Diễn đàn Kinh tế mùa thu 2015
Ngày 27-8, Diễn đàn Kinh tế mùa thu do Ủy ban Kinh tế Quốc hội chủ trì đã diễn ra tại Thanh Hóa. Với chủ đề “Kinh tế Việt Nam: Hội nhập và phát triển bền vững”, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, thời gian qua, Việt Nam đã có những bước đi hội nhập nhanh chóng, sâu rộng nhưng “sức ép của hội nhập vẫn chưa đem lại những cải cách tương xứng từ bên trong, những cải cách thực sự có ý nghĩa đột phá về thể chế để tận dụng được những cơ hội mà hội nhập tạo ra”.
Hội nhập có tác động toàn diện đến kinh tế - xã hội
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định, hội nhập kinh tế, đặc biệt là việc Việt Nam ngày càng tham gia, ký kết ngày càng nhiều hiệp định thương mại (FTA ) với thế giới không chỉ tác động đến hoạt động xuất – nhập khẩu, tác động đến công tác thu hút vốn đầu tư nước ngoài mà còn có tác động sâu rộng đến hàng loạt vấn đề khác. Hội nhập kinh tế quốc tế không chỉ tác động đến kinh tế, mà còn tác động rất lớn tới xã hội, thậm chí tác động tới cả an ninh, trật tự; bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc; xóa đói, giảm nghèo; thúc đẩy quá trình tái cơ cấu của nền kinh tế và phân bổ nguồn lực trong nước...
Sau 8 năm hội nhập kinh tế quốc tế, đánh dấu bằng việc chính thức gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), ông Giàu cho biết, có nhiều nhận định cho rằng, Việt Nam đã tận dụng tốt cơ hội hội nhập để phát triển kinh tế đất nước. Ngược lại cũng có nhiều ý kiến cho rằng, hội nhập kinh tế quốc tế nhưng nhiều doanh nghiệp chưa sẵn sàng, mức độ chủ động hội nhập thấp nên dễ bị tổn thương. “Ở thị trường xuất khẩu mới có chỉ có khoảng 30% hàng hóa được hưởng lợi (cắt giảm thuế) nhờ FTA. Trong khi đó, ở thị trường trong nước sự thâm nhập của hàng hóa nước ngoài ngày càng gia tăng, hàng hóa trong nước bị cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Quang cảnh Diễn đàn Kinh tế mùa thu
Tham dự Diễn đàn, Đại sứ Australia tại Việt Nam cũng khuyến nghị: “Cơ hội bao giờ cũng đi đôi với thách thức vì hàng hóa sản xuất trong nước phải cạnh tranh khốc liệt với hàng hóa nhập khẩu ngay trên thị trường nội địa. Nếu không cạnh tranh được thì sẽ có hàng loạt doanh nghiệp giải thể, phá sản, đóng cửa hoặc ít nhất cũng phải chuyển đổi cơ cấu. Và hậu quả việc như mọi người thường nói là “thua trên sân nhà” chính là có nhiều người lao động bị thất nghiệp, mất việc, ảnh hưởng tới thu nhập của hàng chục ngàn lao động do doanh nghiệp trong nước giải thể, phá sản, đóng cửa”. Đại sứ Australia cũng chia sẻ, khi mới bắt đầu quá trình hội nhập sâu rộng, Australia cũng phải trả nhiều cái giá rất đắt trên nhiều lĩnh vực, nhưng nhờ quyết tâm theo đuổi con đường hội nhập kinh tế thế giới sâu rộng mà bắt đầu từ những năm 1980-1990, nền kinh tế Australia đã có bước phát triển mạnh mẽ liên tục, ổn định và hiện giờ là nền kinh tế đứng thứ 13 thế giới.
Giải phóng sức ỳ của công chức
Theo chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược, mức độ tích cực trong hội nhập của Việt Nam đứng đầu ASEAN, thậm chí ở top đầu thế giới nhưng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam lại chưa theo kịp quá trình này.
“Hội nhập thì cần đi liền với đổi mới, cải cách thể chế nhưng vấn đề với chúng ta là đổi mới bên trong chậm trễ quá. Chúng ta mới chỉ giảm thời gian thông quan ở hải quan, mà đó là chuyện nhỏ, câu chuyện lớn là cần có đột phá về thể chế thì đến giờ này chưa làm được bao nhiêu cả”, ông Lược nói.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cũng cho rằng, Việt Nam hội nhập nhanh, nhưng những cải cách bên trong chậm nên không tận dụng được nhiều cơ hội và vượt qua được những khó khăn do quá trình hội nhập tạo ra. Ông cảnh báo: “Quá trình hội nhập, toàn cầu hóa không hề làm giảm vai trò của Nhà nước. Nhà nước phải thay đổi chức năng từ “Nhà nước chỉ huy” sang Nhà nước kiến tạo phát triển. Nếu không làm được điều này, nguy cơ tụt hậu còn xa hơn”.
Có cùng quan điểm, TS Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, để tránh rơi vào bẫy tự do hóa thương mại trong quá trình hội nhập thì yếu tố bộ máy, con người là quan trọng nhất, nếu không có sự cải cách ở khâu then chốt này thì dù “có sửa 100 luật cũng không thể thay đổi được tình hình”. Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, TS Võ Trí Thành cũng tán đồng: “Hội nhập gắn với con người. Đã đến lúc chúng ta cần có những con người không chỉ biết ngồi đó để thảo luận về luật chơi do người khác đặt ra; mà phải biết đóng góp, kiến tạo luật chơi. Điều tôi lo chính ở đội ngũ công chức, chính công chức mới là những người có sức ỳ lớn, khả năng tụt hậu lớn”.
ANH PHƯƠNG