Ngày 7-3 tới, là ngày người dân Iraq bỏ phiếu bầu 325 nghị sĩ mới trong quốc hội, tăng thêm 50 người so với vòng bầu cử diễn ra năm 2005. Đáng lẽ, cuộc bầu cử đã diễn ra vào ngày 15-1 vừa qua, nhưng đến cuối năm ngoái, quốc hội mới thông qua luật bầu cử sau khi các đảng phái tranh cãi kịch liệt về số ghế dành cho mình.
Tân Hoa xã nhận định, đây là vòng bầu cử rất quan trọng cho tương lai Iraq, là phép thử mang tính quyết định đối với nỗ lực củng cố nền dân chủ non trẻ của đất nước Iraq bị chiến tranh tàn phá trước khi Mỹ rút toàn bộ quân khỏi nước này. Vòng bầu cử có thể giúp Iraq dần dần ổn định, nhưng cũng có thể đưa nước này trở lại thời kỳ xung đột giáo phái lên tới đỉnh điểm như năm 2003, khi chính quyền Saddam Hussein bị lật đổ và năm 2006 khi người theo dòng Sunni phản đối kỳ bầu cử quốc hội năm 2005.
Bất ổn, mâu thuẫn là những cụm từ báo chí thường nhắc đến trước vòng bầu cử tại Iraq lần này hơn là những từ thay đổi, dân chủ. Chỉ một ngày trước khi mở cửa các điểm bỏ phiếu cho những người đi bầu sớm vào 4-3-2010, hàng loạt vụ đánh bom đã làm chết 33 người Iraq tại thủ đô Baghdad.
Trước bầu cử, Chính phủ Iraq quyết định gạt tất cả các ứng cử viên có liên quan đến đảng Ba’ath của cố Tổng thống Saddam Hussein, hầu hết họ là người theo dòng Sunni. Việc loại 500 chính trị gia ra khỏi danh sách ứng viên trong cuộc bầu cử tới, làm dấy lên mối nghi ngờ cộng đồng người Shiite muốn gạt bỏ các đối thủ cạnh tranh người Sunni.
Các nhà quan sát quốc tế bình luận rằng, Baghdad đang “đùa với lửa”, có thể dẫn đến việc gieo mầm cho một loạt những hành động bạo lực mới, nếu cộng đồng người Sunni cảm thấy lại bị gạt ra ngoài đời sống chính trị tại Iraq. Bởi trên thực tế, dù đảng Ba’ath không còn nắm quyền lực, nhưng ảnh hưởng của họ rất lớn đối với cộng đồng người Arab dòng Sunni, những người tuy chiếm thiểu số tại Iraq, nhưng được xem là tầng lớp có tiền và quyền lực nhất ở Iraq từ trước đến nay.
Bên cạnh mâu thuẫn giữa các đảng phái với nhau, còn xuất hiện mâu thuẫn bên trong các phe phái. Lần bầu cử trước, đa số người theo dòng Shiite thắng cử mà còn không phân chia được quyền lực. Giờ đây, dư luận dự báo không có đảng phái nào giành được đủ 163 ghế để tự thành lập chính phủ mà chắc chắn sẽ phải tìm kiếm liên minh đa số. Như vậy, việc phân chia số ghế trong chính phủ càng phức tạp hơn.
Có thể nói rằng, dù cuộc bầu cử được xem là một sự thay đổi cho nền chính trị Iraq, nhưng nó sẽ không mang lại điều gì mới, vẫn chia rẽ, bất ổn và bạo lực, vẫn phải lệ thuộc Mỹ cho dù Mỹ có rút quân đúng lịch trình 6 tháng sau bầu cử.
Và cho dù ai giành chiến thắng trong vòng bầu cử tới cũng phải đương đầu với rất nhiều khó khăn. Có quá nhiều việc phải làm đối với một đất nước chìm sâu trong chiến tranh và bạo lực: dịch vụ công cộng công bị phá hủy, thiếu điện, thiếu nước sạch, thiếu lương thực, nạn tham nhũng và một điều quan trọng là mâu thuẫn tồn tại trong các sắc tộc vẫn đang là nỗi nhức nhối tại Iraq.
THANH HẰNG