. 
Quan điểm của Đảng từ trước tới nay là đúng đắn và nhất quán, thể hiện rất rõ trong các văn kiện, nghị quyết quan trọng ban hành trong thời kỳ gần đây như: Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương (khóa VIII), Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X), Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI… Tuy nhiên, trong quá trình đi vào cuộc sống, tùy theo từng hoàn cảnh, điều kiện, ở mỗi thời điểm lịch sử khác nhau có thể nảy sinh những vấn đề thực tiễn khác nhau. Tất cả những vấn đề đó rất cần được nghiên cứu, đúc kết để góp phần bổ sung, hoàn thiện vốn tri thức lý luận, hoạch định đường lối chính sách, phục vụ cho yêu cầu phát triển đất nước. Ngoài vấn đề quan điểm nhận thức lý luận, tôi nghĩ cũng còn nhiều vấn đề khác đặt ra cho giới nghiên cứu như vấn đề nhận thức bản chất, đặc trưng, thi pháp thể loại; vấn đề đổi mới nội dung và hình thức; vấn đề nghiên cứu tâm lý tiếp nhận và thị hiếu nghệ thuật của công chúng… Đặc biệt là vấn đề nghiên cứu quá trình hình thành và phát triển của cải lương, đúc kết thành tựu và kinh nghiệm để có những nhận định, đánh giá khoa học về bộ môn nghệ thuật này. Nhìn vào thực tế phát triển cải lương có thể thấy, thành tựu về hoạt động sáng tác và biểu diễn có phần rõ hơn, nổi trội hơn thành tựu nghiên cứu lý luận, phê bình. Đội ngũ các nhà nghiên cứu cải lương cho đến nay còn rất khiêm tốn. Tất nhiên, không thể chỉ căn cứ vào số lượng mà chủ yếu căn cứ vào khả năng đáp ứng các đòi hỏi của thực tiễn nghiên cứu.
Trên phương diện hoạt động sáng tạo, như chúng ta đã biết, cải lương là nghệ thuật tổng hợp, là kết quả của quá trình giao lưu, tiếp xúc, tiếp thu và cải biến các thành tố nghệ thuật từ cung đình đến dân gian, từ Đông sang Tây, từ Bắc, Trung vào Nam. Ngay bản thân cái tên của nghệ thuật cải lương (cách gọi ngắn gọn của Cải cách hát ca theo tiến bộ/Lương truyền tuồng tích sánh văn minh) đã cho thấy phần nào tính chất đổi mới, cách tân không ngừng của nó. Do tính chất như vậy cho nên quá trình phát triển của cải lương, một mặt là quá trình gắn bó với nhu cầu tinh thần của nhân dân, được nhân dân mến mộ và ưa chuộng; một mặt là quá trình cách tân, biến đổi không ngừng để dung nạp những yếu tố tích cực, phù hợp, đào thải các yếu tố tiêu cực, lỗi thời. Hiểu được đặc điểm bản chất này nên từ khi hình thành đến nay, nhiều thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ đã không ngừng cống hiến sáng tạo để duy trì sức sống, sức hấp dẫn của bộ môn nghệ thuật cải lương. Không thể phủ nhận một thực tế là có những giai đoạn, khán giả quay lưng lại với cải lương, giống như đã từng quay lưng lại với tuồng, chèo. Nhưng với tính năng động vốn có và tinh thần sáng tạo của nghệ sĩ, cải lương đã tự điều chỉnh, tự thích ứng để tồn tại. Trong bối cảnh hội nhập và cơ chế thị trường hiện nay, cũng như các loại hình nghệ thuật trình diễn khác, cải lương đang phải đối mặt với năng lực thẩm mỹ và nhu cầu giải trí của khán giả. Họ có quá nhiều sự lựa chọn. Để tồn tại và phát triển, từ kinh nghiệm của chính cải lương cho thấy giải pháp tối ưu có lẽ vẫn là sáng tạo, cách tân để phù hợp với yêu cầu của công chúng. Đây chính là thế mạnh của cải lương. Nhưng sáng tạo và cách tân như thế nào để “đừng gieo vừng ra ngô” như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1952 khi Người đến thăm và làm việc với văn nghệ sĩ tại chiến khu Việt Bắc, là cả một vấn đề không đơn giản. Nếu như ở giai đoạn mới hình thành, sáng tạo là đổi mới tuồng tích, đổi mới nghệ thuật hát ca thì trong xã hội hiện đại yêu cầu đầu tiên là đổi mới đề tài, đổi mới thi pháp, đổi mới nội dung và hình thức nghệ thuật… sao cho đáp ứng được nhu cầu tinh thần, thẩm mỹ ngày càng cao, càng đa dạng của công chúng khán giả. 
Theo tôi được biết thì trong nhiều năm qua, với cơ chế mới, các đơn vị nghệ thuật đã khá năng động, linh hoạt tiến hành các hình thức có tính chất thể nghiệm để tìm ra các mô hình tổ chức biểu diễn phù hợp. Đó thực sự là một nỗ lực đáng khích lệ trên con đường tìm kiếm khán giả, tìm kiếm thị phần để khai mở các hướng phát triển cho cải lương. 
Trong tình hình hiện nay, để đáp ứng yêu cầu mới, các cơ quan, đơn vị nghệ thuật đang tiến hành việc tổ chức, sắp xếp lại sao cho hợp lý, hiệu quả. Đây là công việc khó khăn và phức tạp, có tác động nhất định đến các đơn vị nghệ thuật và tâm trạng của anh em văn nghệ sĩ. Nhưng tôi hy vọng rằng với mô hình quản lý mới, với tài năng, tâm huyết và óc sáng tạo của anh chị em văn nghệ sĩ, nghệ thuật cải lương nói riêng, các loại hình kịch hát dân tộc nói chung sẽ khẳng định được vị thế và chỗ đứng của mình trong đời sống xã hội, đáp ứng được nhu cầu tinh thần của nhân dân cũng như nhu cầu vận động và phát triển của nghệ thuật.
Mặc dù cải lương là nghệ thuật nảy sinh trong đời sống và sinh hoạt tinh thần của nhân dân lao động, được nhân dân nuôi dưỡng, nhưng để trở thành một kịch chủng mạnh, có phẩm chất nghệ thuật, có thành tựu về nhiều mặt thì vai trò của đội ngũ nghệ sĩ chuyên nghiệp là rất quan trọng. Ngoài lớp nghệ sĩ tiên phong có công đặt nền móng cho nghệ thuật cải lương, được vinh danh là sư tổ, hậu tổ… có ảnh hưởng nghề nghiệp rộng rãi trong đời sống nghệ thuật và xã hội, qua mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn, đội ngũ đó lại được bổ sung, làm mới để đủ sức duy trì sự tồn tại và phát triển của nghệ thuật cải lương. Các trung tâm, các đơn vị nghệ thuật hiện nay đang trở thành nguồn đào tạo nghệ sĩ trong đó có cải lương. Có thể nói tương lai của nghệ thuật cải lương một phần nào đó trông chờ vào đội ngũ này. Vì vậy, đào tạo và bồi dưỡng tài năng cho nghệ sĩ phải được chú trọng. Theo cách nói của V.I. Lênin thì đây là lĩnh vực không cần số đông mà cần tài năng và sự tinh thông nghề nghiệp. Đây cũng và vốn quý của đất nước.
Tại hội thảo này, tôi mong các đơn vị của Ban Tuyên giáo Trung ương; Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam; Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan báo chí chủ lực; cấp ủy, chính quyền các địa phương, nhất là các tỉnh, thành phố phía Nam, cần quan tâm nhiều hơn, tạo nguồn lực và điều kiện nhiều hơn giúp nghệ thuật cải lương tiếp tục có chỗ đứng vững chắc trong nghệ thuật truyền thống của đất nước, trong không gian văn hóa của cải lương, đờn ca tài tử Nam bộ. 
Hội thảo “Một thế kỷ hình thành, phát triển của nghệ thuật cải lương ở Việt Nam (1918 - 2018) - Những vấn đề đặt ra, định hướng và giải pháp phát triển” diễn ra trong bối cảnh các bộ môn nghệ thuật dân tộc, trong đó có nghệ thuật cải lương đang gặp những khó khăn, thách thức không nhỏ. Sự lấn lướt của các phương tiện truyền thông hiện đại, nhất là các phương tiện nghe, nhìn; sự xâm nhập của sản phẩm văn hóa, nghệ thuật từ bên ngoài trong quá trình giao lưu và hội nhập; sự phân hóa về thị hiếu thẩm mỹ của công chúng, nhất là công chúng trẻ tuổi; sự chi phối của cơ chế thị trường; sự “lên ngôi” của các giá trị nhất thời… đang hàng ngày, hàng giờ tác động sâu sắc tới đời sống văn học, nghệ thuật nước nhà. Thị phần dành cho nghệ thuật truyền thống của dân tộc đang có nguy cơ thu hẹp dần trong một cuộc cạnh tranh không cân sức. Đó là một thực trạng, một thách thức có thật mà chúng ta đang phải đối mặt. Đã có những cảnh báo về một sự xâm lăng, xâm thực văn hóa. Làm thế nào để trong hoàn cảnh đó, nghệ thuật dân tộc, trong đó có cải lương, vẫn tìm được hướng đi, tháo gỡ được khó khăn để tồn tại và phát triển. Tôi mong rằng, hội thảo hôm nay, với sự có mặt của đông đảo các nhà nghiên cứu, các văn nghệ sĩ và các nhà quản lý văn hóa, nghệ thuật; với những vấn đề lý luận và thực tiễn được đặt ra từ quá trình phát triển của cải lương và trí tuệ tập thể, câu hỏi trên có thể sẽ tìm được câu trả lời đúng đắn.
(*) Đầu đề do Báo SGGP đặt

Tin cùng chuyên mục