Góp ý Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội X của Đảng

Đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ để cải cách nền hành chính quốc gia

Đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ để cải cách nền hành chính quốc gia

Trong hai mươi năm đổi mới đất nước, Đảng luôn luôn đề ra phương hướng, biện pháp đổi mới và hoàn thiện nhà nước, trong đó nhấn mạnh vấn đề đổi mới toàn diện, sâu sắc nền hành chính quốc gia. Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ X sắp tới cũng đề cập đến vấn đề cải cách hành chính, xác định các phương hướng, biện pháp cơ bản để cải cách hành chính nhưng cần phải xây dựng phương hướng, biện pháp đầy đủ hơn, hoàn thiện hơn về cải cách hành chính quốc gia, trong đó cần thật sự và hết sức khách quan đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ, vì Chính phủ là đầu tàu kéo theo sự vận hành của toàn bộ hệ thống hành chính nhà nước.

  • Tổ chức lại Chính phủ

Chính phủ đương nhiệm có 1 Thủ tướng, 3 Phó Thủ tướng, 20 bộ, 6 cơ quan ngang bộ và hơn 10 cơ quan trực thuộc Chính phủ (trên 40 thành phần). Nếu so với thời kỳ bao cấp thì bộ máy của Chính phủ được tinh gọn hơn (nhưng chỉ tinh gọn hơn một chút) và nếu so sánh với các quốc gia trên thế giới thì Chính phủ Việt Nam có lẽ được xếp vào một trong số ít quốc gia có bộ máy cồng kềnh và nhiều bộ nhất.

Đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ để cải cách nền hành chính quốc gia ảnh 1

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IX xác định chủ trương xây dựng “Bộ đa năng”, “Bộ đa lĩnh vực”, “Bộ đa ngành” và giảm bớt các cơ quan trực thuộc Chính phủ, giao về cho bộ quản lý theo tính chất chuyên môn nhưng trên thực tế Chính phủ hiện nay (Chính phủ được thành lập sau Đại hội IX của Đảng) lại tăng thêm 4 bộ nâng tổng số bộ, cơ quan ngang bộ lên đến 26 chứ không giảm về cơ cấu như nghị quyết Đảng với phương hướng cải cách bộ máy nhà nước.

Tinh gọn bộ máy nhà nước thì trước hết phải tinh gọn bộ máy Chính phủ vì Chính phủ là đầu tàu, là bộ não chỉ huy nền hành chính quốc gia chứ không phải là trung tâm thực hành quản lý hành chính, không phải là cơ quan trực tiếp điều hành quản lý hành chính, cơ quan giải quyết sự vụ hành chính.

Chính phủ nên được cơ cấu lại: Giảm bớt số lượng Phó Thủ tướng để tập trung quyền chỉ huy vào Thủ tướng, nâng cao quyền hạn của Thủ tướng nhưng cũng cột chặt được trách nhiệm của Thủ tướng, giảm bớt số lượng bộ và cơ quan trực thuộc Chính phủ như một số nước trên thế giới để Thủ tướng “rảnh rang” chỉ huy hành chính... Chính phủ là cơ quan đứng đầu hệ thống hành chính, bộ chỉ huy thì càng gọn nhẹ càng hiệu quả, chất lượng và hiệu quả quản lý hành chính không tỷ lệ thuận với bộ máy đông người, nhiều đầu mối mà nó phụ thuộc vào năng lực quản lý, cơ chế hoạt động và trật tự, kỷ luật quản lý.

  • Giảm bớt việc ban hành pháp luật, tập trung vào điều hành, chỉ huy, kiểm tra, thị sát

Trong tổ chức lao động quyền lực nhà nước ở bất kỳ quốc gia nào cũng phải có sự phân công hợp lý. Ở Việt Nam cũng như hầu hết các nước trên thế giới đều giao cho Quốc hội thực hiện nhiệm vụ lập pháp và giao cho Chính phủ thực hiện nhiệm vụ tổ chức thực hiện pháp luật (Quốc hội là cơ quan lập pháp, Chính phủ là cơ quan hành pháp).

Nhưng trên thực tế đến nay Quốc hội mới ban hành trên 200 luật mà luật của Quốc hội không quy định cụ thể, chi tiết và giao cho Chính phủ quy định chi tiết bằng nghị định rồi tiếp đó bộ ra thông tư quy định chi tiết các quy định trong Nghị định của Chính phủ. Như vậy luật ra đời nhưng có nhiều vấn đề không thể thi hành được nếu chưa được Chính phủ ban hành “Luật quy định luật”, thậm chí chưa có thông tư của bộ, luật của Quốc hội cũng không có hiệu lực trên thực tế.

Chính phủ là cơ quan hành chính, bộ cũng là cơ quan hành chính, khi dự thảo luật cho Quốc hội, rồi khi hướng dẫn thi hành, quy định chi tiết khó tránh khỏi tâm lý đặt ra các quy định để thực hiện việc điều hành quản lý cho dễ dàng, thuận lợi (tức là tâm lý cai trị) và đương nhiên gây bất lợi cho phía công dân, tổ chức. Với tình hình này nên có những biện pháp giảm bớt việc ban hành pháp luật của Chính phủ, bộ để Chính phủ, bộ thật sự là cơ quan hành pháp, không thể là cơ quan vừa lập pháp vừa hành pháp (tức là vừa đá bóng vừa thổi còi).

  • Không can thiệp vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp

Từ khi chuyển sang thời kỳ đổi mới, Chính phủ đã có nhiều chính sách, biện pháp thực hiện quản lý kinh tế thoát dần cơ chế bao cấp nhưng vẫn còn không ít thiếu sót, bất cập. Cần đổi mới cơ chế, chính sách quản lý kinh tế ở tầm vĩ mô, cần có những chính sách, biện pháp giao cho bộ trưởng chịu trách nhiệm quản lý doanh nghiệp kể cả tổng công ty từ việc quyết định thành lập, bổ nhiệm cán bộ (các công việc này trước đây được giao cho Thủ tướng thực hiện là chủ yếu nên bộ trưởng khó có thể thực hiện quản lý trực tiếp...), theo dõi, kiểm tra, xử lý, chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ không quản lý trực tiếp, không can thiệp vào công việc kinh doanh, cho chỉ đạo kinh doanh cụ thể, không giải quyết các xung đột tranh chấp kinh doanh như tranh chấp giữa Viettel và Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông về phủ sóng cho điện thoại di động... Đảng có những định hướng dứt khoát để Chính phủ thực hiện đúng trách nhiệm trong quản lý kinh tế, không can thiệp, không quản lý trực tiếp các doanh nghiệp... mới phù hợp với kinh tế thị trường và phù hợp với chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền.

  • Gần dân hơn, sát dân hơn

Ở nước ta Chính phủ, các đồng chí lãnh đạo Chính phủ có nhiều cố gắng để gần dân, sát dân như Thủ tướng mỗi năm vào đầu năm mới có buổi gặp mặt doanh nhân, hay có nhiều chuyến viếng thăm cơ sở này, nhà máy kia... nhưng chưa có quy định nào của Đảng, của pháp luật về trách nhiệm của Chính phủ trong giao tiếp với nhân dân, thực hiện “vi hành” đến dân.

Với tư cách là chủ thể lãnh đạo nhà nước, lãnh đạo xã hội, Đảng cần đưa vào đường lối chủ trương lãnh đạo bộ máy nhà nước những quy định về dân chủ hóa hoạt động của Chính phủ: Mỗi năm Thủ tướng, bộ trưởng cần có nhiều buổi giao tiếp trực tuyến với dân, trả lời trực tiếp các yêu cầu của dân trên mạng, trên truyền hình hay trong buổi giao lưu với dân tại chỗ lãnh đạo đến thăm, đến thị sát.

Các kỳ họp của Chính phủ có liên quan đến dân sinh, liên quan đến các chính sách pháp luật về phát triển kinh tế - xã hội, đời sống văn hóa cộng đồng, đến quyền và nghĩa vụ của công dân... cần được truyền hình trực tiếp, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân được đặt câu hỏi, được thắc mắc, được nêu ý kiến kiến nghị. Đối với các chủ trương, chính sách quan trọng liên quan đến đời sống của nhân dân thì Chính phủ cần tổ chức cho đại biểu của nhân dân được phản biện, được tranh luận với Chính phủ. Dân chủ hóa hoạt động của Chính phủ là tôn trọng dân, là để dân được bàn, được trao đổi với Chính phủ. 

Luật gia NGUYỄN THANH BÌNH

Tin cùng chuyên mục