Đối tượng nào được miễn nộp tiền sử dụng đất?

Đối tượng nào được miễn nộp tiền sử dụng đất?

Ngày 3-12-2004, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã ký ban hành Nghị định 198 về thu tiền sử dụng đất nhằm để thực hiện Luật Đất đai năm 2003. Chúng tôi xin trích đăng một số nội dung bạn đọc quan tâm.

Đối tượng phải nộp tiền sử dụng đất (TSDĐ) là hộ gia đình, cá nhân được giao đất ở; tổ chức kinh tế được giao đất sử dụng vào mục đích xây dựng nhà ở để bán hoặc cho thuê; tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân trong nước được giao đất làm mặt bằng xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh; tổ chức kinh tế được giao đất để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê; tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân được giao đất để xây dựng công trình công cộng có mục đích kinh doanh theo quy định của Chính phủ; người Việt Nam định cư ở nước ngoài được giao đất để thực hiện dự án đầu tư; tổ chức kinh tế được giao đất để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối.

Đối tượng nào được miễn nộp tiền sử dụng đất? ảnh 1

Khu đô thị mới ở quận Bình Tân. Ảnh: Đ.V.D.

Về căn cứ tính thu TSDĐ được xác định là diện tích đất, giá đất và thời hạn sử dụng đất. Diện tích đất tính thu TSDĐ là diện tích được Nhà nước giao, được phép chuyển mục đích sử dụng, được chuyển từ hình thức thuê đất sang giao đất có thu TSDĐ, được cấp giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất.

Giá đất tính thu TSDĐ là giá đất theo mục đích sử dụng đất được giao tại thời điểm giao đất do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành theo quy định của Chính phủ. Giá đất tính thu TSDĐ trong trường hợp đấu giá đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất là giá đất trúng đấu giá. Thời hạn sử dụng đất được xác định theo quyết định giao đất, quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, quyết định gia hạn sử dụng đất hoặc GCN.

  • Thu TSDĐ theo mục đích sử dụng

Đối với hộ gia đình, cá nhân chuyển từ đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở thuộc khu dân cư không được công nhận là đất ở sang làm đất ở thì thu TSDĐ bằng 50% chênh lệch giữa thu TSDĐ tính theo giá đất ở với thu TSDĐ tính theo giá đất nông nghiệp. Chuyển từ đất nông nghiệp được Nhà nước giao không thu TSDĐ sang đất ở thì thu TSDĐ bằng mức chênh lệch giữa thu TSDĐ tính theo giá đất ở với thu TSDĐ tính theo giá đất nông nghiệp.

Chuyển mục đích sử dụng đất có nguồn gốc từ nhận chuyển nhượng của người sử dụng đất hợp pháp sang đất ở thì thu TSDĐ như sau: đất chuyển nhượng có nguồn gốc là đất nông nghiệp thì thu TSDĐ bằng mức chênh lệch giữa thu TSDĐ tính theo giá đất ở với thu TSDĐ tính theo giá đất nông nghiệp; đất nhận chuyển nhượng có nguồn gốc là đất phi nông nghiệp thì thu TSDĐ bằng mức chênh lệch giữa thu TSDĐ tính theo giá đất ở với thu TSDĐ tính theo giá đất phi nông nghiệp.

Khi chuyển mục đích sử dụng từ đất ở được giao sử dụng ổn định lâu dài sang đất làm mặt bằng sản xuất, kinh doanh thì không thu TSDĐ. Chuyển mục đích sử dụng từ đất giao có thời hạn sang đất ở (thời hạn ổn định lâu dài) thì thu TSDĐ tính theo giá đất ở trừ TSDĐ đã nộp theo giá đất của loại đất giao có thời hạn.

  • Thu TSDĐ khi cấp GCN

Nghị định nêu rõ, sẽ miễn TSDĐ đối với hộ gia đình, cá nhân đã được cấp GCN nhưng đất đó đã được sử dụng ổn định trước ngày 15-10-1993 mà còn nợ TSDĐ; nếu đã nộp thì sẽ không được hoàn lại.

Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất thuộc trường hợp quy định tại khoản 6 điều 50 Luật Đất đai 2003 (tức là sử dụng đất từ ngày 15-10-1993 đến trước ngày Luật Đất đai có hiệu lực thi hành, nay được UBND phường, xã, thị trấn xác nhận là không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt đối với nơi đã có quy hoạch sử dụng đất nhưng chưa có các giấy tờ hợp lệ, hợp lý) được cấp GCN thì thu TSDĐ được tính theo giá bằng 50% giá đất do UBND tỉnh, TP trực thuộc trung ương quy định tại thời điểm cấp GCN.

Trường hợp hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ở do tổ chức sử dụng đất được nhà nước giao đất không thu TSDĐ, được nhà nước cho thuê đất, tự chuyển mục đích sử dụng đất sang làm đất ở và đã phân phối đất ở đó cho cán bộ, công nhân viên của tổ chức trong thời gian từ ngày 15-10-1993 đến ngày nghị định này có hiệu lực thi hành được tính như sau: Sẽ thu TSDĐ bằng 50% TSDĐ đối với diện tích trong hạn mức giao đất ở; quy định này chỉ được thực hiện một lần đối với hộ gia đình, cá nhân, lần sau thu 100% TSDĐ; thu TSDĐ bằng 100% TSDĐ đối với diện tích vượt hạn mức giao đất ở.

  • 6 đối tượng được miễn TSDĐ

Việc miễn TSDĐ ngoài trường hợp cấp GCN như trên đã nói thì sẽ áp dụng cho 5 đối tượng khác. Miễn theo quy định của pháp luật về khuyến khích đầu tư. Đất giao để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở để thực hiện chính sách nhà ở đối với người có công với cách mạng theo pháp luật người có công.

Đất giao để xây dựng ký túc xá sinh viên bằng tiền từ ngân sách Nhà nước; đất để xây dựng nhà ở cho người phải di dời do thiên tai; đất xây dựng nhà ở của đồng bào dân tộc thiểu số vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn; đất xây dựng nhà chung cư cao tầng cho công nhân khu công nghiệp. Đất xây dựng công trình công cộng có mục đích kinh doanh (xã hội hóa) thuộc lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục, thể thao. Đất ở trong hạn mức giao đất đối với người có công với cách mạng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

  • 4 đối tượng giảm TSDĐ

Giảm TSDĐ theo quy định của pháp luật về khuyến khích đầu tư. Giảm 50% TSDĐ đối với đất trong hạn mức đất ở được giao của hộ gia đình nghèo. Việc xác định hộ gia đình nghèo do Bộ Lao động- Thương binh-Xã hội quy định. Giảm 20% TSDĐ khi được nhà nước giao đất đối với nhà máy, xí nghiệp phải di dời theo quy hoạch nhưng diện tích đất được giảm tối đa không vượt quá diện tích tại thời điểm phải di dời. Đất ở trong hạn mức giao đất đối với người có công với cách mạng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

THIỆN GIANG
 

Tin cùng chuyên mục