Đối phó dịch sốt xuất huyết

Dịch sốt xuất huyết bùng phát bất thường tại các nước châu Á trong thời gian qua vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Tính đến nay, dịch bệnh này đã làm tử vong hơn 1.000 người, lây nhiễm hàng trăm ngàn người và gây nên tình trạng quá tải bệnh viện tại các nước. 

Trong số các nước chưa được kiểm soát được dịch bệnh ở châu Á, Philippines đã tuyên bố tình trạng quốc gia dịch bệnh sốt xuất huyết khi có hơn 1.100 người đã chết trong năm 2019 và hơn 250.000 người bị nhiễm bệnh. 

Sốt xuất huyết là bệnh do virus lây truyền qua muỗi nhanh nhất trên thế giới, tăng gấp 30 lần trong 50 năm qua. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), căn bệnh này là đặc hữu ở hơn 100 quốc gia và khiến hơn một nửa dân số thế giới gặp nguy hiểm. Thời tiết thất thường làm cho việc dự đoán dịch bệnh trở nên khó khăn hơn. Nhằm phòng ngừa và ngăn chặn dịch sốt xuất huyết tiếp tục bùng phát tại Singapore, ngày 2-12, Cơ quan Quản lý môi trường Singapore (NEA) đã chính thức đưa vào hoạt động một trung tâm mới nghiên cứu về sự phát triển và cung cấp các con muỗi đực Wolbachia-Aedes aegypti (giống muỗi Aedes aegypti mang trong mình vi khuẩn nội bào Wolbachia). Trung tâm nghiên cứu mới tại Ang Mo Kio này nằm trong chương trình mở rộng Dự án Wolbachia với mục tiêu làm giảm lượng muỗi cái thành thị Aedes aegypti tại Singapore. Trung tâm này có năng lực thả vào môi trường tự nhiên khoảng 5 triệu con muỗi đực Wolbachia-Aedes aegypti mỗi tuần, ở nhiều khu vực bằng máy bay không người lái. Đây là giai đoạn thứ tư của một dự án nhằm mở rộng khả năng triệt tiêu hơn 90% dân số muỗi gây bệnh ở khu vực đô thị. Singapore đang trải qua đợt bùng phát dịch sốt xuất huyết lớn. Tính đến ngày 21-11 vừa qua, đã có hơn 14.470 người bị lây nhiễm sốt xuất huyết, với 20 trường hợp tử vong tại nước này. 

Khi muỗi đực Wolbachia-Aedes aegypti được thả vào môi trường, chúng gặp và kết đôi với muỗi cái thành thị Aedes aegypti (không mang vi khuẩn Wolbachia) sẽ khiến trứng của chúng không nở được. Muỗi cái thành thị Aedes aegypti là nguyên nhân chủ yếu trong việc lây lan các virus sốt xuất huyết, virus gây bệnh Chikungunya và virus Zika tại Singapore. 

Tuy nhiên, các chuyên gia nhấn mạnh, phương pháp thả muỗi mang vi khuẩn Wolbachia không phải là phép màu để có thể xóa sổ hoàn toàn căn bệnh sốt xuất huyết. Không chỉ có nhiều muỗi, mà quá trình đô thị hóa nhanh chóng xảy ra ở nhiều quốc gia châu Á, có nghĩa là những quần thể dễ mắc bệnh đang sống gần gũi hơn với côn trùng mang mầm bệnh. Nhiệm vụ quan trọng nhất vẫn là làm sạch môi trường xung quanh, xóa bỏ ao tù nước đọng để loại bỏ môi trường sinh sản của muỗi và hướng tới giải pháp phát triển vaccine phòng bệnh.

Tin cùng chuyên mục