Đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng: Thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng là cốt lõi

Theo đồng chí Phạm Phương Thảo, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị nhằm đáp ứng đòi hỏi của sự phát triển đất nước, của nhân dân và sự tìm tòi để đổi mới chính mình. 

Ngày 31-5, Đảng ủy Khối Dân - Chính - Đảng TPHCM phối hợp Học viện Cán bộ TPHCM tổ chức Hội thảo khoa học "Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới theo tinh thần Nghị quyết 28 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII".

Hội thảo được tổ chức trực tiếp tại Học viện Cán bộ TPHCM và trực tuyến tại nhiều điểm cầu của các cơ sở Đảng trực thuộc Đảng bộ Khối

Hội thảo được tổ chức trực tiếp tại Học viện Cán bộ TPHCM và trực tuyến tại nhiều điểm cầu của các cơ sở Đảng trực thuộc Đảng bộ Khối

Mạnh dạn thay đổi cơ chế, chính sách, phương pháp không còn phù hợp

Phát biểu đề dẫn hội thảo, đồng chí Nguyễn Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối, phụ trách Đảng bộ Khối nhấn mạnh, đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị là nội dung cơ bản, quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người viết: Lãnh đạo đúng nghĩa là phải quyết định mọi vấn đề một cách cho đúng, phải tổ chức sự thi hành cho đúng và phải tổ chức sự kiểm soát.

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối, phụ trách Đảng bộ Khối Dân - Chính - Đảng TPHCM phát biểu đề dẫn

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối, phụ trách Đảng bộ Khối Dân - Chính - Đảng TPHCM phát biểu đề dẫn

Tại Đại hội XIII của Đảng cũng đã đặt ra yêu cầu tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và Nghị quyết 28 đã nêu rõ các yêu cầu trong đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.

Theo đồng chí Nguyễn Thị Kim Dung, hội thảo nhằm quán triệt sâu rộng nội dung của Nghị quyết 28, làm cho cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc về nhiệm vụ đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.

Tham luận tại hội thảo, TS Trần Thị Hà Vân, Trưởng khoa Xây dựng Đảng, Học viện Cán bộ TPHCM, nhấn mạnh, phải tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng bởi đây là nhiệm vụ cơ bản, quan trọng, thường xuyên của Đảng; đổi mới để nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng; tiếp tục đổi mới để phát huy ưu điểm và khắc phục hạn chế, khuyết điểm.

Phân tích kết quả và những hạn chế trong thực hiện đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng thời gian qua, TS Trần Thị Hà Vân cho rằng thực tiễn đặt ra cần đẩy mạnh và hiệu quả hơn nữa việc đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Song đây là vấn đề lớn, bao quát toàn bộ quy trình lãnh đạo của Đảng; phạm vi, đối tượng tác động rộng, liên quan đến tổ chức, bộ máy, con người. Vì vậy, cần có sự vào cuộc quyết liệt, phối hợp chặt chẽ và nhịp nhàng của cả hệ thống chính trị; ý thức trách nhiệm cao của cán bộ đảng viên mà trước hết là cấp ủy, người đứng đầu.

TS Trần Thị Hà Vân đề xuất các giải pháp để tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng: Đổi mới về nhận thức để đổi mới việc tổ chức thực hiện; mạnh dạn thay đổi những cái cũ (cả về cơ chế, chính sách, phương pháp, cách làm) không còn phù hợp, cản trở sự phát triển.

"Cần chú trọng khắc phục các khâu yếu, cụ thể như tình trạng chậm cụ thể hóa nghị quyết, chậm cả khâu tổ chức thực hiện nghị quyết, trong khi hiệu quả thực hiện nghị quyết chính là đích đến cuối cùng trong hoạt động lãnh đạo, cầm quyền của Đảng", TS Trần Thị Hà Vân nhấn mạnh; đồng thời kiến nghị Trung ương Đảng cần có cơ chế, hướng dẫn để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện nay.

Tránh bao biện, hình thức, chồng chéo nội dung lãnh đạo của Đảng

Theo đồng chí Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị nhằm đáp ứng đòi hỏi của sự phát triển đất nước, đòi hỏi của nhân dân và sự tìm tòi để đổi mới chính mình. Đó phải là yếu tố “động”, đòi hỏi phải gắn với thực tiễn sinh động đất nước và xu thế thời đại để lãnh đạo, cầm quyền tốt hơn trong giai đoạn mới, điều kiện mới có nhiều cơ hội và cũng nhiều thách thức.

Đồng chí Phạm Phương Thảo gợi mở nhiều giải pháp trong việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng

Đồng chí Phạm Phương Thảo gợi mở nhiều giải pháp trong việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng

Điểm lại một số kết quả đạt được trong việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng thời gian qua, đồng chí Phạm Phương Thảo cho rằng bên cạnh mặt được thì vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Đó là, văn bản của Đảng, chính sách pháp luật hiện còn chung chung, dàn trải, thậm chí còn xung đột, chồng chéo. Thực tế hoạt động của cán bộ lãnh đạo còn lễ lạt, thăm viếng nhiều. Đồng chí cho rằng cán bộ lãnh đạo cần dành nhiều thời gian hơn cho việc thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc...

Để tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng theo tinh thần Nghị quyết 28, đồng chí gợi mở, bên cạnh tập trung tuyên truyền, cần có sự tập trung, chỉ đạo cho việc thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng thành chính sách pháp luật một cách cụ thể, khả thi.

Theo đồng chí Phạm Phương Thảo, đây là khâu quan trọng nhất, đang là điểm nghẽn lớn nhất, cản trở sự năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cần thiết phải tập trung thể chế hoá chủ trương bằng được.

Cùng với đó, sắp xếp, tổ chức bộ máy phải phù hợp; công tác đánh giá cán bộ phải đúng theo hiệu quả công việc, thu hút người giỏi, người tốt, kể cả những người ngoài quy hoạch; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát; nâng cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Còn đồng chí Lâm Hùng Tấn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM cho rằng, muốn nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng thì trước tiên cần xây dựng Đảng thật trong sạch vững mạnh, đạo đức, văn minh. Muốn vậy thì phải có văn hoá Đảng, một trong những nét văn hoá đó là văn hoá phối hợp.

TS Trần Thế Lưu, nguyên Trưởng Ban Nội chính Thành ủy TPHCM nêu ý kiến

TS Trần Thế Lưu, nguyên Trưởng Ban Nội chính Thành ủy TPHCM nêu ý kiến

Đồng thuận với ý kiến đề xuất của các đại biểu, TS Trần Thế Lưu, nguyên Trưởng Ban Nội chính Thành ủy TPHCM đề xuất, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy theo hướng nâng cao hiệu quả lãnh đạo, tránh bao biện, hình thức, chồng chéo nội dung lãnh đạo của Đảng và sự quản lý, chỉ đạo, điều hành của Nhà nước. Qua đó, vừa bảo đảm yêu cầu lãnh đạo của Đảng, vừa phát huy sự chủ động, sáng tạo, vai trò, trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội trong tổ chức và hoạt động, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Cùng với đó, xác định nội dung, phương thức lãnh đạo, quản lý cụ thể hơn để các cấp ủy phát huy vai trò lãnh đạo, khơi dậy sức dân, sự chủ động của các cơ quan Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội; đẩy mạnh nâng cao hiệu quả phong trào hành động cách mạng, phong trào thi đua yêu nước trong nhân dân thành phố. Đồng thời triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung theo Kết luận 14 của Bộ Chính trị.

Phát biểu kết luận hội thảo, PGS.TS Nguyễn Tấn Phát, Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM đánh giá cao các tham luận, ý kiến góp ý của các đại biểu. PGS.TS Nguyễn Tấn Phát khẳng định, ban tổ chức sẽ báo cáo Thường trực Thành ủy TPHCM về kết quả hội thảo cùng với các kiến nghị, đề xuất của hội thảo đối với việc đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng nói chung và tại các cấp ủy đảng hiện nay.

Đề cập đến phương thức lãnh đạo của Đảng ủy Khối Dân – Chính - Đảng TPHCM, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy Khối Vũ Hữu Minh cho rằng, tổ chức Đảng các cấp đều phải có phương thức lãnh đạo đảm bảo nguyên tắc, quy định của Đảng. Tuy nhiên, để có những phương thức lãnh đạo cụ thể, vừa đúng nguyên tắc, quy định, vừa phù hợp, sát với thực tiễn, có hiệu quả thì phải do chính tổ chức đảng đó thường xuyên xây dựng, đổi mới và thực hiện. Phương thức lãnh đạo của Đảng ủy Khối Dân - Chính - Đảng TPHCM không thể giống hoàn toàn với phương thức lãnh đạo của các đơn vị đảng ủy cấp trên cơ sở khác trong TPHCM, của Đảng ủy Khối Dân - Chính - Đảng ở các tỉnh thành và càng không thể giống hoàn toàn ở mỗi giai đoạn, thời kỳ của chính Đảng ủy Khối Dân - Chính - Đảng TPHCM. Muốn vậy, rất cần sự nỗ lực với quyết tâm cao, không ngừng vươn lên của Đảng ủy Khối và toàn hệ thống chính trị của Đảng bộ Khối Dân - Chính - Đảng TPHCM.

Nguyên Phó Bí thư Đảng ủy Khối Dân – Chính - Đảng TPHCM Vũ Hữu Minh

Nguyên Phó Bí thư Đảng ủy Khối Dân – Chính - Đảng TPHCM Vũ Hữu Minh

Để thực hiện đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng theo tinh thần Nghị quyết 28 của Đảng ủy Khối Dân – Chính - Đảng TPHCM, đồng chí cho rằng vừa nâng chất các nội dung phối hợp được Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM ban hành; bổ sung thêm một số nội dung phương thức lãnh đạo mới để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Phát huy hơn nữa vai trò của các Ban Xây dựng Đảng và đoàn thể khối trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng ủy Khối. Trong đó, Đảng ủy Khối vừa định hướng những nội dung trọng tâm, vừa tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, lúng túng trong công việc, nhân sự. Các Ban Xây dựng Đảng và đoàn thể khối chủ động rà soát chức năng, nhiệm vụ gắn với chức năng, nhiệm vụ chung của Đảng bộ Khối, nhất là yêu cầu đổi mới phương thức lãnh đạo Đảng ủy Khối để có những nội dung điều chỉnh, bổ sung phù hợp.

Tin cùng chuyên mục