Đón giao thừa ở “Xuân thành”

Đón giao thừa ở “Xuân thành”

Theo lời rủ rê của mấy người bạn làm về du lịch, chúng tôi vác ba lô bay thẳng đến Lào Cai, vượt cửa khẩu Hà Khẩu, đến tỉnh Vân Nam để nếm một chút hương vị Tết Trung Quốc.

Đến cửa khẩu Hà Khẩu, thời tiết đã bắt đầu chuyển đổi, dưới cái lạnh 9 độ C, sau khi làm xong các loại thủ tục, chúng tôi bắt xe tốc hành, trải qua 9 tiếng đồng hồ để đến Côn Minh (Kunming) - thành phố lớn nhất của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), nơi được mệnh danh là “Xuân thành” vì quanh năm suốt tháng đều có hoa nở và là nơi sản xuất nhiều giống hoa nổi tiếng xuất sang các nước trên thế giới.

  • Tấp nập đón xuân
Đón giao thừa ở “Xuân thành” ảnh 1

Đường phố tấp nập ở Côn Minh.

Côn Minh với dân số hơn 5,5 triệu dân (chưa kể dân nhập cư từ các tỉnh, thành khác) là một thành phố vùng cao và cũng là nơi duy nhất có cửa khẩu để sang các nước ASEAN dễ dàng.

Những ngày giáp Tết, thành phố tấp nập hẳn lên. “Ngày thường Côn Minh cũng náo nhiệt người, xe nhưng hôm nay là ngày cuối năm nên bà con túa ra đường sắm tết để về quê nên trông cứ như ngày hội”- anh Minh một người dân địa phương nhưng nói tiếng Việt rất sõi, cho chúng tôi biết.

Anh Minh hay còn gọi là “Minh còi” có thể nói những từ lóng, thậm chí những câu ca dao của Việt Nam như người Việt. Anh kể, anh đã từng sống và làm đầu bếp cho một nhà hàng Hoa ở Chợ Lớn gần 10 năm do đó anh cũng khá rành phong tục tập quán của người Việt.

Thành phố Côn Minh có 135 tuyến xe buýt và đây là phương tiện đi lại hàng ngày thuận lợi nhất của người dân địa phương, với giá một chặng đi chỉ tốn 1 nhân dân tệ (1NDT = 2.000 đồng VN).

Đón giao thừa ở “Xuân thành” ảnh 2

Cho hải âu ăn ở Thủy hồ.

Người Trung Quốc có tập tục rất giống người Việt Nam, đó là đêm giao thừa những thành viên trong gia đình phải tề tựu bên nhau, cúng ông bà và đặc biệt là “khai” pháo đầu năm. Trong ba ngày Tết, nhà nhà đều phải có thịt, gà, bánh mứt để mời bạn bè.

  • Đón giao thừa

Buổi sáng ngày 29 Âm lịch đường phố đông như hội thế nhưng chỉ đến chiều, trên đường không một bóng người. “Đây là thời điểm mọi người về để trang trí bàn thờ và chờ đến giao thừa”, anh Minh nói. Chúng tôi lang thang ra Thủy Hồ (Green lake Park) tìm một quán cà phê để tận hưởng đêm giao thừa ở Côn Minh.

Công viên Thủy Hồ trong những ngày này thật tuyệt vời, chim hải âu bay về trú đông đậu trắng cả vùng hồ. Ban ngày người dân đến đây rất đông để cho hải âu ăn còn khách du lịch như chúng tôi thì đến để chụp hình.

Cuối cùng chúng tôi cũng tìm được một quán ăn kiểu Âu ngay bờ hồ, khoảng 23 giờ đêm, pháo hoa và pháo phong đã bắt đầu nổ. Thanh niên nam nữ cũng đưa nhau ra bờ hồ nhiều hơn để đốt pháo hoa.

Mùng 1, ngày đầu năm người Trung Quốc cũng như người Việt có thói quen đi chùa. Đường phố lại bắt đầu tấp nập. Chúng tôi quay về Hà Khẩu, bến xe buýt đầu năm kẹt cứng người. Nếu không đặt vé trước có lẽ chúng tôi sẽ chẳng có cơ hội quay về Việt Nam theo đúng hành trình “Ăn Tết ở Trung Quốc và Việt Nam”.

Đón giao thừa ở “Xuân thành” ảnh 3

Nhộn nhịp mua sắm cuối năm.

 “Những năm gần đây thanh niên Trung Quốc có thói quen đi chơi xa trong ngày đầu năm và điểm đến của người dân Xuân thành thường là Việt Nam”- một người dân địa phương cho biết. Đúng như vậy, khi chúng tôi đến cửa khẩu, các đoàn khách du lịch Trung Quốc đang làm thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam rất nhiều.

Một hướng dẫn viên du lịch của Công ty du lịch Bình Minh cho biết hầu hết các tour của khách Trung Quốc đều đến những điểm giống nhau, đó là Lào Cai – Sapa – Hạ Long.

Không mất quá nhiều thời gian để đến Côn Minh và quay về lại Việt Nam đón Tết. Về thành phố Hồ Chí Minh, trong cái nắng ấm áp của đất phương Nam, chợ hoa Nguyễn Huệ vẫn còn thu hút khá đông người dân địa phương và khách du lịch đến chụp hình, vui xuân. Tết quê nhà thật ấm áp và dễ chịu…

 Huỳnh Lê (đầu tháng 2-2006)

Tin cùng chuyên mục