Đồng bằng sông Cửu Long: Lũ vượt đỉnh lịch sử

* Cả nước có 15 người chết do mưa lũ
Đồng bằng sông Cửu Long: Lũ vượt đỉnh lịch sử

* Cả nước có 15 người chết do mưa lũ

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hiện nay lũ vùng đầu nguồn sông Cửu Long, Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên đang dao động ở mức đỉnh và ở mức lũ đặc biệt lớn, một số nơi đã vượt đỉnh lũ lịch sử.

  • Lũ còn diễn biến phức tạp

Mực nước cao nhất ngày 30-9 trên sông Tiền tại Tân Châu là 48,6 cao hơn báo động 3 là 0,36m; trên sông Hậu tại Châu Đốc là 4,24 cao hơn báo động 3 là 0,24m. Dự báo trong 1-2 ngày tới, lũ vùng đầu nguồn sông Cửu Long, Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên tiếp tục dao động ở mức đỉnh sau đó xuống dần và ở mức rất cao.

Đến ngày 5-10, mực nước cao nhất tại Tân Châu xuống mức 4,8m (trên báo động 3 là 0,3m), tại Châu Đốc xuống mức 4,2m (trên báo động 3 là 0,2m).

Chiều 1-10, theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đồng Tháp, nước lũ ở các huyện đầu nguồn của tỉnh tiếp tục lên từ 2 - 8cm/ngày, mực nước nhiều nơi vượt mức báo động 3 từ 0,20- 0,36m. Dự báo mực nước ở các khu vực vùng sâu Đồng Tháp Mười những ngày tới tiếp tục lên từ 2 - 6cm/ngày. Lũ lên cao và diễn biến phức tạp đã gây sạt lở nhiều nơi.

Tại ấp Hạ và ấp Tân Phú thuộc xã Tân Bình, huyện Thanh Bình vừa xảy ra lở đất chiều dài 55m, sâu vào bờ trên 15m; nhiều tuyến đường nhựa cũng bị lở nghiêm trọng. Nước lũ làm ngập trên 6.946km đường giao thông ở các huyện thị, gần 600m quốc lộ 30 bị nước tràn qua, 24 cây cầu bị hư hỏng; 5.565 căn nhà bị ngập nước, buộc phải di dời khẩn cấp 375 căn và tiếp tục di dời trong những ngày tới. Đến nay, đã 720ha lúa vụ 3 bị mất trắng, 24.102ha lúa còn lại đang bị lũ đe dọa; 365ha diện tích nuôi thủy sản bị thiệt hại, 1.874ha vườn cây ăn trái và hơn 924ha hoa màu ngập lũ.

Lũ gây ngập trên 5.565 căn nhà ở Đồng Tháp, nhiều hộ phải dời nhà chạy lũ. Ảnh: Phước Lợi

Lũ gây ngập trên 5.565 căn nhà ở Đồng Tháp, nhiều hộ phải dời nhà chạy lũ. Ảnh: Phước Lợi

Trước tình hình trên, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Đồng Tháp đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn khảo sát mức độ thiệt hại của các nông dân là khách hàng vay vốn, tùy vào trường hợp để có chính sách cơ cấu lại nợ, thực hiện gia hạn nợ và tiếp tục cho vay vốn sản xuất vụ tiếp theo. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo sở NN-PTNT rà soát, thống kê lại thiệt hại của người dân để đưa ra các chính sách hỗ trợ kịp thời cho những nông dân bị thiệt hại do mưa lũ. Theo đó, UBND tỉnh Đồng Tháp hỗ trợ 2 triệu đồng/ha theo Quyết định 142 của Chính Phủ.

Ngày 1-10, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng đã có chuyến khảo sát thực tế nhằm đánh giá những diện tích lúa thu đông bị thiệt hại do vỡ đê ở Đồng Tháp. Sau khi khảo sát, đánh giá tình hình, Thứ trưởng Bùi Bá Bổng cho rằng mức hỗ trợ như hiện nay là không đủ để người dân khôi phục sản xuất, chuẩn bị cho vụ đông xuân.

Đến nay, cường suất lũ đã giảm nhẹ so với hồi đầu tuần, tuy mực nước khu vực đầu nguồn tỉnh Đồng Tháp vẫn tiếp tục tăng mỗi ngày khoảng 4cm. Trong tình hình đó, UBND tỉnh đã huy động gần 3.700 người bao gồm các lực lượng bộ đội của Quân khu 9, bộ đội tỉnh, huyện, dân quân địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác gia cố đê bao bảo vệ lúa thu đông.

  • Tiếp tục gia cố đê bao

Sau khi nước lũ tràn qua đoạn km73, QL 30 (ấp 3, xã An Phong, huyện Thanh Bình) gây ngập cục bộ một số đoạn đường, lực lượng sửa chữa đường bộ đã khắc phục kịp thời. Hiện đoạn đường trên đã được tấn bao cát lên cao so với mặt lộ khoảng 50cm, cơ bản nước lũ không tràn qua.

Tại km 47 QL 30 (xã Phong Mỹ, huyện Cao Lãnh) sau khi nước lũ tràn vào ngập cục bộ, lực lượng sửa chữa đường bộ cũng đã nhanh chóng tấn bao cát khắc phục được sự cố và dùng máy bơm rút nước ra để người tham gia giao thông trên tuyến đường này được thuận tiện. Do nước lũ vỗ mạnh vào đoạn km110 + 750 thuộc QL 30 (ấp Công Tạo, xã Bình Phú, Tân Hồng) nên tại đây đã xảy ra sạt lở. Đoạn sạt lở có chiều dài 250m, sâu vô tới phần tráng nhựa 1,5m. Đến trưa ngày 1-10, Công ty TNHH MTV Quản lý và sửa chữa đường bộ 714 đã khắc phục được sự cố bằng cách tấn 7.000 bao cát chống sạt lở.

Nhà dân bị ngập ở vùng lũ giáp biên giới An Giang. Ảnh: Huy Phong

Nhà dân bị ngập ở vùng lũ giáp biên giới An Giang. Ảnh: Huy Phong

Đến thời điểm này, toàn tỉnh An Giang còn trên 11.000 căn nhà bị ảnh hưởng do lũ, phần lớn bị ngập và xiêu vẹo, một số cần phải di dời vào nơi an toàn. Nước lũ đầu nguồn cũng làm ảnh hưởng tới 24 điểm trường (gồm 70 lớp với 2.700 học sinh). Tuy nhiên mới có 5 điểm trường (600) học sinh phải tạm nghỉ học để tránh lũ. Các địa phương bố trí người, phương tiện đưa rước an toàn cho học sinh của 12 điểm trường trọng yếu, đường giao thông nông thôn bị ngập sâu.

Đến nay, tỉnh An Giang đã chi 37,5 tỷ đồng thực hiện các biện pháp chống lũ, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân, đặc biệt là bảo vệ 143.000 ha lúa thu đông và hoa màu. Bộ NN-PTNT đã quyết định chi hỗ trợ cho An Giang 60 tỷ đồng phục vụ chống lũ. Tuy nhiên, toàn tỉnh An Giang còn có khoảng 400km đê bao cần phải gia cố với tổng kinh phí lên đến 130 tỷ đồng…
 

Đỉnh lũ lịch sử tại đồng bằng sông Cửu Long đã làm 8 người chết, trong đó có 5 trẻ em. Tỉnh An Giang có 4 người chết (2 trẻ em), trong đó có 1 dân quân là anh Huỳnh Thanh Tùng – dân quân xã đội xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên. Các ngành chức năng đang xem xét, làm hồ sơ để phong liệt sĩ cho anh Huỳnh Thanh Tùng. Tỉnh Đồng Tháp có 1 trẻ em bị chết chưa xác định được danh tính, quê quán. Long An có 2 trẻ em bị chết. Thành phố Cần Thơ có 1 người chết đuối tại huyện Cờ Đỏ.

Trong khi đó, tính đến 19 giờ ngày 1-10, mưa lũ đã làm 4 người tại tỉnh Quảng Bình thiệt mạng. Tại TP Đồng Hới, cháu Nguyễn Quang Vinh (5 tuổi) bị lũ cuốn trôi. Tại huyện Bố Trạch, ông Phan Văn Gơn (44 tuổi) bị nước lũ cuốn khi đi đánh ghẹ trên thuyền nan. Tại huyện Quảng Trạch, anh Phạm Văn Toàn (39 tuổi) chết khi leo lên gia cố mái trường. Tại huyện Minh Hóa cháu Đinh Duy Ngọc (5 tuổi) bị nước cuốn trôi.

Đến 18 giờ 30 chiều 1-10, có khoảng 1.900 hộ dân thuộc 5 xã là Đức Giang, Ân Phú, Đức Lĩnh, Đức Bồng, Hương Thọ (huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh) đã bị nước lũ cô lập chia cắt hoàn toàn.

Xã Vĩnh Trung, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị vẫn đang tiếp tục giúp đỡ bà con nhân dân địa phương khắc phục hậu quả lốc xoáy gây thiệt hại rất nặng nề về người và tài sản. Có hai nạn nhân chết đuối giữa cánh đồng lúa ngập lũ tại thôn Tài Lương là cháu Nguyễn Đức Chung (lớp 6) và Nguyễn Quốc Trung (lớp 7), cùng học Trường THCS Triệu Tài, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

Trưa 1-10, ông Trịnh Đức Cư (50 tuổi, trú xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) trong khi hái cây đót trên đầm Cửa Lầy thì ghe của ông bị đứt dây và trôi ra giữa sông. Ông Cư lao vội xuống dòng nước đang chảy mạnh để cứu ghe nhưng do bị chuột rút nên bị chết đuối. Đến hơn 16 giờ chiều cùng ngày người dân đã tìm được xác ông Cư.

H.LỢI- B.ĐẠI


Lũ vùi Tân Hóa

Ông Cao Thanh Bình, Bí thư Đảng ủy xã Tân Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) thảng thốt: “Tưởng năm ni ông trời thương Tân Hóa không cho lũ về nhưng không ngờ, lũ vẫn to, nước vẫn chạm nóc, dân vẫn lên lèn đá ở”. Tuy nhiên, năm nay người dân cảnh giác hơn nên tránh được nhiều thiệt hại.

Đồng bằng sông Cửu Long: Lũ vượt đỉnh lịch sử ảnh 3

Nhiều nhà dân ở Tân Hóa hoàn toàn bị lũ vây gần chạm mái.
Ảnh: Minh Phong

Mưa lớn không dứt, rốn lũ Tân Hóa nước lên nhanh, tấn công 629 hộ dân. PV Báo SGGP đã vượt hàng trăm cây số lên với người dân Tân Hóa. Năm trước, vùng đất này cũng bị lũ lịch sử quần thảo gần một tháng. Cả nước theo dõi người dân Tân Hóa vật lộn với lũ. Ông Cao Xuân Lục, Chủ tịch UBND xã Tân Hóa nói: “Lũ lên to lắm, hơn 200 người dân đã di dời lên các mái đá”.

Chiếc ca nô của Công an huyện Minh Hóa làm nhiệm vụ đến với dân, giữa dòng nước bạc, nhà nào cũng chạy lũ thâu đêm, nay phờ phạc. Chị Thái Thị Thanh ở thôn Rí Rị nói: “Nước lên nhanh quá, đã chuẩn bị nhà phao rồi nhưng chạy thóc, ngô không kịp, ướt hết”. Nhà chị Thanh có 5 con trâu bò cũng chỉ tìm được hai, ba con còn lại hiện không rõ.

Trong khi đó, các hộ dân nhà ngập lút nóc đã bồng bế nhau theo thuyền độc mộc chạy lên Hung Cày ở Yên Thọ. Tại đây, hàng chục nhà lá đã dựng lên từ trước lũ, rút kinh nghiệm của trận lũ lịch sử, người dân Tân Hóa vừa làm nhà kiên cố để ở, vừa làm nhà lá cất trữ gạo, muối, ngô khoai và cả lửa trên các căn nhà đó để chạy lũ khi bị tập hậu bất ngờ.

Người dân Quảng Bình lao đao vì lũ lên nhanh. Ảnh: M.Phong

Người dân Quảng Bình lao đao vì lũ lên nhanh. Ảnh: M.Phong

Tiếp chúng tôi giữa dòng nước, Bí thư Đảng ủy xã Cao Thanh Bình nói: “Năm ni mưa thêm nữa chắc chắn tái diễn lũ lịch sử. Chừ đã lên chạm gác nhà hết cả xã rồi. May là trước lũ, người dân mày mò, nghĩ ra kiểu nhà bè, gắn các thùng nhựa với nhau, mỗi nhà bè kiên cố có giá 20 triệu đồng, vay từ ngân hàng chính sách. Cứ để đồ vào đó, lũ lên tới đâu nhà bè lên tới đó, dân đỡ khổ”. Hiện xã đã làm được gần 300 nhà bè, là kinh nghiệm xương máu từ trận lũ lịch sử của năm 2010.

Tuy nhiên với số tiền 20 triệu đồng, chỉ những gia đình có điều kiện mới kham nổi, gia đình nghèo khó kết các thanh gỗ lại rồi cho vật dụng lên đó, nhà cũng nổi theo lũ để bảo vệ tài sản.

Tân Hóa hiện vẫn mưa to, nước lên nhanh, nếu phương án lũ lịch sử lặp lại, theo ông Cao Thanh Bình, sẽ di dời toàn bộ dân lên các khu nhà lá đã dựng sẵn. Trên đó có đầy đủ lương thực cho gần một tuần, cả nước và lửa. Rời Tân Hóa, mưa vẫn rơi nặng, nước đục ngầu, 3.000 người dân quẫy vùng chống lũ, nhà nhà ngập nước sát nóc. 

NHÓM PV

- Thông tin liên quan:

>> Dời nhà chạy lũ

>> Chống chọi bão số 5, cứu lúa hè thu

>> Hậu Giang: Nước lũ tràn ngập vùng mía nguyên liệu

Tin cùng chuyên mục