Chilê sẽ khởi đầu World Cup 2014 trong một bảng khó khăn với Tây Ban Nha, Hà Lan và Úc. Tuy nhiên, phong cách chơi bóng của họ cũng thú vị không kém gì tiqui-taka của Tây Ban Nha và bóng đá tổng lực của Hà Lan.
Trong thời gian gần đây, một số cựu cầu thủ và các nhà phân tích tin rằng bóng đá Chilê chưa bao giờ sản sinh ra một đội hình xuất sắc đến thế, ít nhất là kể từ khi đội hình của năm 1962 lọt vào đến vòng bán kết tại World Cup được tổ chức trên sân nhà.
Có thể gây bất ngờ
Tuy nhiên, thật đáng tiếc khi khả năng tiến xa của Chilê ở VCK World Cup kỳ này sẽ tùy thuộc vào việc họ đối phó ra sao với ĐKVĐTG Tây Ban Nha và á quân thế giới Hà Lan trong bảng B. Thậm chí ngay cả trong trường hợp vượt qua được vòng bảng thì Chilê cũng có thể phải dừng bước nếu như họ gặp Brazil sớm hơn họ mong muốn.

Alexis Sanchez (phải), một trong những gương mặt chủ chốt của đội tuyển Chilê.
Trên lý thuyết là như vậy nhưng với những ngôi sao như Alexis Sanchez và Arturo Vidal cùng tinh thần kỷ luật chiến thuật không thường thấy ở các đội bóng nằm xa về phía Tây của lục địa, Chilê vẫn có thể gây bất ngờ. Chẳng hạn, La Roja có thể chiếm ngôi đầu bảng B rồi sau đó vượt qua Croatia hoặc Mexico để tiến vào tứ kết, điều mà họ đã không làm được trong 2 lần gần đây nhất góp mặt ở các VCK World Cup (1998 và 2010).
Chẳng qua đó cũng chỉ là dự đoán và cần có thời gian để đối chiếu với đáp án. Tuy nhiên, có một điều mà không ai có thể phủ nhận là phong cách chơi bóng của Chilê, tiếp nối giai đoạn cầm quân của HLV Marco Bielsa, cũng thú vị chẳng kém là mấy so với phong cách truyền thống của Tây Ban Nha và Hà Lan. La Roja chơi bóng với năng lượng dồi dào, trực tiếp, biến ảo, linh hoạt, dâng cao và tạo sức ép cực lớn. Phong cách độc đáo này đã khiến Chilê được xem là một trong những chú ngựa ô của VCK World Cup 2014.
Chiến thuật biến hóa
Đó là nhờ HLV Jorge Sampaoli tự nhận mình là “đệ tử” của ông Bielsa. Hay nói một cách khác, sau một thời gian ở nơi hoang dã dưới thời HLV Claudio Borghi, La Roja đã tái khám phá triết lý bóng đá của ông Bielsea kể từ khi HLV Sampaoli lên nắm quyền. Ông Sampaoli đã vận dụng chiến thuật một cách linh hoạt, kể cả trong một trận đấu, dựa trên khả năng thích ứng cao của các cầu thủ cũng như sự đa năng của Gary Medel và Vidal.
Chilê thường xuất phát với sơ đồ 3 hậu vệ để tạo điều kiện cho các tiền vệ tạo sức ép lên đối thủ càng sớm càng tốt, cố gắng giành lấy bóng và đẩy đội hình lên rất cao. Tuy nhiên, cũng giống như ông Bielsa, HLV Sampaoli sẽ thay đổi sơ đồ chiến thuật tùy theo đối thủ, 3-4-1-2 đôi khi trở thành 4-3-3, với mục tiêu tìm cách phá vỡ nhịp điệu của đối thủ càng xa khung thành nhà càng tốt. Ở đây có một điểm cần lưu ý: ông sử dụng 3 hậu vệ để chống lại những đối thủ chơi với 2 tiền đạo và sử dụng cặp trung vệ khi đối thủ chỉ bố trí một tiền đạo.
Ở phía trên, bộ ba Sanchez, Jorge Valdivia và Eduardo Vargas di chuyển liên tục. Trong khi Sanchez có khuynh hướng sắn vào trung lộ từ cánh phải thì Vargas làm được rất nhiều việc ở cánh đối diện. Valdivia chơi ở trung tâm, vừa có thể đóng vai trò “số 10” cổ điển vừa có khả năng chơi như một “số 9” ảo.
Với phong cách độc đáo và chiến thuật thú vị như vậy, nếu như Chilê không thể vượt qua được vòng bảng thì họ cũng có thể đem lại sự giải trí cho các khán giả nhiều hơn bất kỳ đội bóng nào khác.
Nam Khang