Chưa dứt mùa mưa nhưng nước trong kênh mương nội đồng nhiều nơi ở ĐBSCL đang dần cạn kiệt, có thể ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất, đời sống của người dân.
Nông dân Lê Văn Lam, 61 tuổi, ở xã Tân Phước, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp, lo ngại: “Thời tiết năm nay lạ quá, đặc biệt là lũ nhỏ nhất trong vòng mấy chục năm qua, ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của nông dân”. Đi một vòng Tân Hồng, huyện đầu nguồn của Đồng Tháp, chúng tôi chứng kiến nhiều kênh mương nội đồng ở đây nước xuống rất thấp, có nơi thấp hơn năm rồi 1 - 1,7m. Ông Phùng Thanh Hải, Chủ tịch UBND huyện Tân Hồng, lo lắng: “Tình hình này có thể thiếu nước vào thời điểm cuối vụ lúa đông xuân, đặc biệt vụ hè thu tới nguy cơ không có nước làm đất để xuống giống rất lớn. Ngay vụ đông xuân này, nước lũ thấp khiến chi phí làm đất gia tăng gấp 4 - 5 lần. Chuột, bọ, sâu bệnh gây hại gia tăng khiến chi phí phân bón, thuốc trừ sâu… đều tăng trong khi năng suất lúa chắc chắn thấp hơn năm trước.
Theo Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, tổng lượng dòng chảy bình quân hàng năm từ thượng nguồn vào ĐBSCL theo dòng chính sông Tiền và sông Hậu là 408 tỷ m³ nước. Dòng chảy mùa lũ ở ĐBSCL bắt đầu vào tháng 6, 7 và kết thúc vào tháng 11, 12. Lưu lượng mùa lũ trung bình vào Việt Nam khoảng 28.000 - 30.000m³/giây, dòng chảy sông Tiền và sông Hậu vào mùa kiệt ở ĐBSCL chỉ có 3.000 - 5.000m³/giây. ĐBSCL đang và sẽ đối phó với tình trạng thiếu nước ngọt nghiêm trọng trong mùa khô. Các chuyên gia, nhà quản lý nông nghiệp nhận định, để đối phó với tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn, ĐBSCL phải hoàn tất xuống giống vụ đông xuân trong tháng 11 và đầu tháng 12.
Thực tế nhiều năm qua cho thấy, nếu như lũ nhỏ thì mặn sẽ xâm nhập sâu vào nội đồng. Cụ thể vào năm 2010 có khoảng 100.000ha lúa ở các địa phương vùng ĐBSCL bị nước mặn gây hại nghiêm trọng, đặc biệt là các vùng ven biển. Ông Trần Trung Hiền, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, nhận định: “Theo dự báo của các ngành chức năng, năm nay lũ nhỏ, lượng nước đổ về ĐBSCL ít nên nhiều khả năng nước mặn sẽ xâm nhập sớm và nghiêm trọng hơn”. Để hạn chế thiệt hại, ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh đã chỉ đạo xuống giống toàn bộ 51.000ha lúa đông xuân dứt điểm trong tháng 12-2012. Đồng thời, vận hành hệ thống cống, đập thủy lợi hợp lý tích trữ nước ngọt, ngăn mặn, đặc biệt là hệ thống thủy lợi Nam Măng Thít, nhằm bảo vệ tốt diện tích sản xuất cho nông dân.
Ông Trần Quang Củi, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, cho biết: “Đến thời điểm này, nông dân trong tỉnh đã xuống giống gần 95.000ha (trong tổng diện tích 269.000ha); tập trung chủ yếu ở vùng Tây sông Hậu, U Minh Thượng và các huyện Giang Thành, Hòn Đất (thuộc vùng Tứ giác Long Xuyên). Năm nay, nguy cơ hạn, mặn thiếu nước xảy ra rất lớn. Để phòng tránh hạn mặn, đảm bảo đủ nước tưới cho vụ đông xuân, theo kế hoạch, trong tháng 11 sẽ hoàn thành xuống giống 200.000ha và diện tích còn lại phải hoàn tất trong đầu tháng 12-2012. Hiện tại toàn bộ hệ thống 27 cống ngăn mặn vùng Tứ giác Long Xuyên đã được đóng lại để giữ nước ngọt phục vụ sản xuất cho hàng trăm ngàn hécta lúa thuộc 2 tỉnh An Giang và Kiên Giang".
| |
BÌNH ĐẠI