Đồng bằng sông Cửu Long: Mưa là… lở!

Nỗi lo đầu nguồn lũ
Đồng bằng sông Cửu Long: Mưa là… lở!

Mực nước lũ đầu nguồn sông Cửu Long đang lên nhanh, cao hơn cùng thời điểm mùa lũ năm 2008 khoảng 40cm, kéo theo nguy cơ sạt lở đe dọa cuộc sống hàng ngàn hộ dân ven sông rạch, ảnh hưởng đến diện tích lúa, hoa màu của dân.

Nỗi lo đầu nguồn lũ

Ngay khi lũ vừa về, tình trạng sạt lở ở 4 xã cù lao (Thường Phước 1, Long Khánh A, Long Thuận và Long Thuận B) ở thượng nguồn sông Tiền thuộc huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp trở nên phức tạp. Hàng ngàn hộ dân sống ven sông nơm nớp lo sợ nhà cửa bị nước cuốn trôi, nhất là vào chiều tối có mưa. 2 tuần qua, xã Thường Phước 1 bị sạt lở với tổng chiều dài 4.000m, ăn sâu vào đất liền 2 - 3m. Tại xã Long Khánh A, trong 2 ngày 18 và 19-7 trên địa bàn ấp Long Phước liên tiếp xảy ra sạt lở, cuốn trôi 150m đường đất, ăn sâu vào đất liền 10m; 14 nhà dân bị ảnh hưởng phải di dời khẩn cấp.

Sạt lở nghiêm trọng tại các xã cù lao huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.

Sạt lở nghiêm trọng tại các xã cù lao huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.

Chúng tôi về xã Long Thuận ngay trong những ngày mưa dầm và lũ đầu nguồn lên nhanh. Con đường nhựa cũng là đê bao quanh xã nhiều đoạn bị cuốn phăng xuống sông. Chính quyền địa phương huy động lực lượng gia cố, làm đường tạm vào bên trong. Điểm sạt lở mới nhất tại ấp Long Thạnh xảy ra ngày 20-7, với chiều dài 70m, đe dọa cuộc sống 6 hộ dân.

Nghiêm trọng hơn tình trạng sạt lở cuốn trôi dãy nhà dân cặp mé sông Tiền, sạt lở luôn mặt lộ và đang đe dọa sự an toàn của Trường Tiểu học Long Thuận 1. Nông dân Đỗ Văn Thành nhà ở cạnh trường học cho biết: “Trước kia từ con đê ra tới bờ sông gần 100m và có cả dãy nhà, trụ sở ấp nhưng giờ tất cả trôi xuống sông. Gia đình tôi đến nay đã dời nhà 3 lần vì sạt lở. Giờ thì phải dời hẳn vào bên trong đê nhưng vẫn chưa thấy an toàn”.

Người dân gia cố đê bao trong vùng sạt lở xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.

Người dân gia cố đê bao trong vùng sạt lở xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.

Ông Cao Quý Bình, Chủ tịch UBND xã Long Thuận, cho biết: Toàn xã đang có 769 hộ dân đang sống trong vành đai sạt lở. Trong số này lo ngại nhất là 482 hộ đang ở trong khu vực có nguy cơ rất cao, nhưng có tới 278 hộ không còn đất để di dời. Trước mắt, đối với những hộ dân đã bị sạt lở nhưng không có đất di dời, UBND xã đứng ra vận động người dân lân cận cho mượn đất ở tạm và cam kết khi cụm tuyến dân cư hoàn thành sẽ đưa các hộ này vào.

An toàn tính mạng, tài sản cho dân

Ông Nguyễn Văn Buôn, Phó phòng Nông nghiệp huyện đầu nguồn lũ Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp cho biết: Hiện 8 công trình gia cố đê bao tại 6 xã có đê bao lửng đang gấp rút hoàn tất. Trước tình hình nước lũ đầu nguồn tại địa phương tăng 5 - 10cm/ngày, chúng tôi đã huy động 3 xáng cạp túc trực để bảo vệ các khu vực đê nguy hiểm.

Đến đầu mùa lũ này, 204 cụm tuyến dân cư vượt lũ ở Đồng Tháp đã hoàn chỉnh hạ tầng 99%, bố trí 35.982 trong tổng số 37.134 hộ thuộc diện di dời vào ở an toàn. Trong khi đó, tỉnh An Giang đã hoàn tất 100% cụm, tuyến dân cư vượt lũ giai đoạn 1, đưa gần 29.500 hộ dân vào sinh sống. Các địa phương khác như Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ … cũng đang gấp rút hoàn tất đưa 100% dân trong vùng ngập lũ vào cụm tuyến dân cư trước khi nước lũ tràn về.

Hiện tại, các địa phương trong vùng đang thực hiện giai đoạn 2 chương trình cụm tuyến dân cư để giải quyết chỗ ở cho 52.356 hộ vùng sạt lở và khu vực ngập lũ với tổng kinh phí đầu tư gần 2.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc thực hiện đang bị đình lại do nguồn vốn chậm phân bổ. Ông Lê Minh Châu, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Trước mắt, nếu xảy ra sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống nhiều hộ dân, tỉnh sẽ nhanh chóng đưa dân ở tạm tại các khu dân cư sẵn có của giai đoạn 1, sau đó sẽ bố trí sang các cụm tuyến dân cư giai đoạn 2”.

Sở NN-PTNT Đồng Tháp mở cổng trụ sở cho dân vào phơi lúa.

Sở NN-PTNT Đồng Tháp mở cổng trụ sở cho dân vào phơi lúa.

Các địa phương trong tỉnh cũng duy trì 67 điểm giữ trẻ bán trú tập trung ở nông thôn; tổ chức thêm 100 lớp nuôi giữ trẻ tạm thời, trông coi 3.000 cháu trong các tháng lũ lớn và chuẩn bị mở 440 lớp tập bơi cho 12.350 trẻ em. Đồng thời củng cố, thành lập hơn 400 đội cứu hộ cứu nạn. Trong số này có 180 đội cứu hộ cứu nạn xung yếu.

Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão An Giang xác định: Từ nay đến 31-10 là giai đoạn hiệp lực giữa các cấp, các ngành và nhân dân để đối phó khi có lũ lớn xảy ra. Nhiệm vụ trọng tâm là an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, bảo vệ sản xuất hè-thu, vụ 3, nuôi thủy sản, cơ sở hạ tầng, các dịch vụ sản xuất; tổ chức tốt các điểm giữ trẻ và đưa đón học sinh đến trường; không để dân bị thiếu ăn khi có thiên tai xảy ra. Các địa phương đầu nguồn lũ như (An Phú, Tân Châu, Phú Tân, Châu Đốc) đang quyết liệt gia cố đê bao, di dời dân vào nơi an toàn. Trong khi đó, khu vực miền núi (huyện Tri Tôn và Tịnh Biên) lên kế hoạch sơ tán dân trong khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, lở núi…

BÌNH ĐẠI 


 

Tin cùng chuyên mục