Đổi mới dạy học ở bậc tiểu học nên giao quyền chủ động hơn cho giáo viên

Chỉ thị “Chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm đối với giáo dục tiểu học” do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận vừa ký ban hành, trong đó có các nội dung như không giao bài tập về nhà đối với học sinh học 2 buổi/ngày; không tổ chức thi học sinh giỏi ở bậc tiểu học; không tổ chức đội tuyển tham gia các hoạt động giao lưu, “sân chơi” trí tuệ… Mặc dù nhận được nhiều sự đồng tình của phụ huynh nhưng vẫn chưa thể khiến xã hội yên tâm. Vì sao?
Đổi mới dạy học ở bậc tiểu học nên giao quyền chủ động hơn cho giáo viên

Chỉ thị “Chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm đối với giáo dục tiểu học” do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận vừa ký ban hành, trong đó có các nội dung như không giao bài tập về nhà đối với học sinh học 2 buổi/ngày; không tổ chức thi học sinh giỏi ở bậc tiểu học; không tổ chức đội tuyển tham gia các hoạt động giao lưu, “sân chơi” trí tuệ… Mặc dù nhận được nhiều sự đồng tình của phụ huynh nhưng vẫn chưa thể khiến xã hội yên tâm. Vì sao?

Học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Minh Đạo quận 5, TPHCM, trong giờ thi học kỳ môn tiếng Việt năm 2014. Ảnh: Mai Hải

Trường thực hiện nghiêm

Trong hai ngày 10 và 11-11, chúng tôi đã tiến hành khảo sát tại 10 trường tiểu học trên địa bàn các quận 1, 3 và 5. Ghi nhận chung cho thấy các trường đều thực hiện nghiêm chỉ đạo không giao bài tập về nhà đối với học sinh tiểu học. Thay vì trước đây, cuối mỗi ngày học giáo viên sẽ gởi phiếu yêu cầu dò bài về cho phụ huynh, trong đó nêu cụ thể số lượng bài tập học sinh phải làm tại nhà thì nay các thầy, cô chỉ ghi chung chung yêu cầu “Cần ôn lại bài cũ và chuẩn bị trước nội dung bài học ngày mai”.

Anh Khánh Minh, phụ huynh có con đang học lớp 3, Trường Tiểu học Minh Đạo (quận 5) cho biết, từ hơn một tuần nay, mỗi tối con anh đều có thời gian xem ti vi, học đánh cờ với bố vì cô không cho bài tập về nhà. “Trước giờ đi ngủ khoảng một tiếng, vợ chồng tôi chỉ nhắc con soạn cặp, đọc sơ qua nội dung bài học ngày mai”, anh Minh cho biết.

Phó hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận 1 cho biết, sau hơn một tuần thực hiện, cô vẫn nhận được nhiều lời kêu ca, phàn nàn của giáo viên nhưng nhờ sự động viên của ban giám hiệu nên các thầy, cô giáo đã thực hiện nghiêm. Không giao bài tập về nhà cho học sinh đồng nghĩa với việc ở lớp khối lượng công việc của các thầy, cô sẽ nhiều hơn. Tuy chưa xảy ra tình trạng “cháy” giáo án nhưng nhìn chung, giáo viên vẫn kêu khó và đang chờ hướng dẫn chi tiết hơn từ Bộ GD-ĐT.

Ở khía cạnh khác, cô Bùi Thị Kim Liên, Khối trưởng Khối 4, Trường Tiểu học Vạn Tường (quận Phú Nhuận) cho biết, kinh nghiệm trong hơn 15 năm đi dạy của cô là không giao bài tập về nhà cho học sinh bởi điều này sẽ giúp mối quan hệ thầy-trò giải tỏa căng thẳng. Tuy nhiên, giáo viên phải biết yêu cầu phụ huynh tìm hiểu đúng năng lực, sở trường của mỗi học sinh để phát huy đúng cách ở nhà, tránh việc áp đặt quá nhiều kỳ vọng khiến các em mất đi hứng thú học tập.

Trong giờ học thí nghiệm vui. Ảnh: T.L.

Phụ huynh lo lắng

Không thể phủ nhận tất cả quy định nói trên đều nhằm mục tiêu giảm áp lực học tập, giúp học sinh tiểu học có thêm thời gian vui chơi, giải trí, rèn luyện thêm các kỹ năng sống. Tuy nhiên, theo chị Bùi Minh Trang, phụ huynh có con đang học lớp 4, Trường Tiểu học Trương Quyền (quận 3), quy định không giao bài tập về nhà chỉ phù hợp với học sinh có học lực khá, giỏi và học sinh các khối 1, 2, 3. Đối với những em có khả năng tiếp thu yếu, nếu không rèn luyện thêm ở nhà sẽ khó lòng theo kịp chương trình vì thời gian luyện tập trên lớp rất hạn chế.

Riêng đối với học sinh khối lớp 5, yêu cầu kiến thức nhiều hơn, dù giáo viên không cho bài tập về nhà phụ huynh vẫn phải mua sách bài tập cho các em làm thêm để củng cố kiến thức, chuẩn bị cho các bậc học cao hơn.

Ngoài ra, Thông tư 30 quy định về đánh giá học sinh tiểu học do Bộ GD-ĐT ban hành trước đó không lâu yêu cầu phụ huynh tăng cường phối hợp với giáo viên trong việc đánh giá toàn diện năng lực học sinh. Vì vậy, “nếu đã không cho điểm, nay lại không giao bài tập về nhà thì phụ huynh chúng tôi biết căn cứ vào đâu để phối hợp với giáo viên, giúp con phát huy điểm mạnh, khắc phục hạn chế?” - chị Trang đặt câu hỏi.

Riêng đối với việc không tổ chức đội tuyển tham gia các hoạt động giao lưu, sân chơi trí tuệ, hiệu trưởng một trường tiểu học trên địa bàn quận 1 bày tỏ, không phải sân chơi trí tuệ nào cũng gây ảnh hưởng xấu cho học sinh. Trong đó, nhiều cuộc thi mang tính “học mà chơi, chơi mà học” đã tạo được sự yêu thích, tín nhiệm của cả phụ huynh lẫn học sinh. Ông bày tỏ: “Dư luận cứ kêu gào học sinh tiểu học hiện nay thiếu kỹ năng sống. Vậy xin hỏi nếu chỉ tập trung hoàn toàn vào việc học theo chương trình sách giáo khoa, không cho các em tham gia các câu lạc bộ, các hội thi như robotics, vẽ tranh an toàn giao thông, thi tiếng Anh, giải toán qua mạng Internet… thì làm sao các em có cơ hội phát triển các kỹ năng nghiên cứu, thuyết trình, làm việc nhóm?”. Xét về lâu dài thì học sinh vẫn chịu thiệt thòi.

Chính vì những lý do đó, lãnh đạo nhiều trường tiểu học kiến nghị Bộ GD-ĐT nên giao quyền chủ động hơn cho giáo viên, kết hợp với việc thường xuyên giám sát, kịp thời biểu dương, khen thưởng những cá nhân làm tốt. Chỉ khi làm được như thế, học sinh mới thụ hưởng lợi ích lâu dài của việc giảm tải.

THU TÂM

Tin cùng chuyên mục