Các nước châu Á đang nỗ lực thúc đẩy kinh tế, với những bước đi mới nhất, ngày 7-4, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) thông báo quyết định duy trì lãi suất chỉ đạo ở mức 0,1%, cho rằng đây là mức lãi suất tối thiểu cần thiết để đảm bảo sự vận hành của các cơ chế thị trường.
Bộ Tài chính nước này tuyên bố sẽ chi bổ sung ít nhất 100 tỷ USD để vực dậy nền kinh tế. Thị trường tín dụng Hàn Quốc cũng có dấu hiệu “tan băng” khi chính phủ nước này cho phép các thể chế tài chính phát hành trái phiếu toàn cầu đầu tiên với thời hạn 3 năm. Chính phủ Hàn Quốc cũng dự định gia hạn thêm 6 tháng cho khoản bảo lãnh của chính phủ đối với các khoản vay ngoại tệ nhằm thu hút ngoại tệ bằng tiền mặt vào lĩnh vực ngân hàng.
Trung Quốc cũng không chịu thua kém khi chi 587 tỷ USD nhằm kích thích kinh tế đưa nước này chuyển hướng sang tăng trưởng bằng cách tăng tiêu dùng cá nhân và chi tiêu của chính phủ cho các dịch vụ công.
Những diễn biến mới nhất này được đánh giá là một trong những cố gắng tìm kiếm giải pháp tốt nhất cho cuộc khủng hoảng kinh tế đồng thời hướng tới Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) thường niên được tổ chức vào ngày 10-4 tới tại Thái Lan.
Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và mối đe dọa về an ninh do vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên đang thu hút hầu hết sự chú ý của các nhà lãnh đạo châu Á khi họ tới Thái Lan tham dự hội nghị. Các nhà lãnh đạo 16 nước thành viên EAS, gồm 10 nước ASEAN cùng với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand, với 3 tỷ dân, gần 30% GDP toàn cầu, cũng sẽ thảo luận các vấn đề khác từ năng lượng, an toàn thực phẩm cho đến biến đổi khí hậu và thương mại thế giới…
Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc sẽ nhóm họp bên lề Hội nghị cấp cao Đông Á để bàn về cách khởi động lại các cuộc hội đàm về vấn đề hạt nhân đã bị bế tắc với Triều Tiên. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo châu Á sẽ thảo luận thành lập ra một khu vực mậu dịch tự do rộng lớn có thể trải dài từ Bắc Kinh tới Sydney, từ Manila đến New Delhi để vực dậy kinh tế toàn khu vực.
Tiếp đó, vấn đề thương mại toàn cầu và cuộc khủng hoảng tài chính là trọng tâm của một cuộc Đối thoại Toàn cầu với sự tham dự của Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon và những người đứng đầu Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Thitinan Pongsudhirak, giảng viên về các vấn đề đối ngoại tại Trường Đại học Chulalongkorn ở Thái Lan, nhận định: “Hội nghị thượng đỉnh G-20 được đánh giá là thành công nhưng nếu nền kinh tế thế giới vẫn tiếp tục suy giảm, thì các nước Đông Á sẽ buộc phải tìm hướng đi mới của riêng mình”.
Việt Anh