Ngày 24-9, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát trực tiếp kiểm tra việc phòng chống lũ tại An Giang, Đồng Tháp. Nước lũ lên nhanh, nhiều khả năng sớm vượt báo động 3, nguy cơ gây thiệt hại rất lớn. An Giang và Đồng Tháp đang quyết liệt gia cố đê bao, bảo vệ hàng trăm ngàn hécta lúa thu - đông; đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng người dân.
Chiều 24-9, ông Huỳnh Thanh Phong, Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão (PCLB) huyện An Phú (An Giang), cho biết đến thời điểm này chưa có điểm trường nào trong huyện phải tạm nghỉ học vì lũ. Tuy nhiên, toàn huyện có 19 điểm trường ở vùng ngập lũ. Do đường giao thông nông thôn bị ngập nên 1.070 học sinh ở các điểm trường này phải đi lại bằng đò.
Trong ngày 24-9, Ban Chỉ huy PCLB huyện đã cấp phát 300 áo phao để đảm bảo an toàn cho các em đến trường. Đồng thời, đề nghị các ngành chức năng tiếp tục trang bị thêm 500 áo phao nữa cho học sinh đi học bằng đò.
Đến nay, huyện An Phú đã thành lập 59 chốt cứu hộ với 668 thành viên túc trực tại các nơi xung yếu như vùng ngã 3, ngã 4 sông, chân cầu có vùng nước chảy xiết để kịp thời ứng cứu những ghe tàu bị chìm. Trên tuyến tỉnh lộ 957, đoạn từ cầu Kênh Mới đến mương Tám Sớm (huyện An Phú) đã bị ngập nặng với tổng chiều dài hơn 8km, gây thiệt hại 1,2 tỷ đồng.
Đến nay, tỉnh An Giang có 14.000ha lúa thu - đông bị ngập úng; 500 hộ dân sống trong vùng nguy hiểm cần được di dời khẩn cấp. Tỉnh An Giang đang quyết liệt gia cố 300km đê yếu và 70km đê xung yếu. Trước tình hình lũ lên nhanh, diễn biến phức tạp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng vừa có công điện khẩn chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng chống lũ, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân; đặc biệt là hơn 130.000ha lúa thu - đông.
Sáng 24-9, lãnh đạo thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp) họp triển khai các biện pháp gia cố đê, di dời dân ra đến nơi an toàn. Ông Lâm Minh Lê, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hồng Ngự nhận khuyết điểm đã chống lũ quyết liệt từ nhiều tuần nay nhưng lại bảo vệ không thành công đê bao chống lũ ở xã Tân Hội dẫn đến tình trạng vỡ đê, lũ chụp mất trắng 200ha lúa gây thiệt hại cho hơn 300 hộ dân hàng tỷ đồng.
Hiện 7 xã, phường của thị xã Hồng Ngự bị lũ đe dọa. Tại đê kinh Tứ Thường bảo vệ hơn 500ha lúa gần thu hoạch, do nước chảy xiết nên nhiều đoạn đê bị nứt. Mực nước bên trong bờ đê hiện tại thấp hơn nước lũ 3,5m, nếu vỡ đê sẽ mất trắng hàng chục tỷ đồng. Tuyến đê An Bình B bảo vệ hơn 550ha lúa vụ 3 do mới đắp xong trong năm 2010, nền đất còn yếu, nhiều đoạn bị sạt lở.
Đến nay, tỉnh Đồng Tháp có 2 trẻ em tại huyện Cao Lãnh và Lai Vung chết đuối trong mùa lũ. 286ha lúa thu - đông ở huyện Châu Thành, thị xã Hồng Ngự bị mất trắng, hơn 28.000m² đất bị sạt lở, 90 hộ dân phải di dời khẩn cấp…
Đi kiểm tra công tác phòng chống lũ tại An Giang và Đồng Tháp, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh: “Trong những ngày tới nhiều vấn đề đặt ra rất cấp bách. Yêu cầu các địa phương huy động tổng lực khẩn cấp gia cố, nâng cấp các tuyến đê xung yếu, bảo vệ bằng được diện tích lúa thu - đông. Đặc biệt, phải bảo vệ an toàn tính mạng người dân, khẩn cấp đưa dân từ các khu vực nguy hiểm vào nơi an toàn”.
Bình Đại
- Miền Trung: Lũ vượt mức báo động 3 trong hôm nay
(SGGP).- Trong ngày 24-9, mưa đã giảm trên địa bàn các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thanh Hóa, lũ trên các sông ở những địa phương này đã rút. Trong khi đó, mưa to tiếp tục xảy ra trên địa bàn các tỉnh Trung Trung bộ (từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi), lượng mưa phổ biến từ 150-250mm, có nơi mưa rất to. Dự báo, đến sáng nay (25-9), lũ trên sông Vu Gia (Quảng Nam) và các sông thuộc Quảng Ngãi sẽ vượt mức báo động 3; hàng ngàn hộ dân vùng hạ lưu sẽ bị ngập chìm trong nước.
Chiều 24-9, trong khi vùng hạ du sông Vu Gia, nước lên rất nhanh thì tại thượng nguồn dòng sông này, mực nước hồ chứa thủy điện A Vương ở mức 359m, trong khi ngưỡng tràn là 363m. Điều đáng nói, diễn biến của cơn lũ lần này trên sông Vu Gia rất giống với diễn biến cơn lũ vào cuối năm 2009. Nếu như việc vận hành liên hồ chứa thủy điện không tốt, khả năng xảy ra “lũ chồng lũ” như năm 2009 là rất lớn.
Sau đợt mưa lũ vừa qua, nguy cơ lở núi, lở đất tại địa bàn miền núi tỉnh Nghệ An dễ xảy ra ở nhiều điểm ở huyện Con Cuông, Tương Dương. Ông Cụt Xuân Ninh, Chủ tịch UBND xã Xá Lượng cho biết, sau đợt mưa liên tục từ ngày 19 đến 21-9, tại núi Pù Căm xuất hiện nhiều vết nứt dài khoảng 1km kéo dài từ đỉnh xuống đến chân cầu treo Xốp Mạt, các điểm có độ sâu đo được từ 40-60cm. Huyện Tương Dương đang lên phương án di dời sớm 13 hộ dân ở những điểm nguy hiểm nhất ngay chân núi đi nơi khác. Sạt lở núi cũng đã xảy ra tại khu vực nhà máy thủy điện Bản Vẽ.
Tại tỉnh Hà Tĩnh, tình trạng ngập lụt cục bộ đối với một số xã nằm dọc sông Lam và vùng ngoài đê La Giang của huyện Đức Thọ, Nghi Xuân và thị xã Hồng Lĩnh. Chính quyền các địa phương huy động mọi nguồn lực, máy móc, lao động, thời gian, giúp nhân dân ra đồng khẩn trương thu hoạch các loại cây trồng vụ hè - thu chạy lũ. Công ty cổ phần Xây dựng giao thông Hà Thành (Hà Nội) đã về xã Đức Vĩnh, huyện Đức Thọ trao 60 triệu đồng giúp nhân dân khắc phục khó khăn. Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hà Tĩnh trao 60 phần quà và 100 thùng mì tôm ở xã Đức Quang…
Chiều 24-9, Trung tâm PCLB miền Trung – Tây Nguyên, cho biết: Đối với 2 tàu cá của Đà Nẵng ĐNa 66456 và Quảng Ngãi QNg 95478 gặp nạn trên biển đã được ứng cứu thành công.
- Quảng Ngãi: Đình chỉ 45 phương tiện ở các bến đò ngang
Chiều 24-9, Trung tá Nguyễn Văn Trình, Đội CSGT đường thủy (Công an tỉnh Quảng Ngãi), cho biết: Đã kiểm tra và tiến hành lập biên bản đình chỉ hoạt động 45 phương tiện thủy nội địa dùng vận chuyển hành khách ở các bến đò ngang. Các phương tiện này không đủ điều kiện hoạt động do không đảm bảo an toàn kỹ thuật, thiếu trang bị áo phao, phao cứu sinh, người lái đò không có chứng chỉ chuyên môn. Lực lượng chức năng sẽ tiếp tục công tác giám sát, kiểm tra các phương tiện thủy nội địa tham gia vận tải khách mùa mưa lũ.
Nhóm PV