
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Quốc hội, đồng chủ trì hội nghị.
Cơ bản hệ thống chính trị, chính quyền địa phương 2 cấp vận hành tốt

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh một số nhiệm vụ chiến lược, trọng tâm đã được Quốc hội, Chính phủ tập trung triển khai thực hiện từ sau Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đến nay. Thủ tướng nhận định: "Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, nhân dân ủng hộ, đặc biệt Quốc hội, Chính phủ nêu gương với tinh thần làm việc, cống hiến hết mình, hết sức để hoàn thành các nhiệm vụ rất quan trọng, khó, phức tạp, nhạy cảm. Đến nay, chúng ta đã hoàn thành cơ bản hệ thống chính trị, chính quyền địa phương 2 cấp đang vận hành tốt, tất nhiên cũng còn có những việc này, việc kia cần tiếp tục kiểm tra, giám sát, đôn đốc, xử lý, tháo gỡ...".
Thủ tướng cũng lưu ý không được chủ quan, thỏa mãn với những gì đã làm được mà phải xem xét, đánh giá xem cái gì được, cái gì chưa được, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm để sắp tới làm tốt hơn. "Tôi hy vọng mỗi cuộc họp, kỳ họp, chúng ta sẽ có thêm kinh nghiệm. Chúng ta lớn lên, trưởng thành, ngày càng cứng cáp, ngày càng kiên định, kiên trì các mục tiêu cơ bản và linh hoạt xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện", Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng đã thông tin đến các đại biểu dự hội nghị về việc Trung ương sắp tiến hành Hội nghị lần thứ 12 với một tinh thần mới, mục tiêu mới, nhiệm vụ mới, tầm nhìn mới, hành động mới trong giai đoạn cách mạng mới.

Tiếp đó, hội nghị đã nghe Phó Bí thư Đảng ủy Quốc hội Vũ Hải Hà báo cáo tóm tắt về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 60 - NQ/TW ngày 12-4-2025 gắn với việc xây dựng, hoàn thiện văn kiện, công tác nhân sự Đại hội Đảng bộ Quốc hội lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Theo đó, Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy Quốc hội đã ban hành 38 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị số 45 và các chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị về đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Đảng ủy Quốc hội, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng ủy Quốc hội và cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên trong toàn Đảng bộ Quốc hội đã nỗ lực lớn, quyết tâm cao, hoàn thành tốt khối lượng công việc rất lớn, chưa từng có trong lịch sử của kỳ họp thứ 9 - kỳ họp Quốc hội với nhiều quyết sách sẽ trở thành dấu ấn lịch sử, khởi đầu cuộc cải cách sâu sắc về thể chế.
Đồng chí Vũ Hải Hà cũng cho biết, Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy Quốc hội đã lãnh đạo, chỉ đạo sát sao việc tổ chức đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và chuẩn bị phương án bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XVI, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031, trong đó đã lãnh đạo, chỉ đạo thành công đại hội 10/11 đảng bộ trực thuộc. Riêng Đại hội Đảng bộ Văn phòng Quốc hội sẽ tiến hành trong ngày 16-7.
Cơ bản khắc phục chồng chéo, bất cập trong quản lý nhà nước

Về phía Chính phủ, Phó Bí thư Đảng ủy Chính phủ Lê Thị Thủy cho biết, việc triển khai Nghị quyết số 60-NQ/TW được đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát, kịp thời, quyết đoán, quyết liệt của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; có sự đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị và sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân. Công tác sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị được tập trung triển khai đồng bộ, thống nhất, thông suốt từ Trung ương đến địa phương.
Các đảng ủy trực thuộc, bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị đã hoàn thành nhiệm vụ được giao với khối lượng công việc rất lớn về sắp xếp đơn vị hành chính, xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp và công tác tổ chức đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ Chính phủ lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030.
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp được Đảng ủy Chính phủ đặc biệt quan tâm. Chính phủ đã trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung, ban hành 28 luật; Chính phủ ban hành 28 nghị định và các bộ, cơ quan ngang bộ ban hành 51 thông tư thuộc phạm vi quản lý ngành, lĩnh vực về phân cấp, phân quyền và phân định thẩm quyền khi vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, bảo đảm các quy định pháp luật được đầy đủ, không có "khoảng trống pháp lý" hoặc "xung đột pháp luật" trong triển khai thực hiện.