Đó là yêu cầu bức thiết, tất yếu, mang tính chiến lược bền vững được xác định tại Hội thảo “liên kết vùng ĐBSCL trong tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cùng Bộ KH-ĐT tổ chức ngày 17-10, tại Cần Thơ.
Liên kết vùng chặt chẽ sẽ phát huy tối đa tiềm năng, nội lực của ĐBSCL - vùng nông thủy sản chủ lực quốc gia.
Liên kết yếu, triệt tiêu nội lực
Ông Nguyễn Phong Quang, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, cho biết: “Hàng năm, ĐBSCL đóng góp 20% GDP của cả nước, sản xuất hơn 50% tổng sản lượng lương thực, cung ứng 90% lượng gạo xuất khẩu, 70% sản lượng trái cây và 50% thủy sản… tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2013 của vùng đạt khá cao 9,06%, thu nhập bình quân đầu người 34,61 triệu đồng. 9 tháng đầu năm 2014, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn vùng ước đạt 8,5%”.
Tuy nhiên, báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị đã chỉ ra những tồn tại, yếu kém của vùng ĐBSCL như: tăng trưởng kinh tế thiếu vững chắc, tiềm năng và lợi thế của vùng chưa được khai thác đúng mức; kinh tế phát triển chủ yếu theo chiều rộng; kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ; giá trị sản xuất nông nghiệp thiếu ổn định và có nguy cơ thu hẹp diện tích do tác động của biến đổi khí hậu. Dù thời gian qua đã có nhiều chủ trương, chính sách lớn của Chính phủ dành cho vùng; nhiều dự án đầu tư trong và ngoài nước vào ĐBSCL nhưng kết quả còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu do thiếu liên kết giữa các địa phương trong vùng. Cơ chế chính sách, khuyến khích đầu tư và liên kết vùng còn nhiều hạn chế và chưa đồng bộ… làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của vùng.
Tiến sĩ Lê Viết Thái, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định: “Từ 5 năm trước, chúng ta đã xác định phải liên kết vùng ĐBSCL để phát triển. Nhưng thực trạng thời gian qua thế nào, thành tích chủ yếu chỉ mang tính hình thức chứ không phải nội dung. Từ đó dẫn đến chia cắt không gian kinh tế theo địa giới hành chính, cản trở phát huy nội lực của các địa phương và cả vùng ĐBSCL. Đến nay vẫn chưa có thể chế, quy chế, quy định về liên kết vùng ĐBSCL cũng như chưa có tổ chức nào chịu trách nhiệm về vấn đề này. Hiện các địa phương ký cam kết phối hợp với nhau, nhưng nếu không thực hiện chẳng có chế tài nào cả…”.
Xuất khẩu gạo vẫn là thế mạnh của ĐBSCL. Ảnh: Minh Trường
Các đại biểu nhìn nhận, chính vì liên kết yếu nên thời gian qua có sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các địa phương, “xé rào ưu đãi” dẫn đến việc đầu tư trùng lắp, dàn trải, nhỏ lẻ, manh mún giữa các địa phương trong vùng, đặc biệt là triệt tiêu tiềm năng, lợi thế, nội lực của nhau và của cả vùng.
Xác định động lực liên kết vùng
Theo tiến sĩ Lê Viết Thái, thời gian qua chúng ta chưa chú ý đến động lực liên kết vùng. Các địa phương phải có tài sản, lợi ích chung gì ở đó thì mới có động lực liên kết. Tiến sĩ Lê Viết Thái lấy ví dụ từ Trung ương vào vùng ĐBSCL hay một số tỉnh duyên hải miền Trung họp với lãnh đạo các địa phương đặt vấn đề xây dựng sân bay, cảng biển… cho vùng, thì nên làm thế nào phục vụ lợi ích chung. Làm như thế tất yếu sẽ không xảy ra tình trạng các tỉnh, thành trong vùng giành giật kéo dự án về làm của riêng cho địa phương mình.
Nông dân Đồng Tháp thu hoạch lúa bằng phương tiện cơ giới. Ảnh: HOÀNG DŨNG
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đặng Huy Đông cho rằng, nếu chúng ta có cơ chế và thực hiện liên kết tốt thì ĐBSCL hoàn toàn có khả năng tăng kim ngạch xuất khẩu từ 10 tỷ USD hiện nay lên 18 tỷ USD trong vòng 3 - 5 năm tới. Đặc biệt, trong đó, giá trị gia tăng nội địa rất lớn từ 50% - 60%, thu nhập, đời sống của người dân sẽ được cải thiện rõ nét…
Ông Nguyễn Phong Quang xác định: Muốn xây dựng được cơ chế chính sách trong liên kết vùng, yêu cầu đặt ra là các địa phương ở ĐBSCL phải xuất phát trên tinh thần tự nguyện, nhận thấy lợi ích của việc liên kết, lấy lợi ích chung, toàn vùng để xác định mục tiêu liên kết. Liên kết vùng phát huy lợi thế từng địa phương trong vùng và cả quốc gia. Các nội dung liên kết triển khai thực hiện đòi hỏi cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào cuộc…
|
BÌNH ĐẠI