Khi tiếp nhận chức vụ hồi giữa tháng 9 vừa qua, Đại sứ Trung Quốc tại Bulgaria Guo Yezhou đã khẳng định, sứ mệnh chính của ông ở Bulgaria trong 4 năm tới là đưa đối thoại chính trị Bulgaria-Trung Quốc lên ngang hàng với sự hợp tác kinh tế giữa 2 nước hiện nay. Ông khẳng định, đây cũng là sứ mệnh mà các nhà ngoại giao Trung Quốc ở các nước Đông Âu phải thực hiện.
Cơ sở hạ tầng yếu kém, các tòa án hoạt động thiếu hiệu quả, nạn tham nhũng lan tràn ở Bulgaria đã làm nản lòng các nhà đầu tư phương Tây. Tuy nhiên, sự ổn định tương đối về tài chính và thuế doanh nghiệp 10%-mức thấp nhất ở Liên minh châu Âu (EU), lại hấp dẫn các nhà đầu tư Trung Quốc. Sở hữu kho dự trữ ngoại tệ 2.500 tỷ USD, Trung Quốc gần như “không sứt mẻ” gì trước tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Vì vậy, các công ty Trung Quốc hiện tham gia tất cả các lĩnh vực trong nền kinh tế của Bulgaria: Huawei và ZTE đang chịu trách nhiệm chính nâng cấp mạng lưới viễn thông; Great Wall Motors, một trong những công ty sản xuất ô tô lớn nhất của Trung Quốc, cũng xây dựng xong một nhà máy sản xuất trị giá 80 triệu USD ở vùng Đông Bắc Bulgaria…
Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chen Deming khẳng định, Bulgaria có tiềm năng trở thành cửa ngõ chuyển giao công nghệ và vốn đầu tư của Trung Quốc sang EU. Ngoài Bulgaria, Trung Quốc cũng thâm nhập các nền kinh tế khác ở Đông Âu.
Tại Romania, các công ty Trung Quốc đang đàm phán xây dựng các nhà máy điện chạy bằng sức gió. Tại Ba Lan, đến năm 2007, Trung Quốc đã đầu tư tổng cộng 70 triệu EUR. Năm nay, vốn đầu tư của Trung Quốc dự kiến đạt 500 triệu EUR. Tại Hungary, các công ty Trung Quốc được trải thảm đỏ khi chính phủ Hungary cấp kinh phí đào tạo các doanh nhân Trung Quốc.
Trước sự đổ bộ ồ ạt của Trung Quốc, một số quốc gia châu Âu có mối làm ăn truyền thống với Đông Âu bắt đầu cảm thấy “nhột” và phản ứng. Ủy ban Quan hệ kinh tế Đông Âu của ngành công nghiệp Đức cáo buộc Bắc Kinh đang sử dụng các công thức “bán phá giá, tài trợ ồ ạt và bảo hiểm rủi ro một cách hào phóng” để cạnh tranh không công bằng với các đối thủ châu Âu tại khu vực.
Peter Doran, nhà phân tích cao cấp làm việc cho Trung tâm Phân tích chính sách châu Âu ở Washington cho rằng, các dự án đầu tư của Trung Quốc ở Trung và Đông Âu sẽ là cơ sở tốt để Bắc Kinh dần đẩy mạnh quan hệ chính trị với các chính phủ.
Đáp lại, Zhang Zuqian, nhà nghiên cứu làm việc cho Hội Nghiên cứu châu Âu của Trung Quốc, nói: “Tư tưởng luôn coi Đông Âu là đặc quyền về kinh tế của châu Âu đã quá lỗi thời. Trong thời buổi toàn cầu hóa hiện nay, khu vực này không còn là vùng đặc quyền của họ”.
Với Bắc Kinh, Đông Âu không chỉ như một trong các thị trường mới cho hàng xuất khẩu của Trung Quốc mà còn coi đây là cửa ngõ chiến lược vào thị trường châu Âu rộng lớn hơn. Về phần mình, sau thời gian trông chờ vào các cơ hội kinh doanh và vốn đầu tư của các nước phương Tây láng giềng, các nền kinh tế Đông Âu nay đang hướng ra khắp nơi.
Còn châu Âu già cỗi giờ hoảng hốt nhận ra chính mình đã đẩy ra xa một phần của lục địa bởi những chính sách kinh tế không phù hợp trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.
Đỗ Văn