Đồng bằng sông Cửu Long thúc bách tái cơ cấu nông nghiệp

Nông dân ĐBSCL mỗi khi vào vụ thu hoạch lúa đều canh cánh nỗi lo tồn đọng, rớt giá. Trong khi đó, ngành nuôi, chế biến cá tra xuất khẩu cũng đang thăng trầm, mất dần thế “độc quyền”. Sản lượng trái cây lớn nhưng sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ... Rõ ràng, ngành hàng nông sản chủ lực của ĐBSCL đang trước áp lực đổi mới rất lớn để thích ứng với điều kiện cạnh tranh ngày càng gay gắt, hội nhập ngày càng sâu rộng.
Đồng bằng sông Cửu Long thúc bách tái cơ cấu nông nghiệp

Nông dân ĐBSCL mỗi khi vào vụ thu hoạch lúa đều canh cánh nỗi lo tồn đọng, rớt giá. Trong khi đó, ngành nuôi, chế biến cá tra xuất khẩu cũng đang thăng trầm, mất dần thế “độc quyền”. Sản lượng trái cây lớn nhưng sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ... Rõ ràng, ngành hàng nông sản chủ lực của ĐBSCL đang trước áp lực đổi mới rất lớn để thích ứng với điều kiện cạnh tranh ngày càng gay gắt, hội nhập ngày càng sâu rộng.

Sàng lọc ngành cá tra

Năm 2014, ngành nuôi và chế biến cá tra đứng thứ 2 về tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam với gần 1,8 tỷ USD. Sản phẩm cá tra Việt Nam hiện có mặt tại 150 quốc gia và vùng lãnh thổ; chiếm 90% sản lượng cá da trơn xuất khẩu của thế giới. Tuy nhiên thế độc quyền hiện không còn. Thái Lan, Indonesia đang là những đối thủ đầy tiềm năng. Rõ ràng ngành hàng này đang có nhiều khó khăn, đe dọa sự phát triển bền vững.

Phải nhìn nhận rằng, thời gian qua, ngành cá tra tăng trưởng nóng dẫn đến dư thừa rất lớn. Sản lượng cá tra tăng 10 lần, từ 120.000 tấn năm 2002 lên gần 1,3 triệu tấn như hiện nay. Diện tích tăng từ gần 1.000ha lên 6.000ha. Số lượng nhà máy chế biến cũng tăng lên gần 100 nhà máy, chưa kể số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu mặt hàng này có lúc lên 400-500 đơn vị. Do vậy khó tránh khỏi chuyện tranh mua - tranh bán, “đại hạ giá”? Hậu quả là giá bán sản phẩm liên tục xuống thấp, từ mức bình quân 3-4 USD/kg nhưng nhiều lúc xuống dưới 2 USD/kg; thậm chí có đơn vị chào bán 1,4 USD/kg. Hàng loạt doanh nghiệp sản xuất cầm chừng, phá sản, nông dân nuôi cá treo ao, lâm cảnh nợ nần...

Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chi nhánh Cần Thơ, kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam nhận định: “Chúng ta cần phải hỗ trợ những doanh nghiệp có khả năng tài chính tốt, kiểm soát được bộ máy, có thị trường vững chắc. Ngược lại, đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn đến mức không thể cải thiện được thì nên sáp nhập, mua bán, cho thuê để tận dụng hệ thống thiết bị có sẵn”.

Quan tâm đến vấn đề này, ông Lê Vĩnh Tân, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết: “Vấn đề quan trọng sắp tới là chúng ta phải tính đến chất lượng trên cơ sở phân khúc thị trường nhằm tránh tình trạng canh tranh của tất cả các doanh nghiệp đổ dồn vào một thị trường để hạ giá”.

Một số nông dân ở ĐBSCL nhanh nhạy sản xuất dưa hấu hồ lô dịp tết đạt hiệu quả cao.

Tăng cạnh tranh

Trong chuyến công tác đầu năm 2015 tại ĐBSCL, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát khẳng định: “Phải tập trung tổ chức lại sản xuất lúa gạo, tôm, cá, trái cây. Có biện pháp phát triển ngành chăn nuôi. Không thể bỏ trống thị trường ĐBSCL cho bò Úc, heo Mỹ, gà Thái Lan. Nông dân ĐBSCL có thể đạt trình độ quốc tế nếu không muốn vùng này trở thành thị trường tiêu thụ của thế giới!”.

Tái cơ cấu, quan trọng nhất là thay đổi cách tiếp cận. Vấn đề này, phải thừa nhận rằng một số địa phương còn lúng túng trong thay đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, cũng như một số giải pháp liên quan. Về lâu dài phải chú trọng phát triển bền vững, không chạy theo số lượng. “Do vậy điều chỉnh cơ cấu sản xuất lúa gạo, thủy sản, trái cây theo hướng không tăng sản lượng, cái chính là tăng tính cạnh tranh, nâng cao chất lượng, hiệu quả, tăng thu nhập cao cho nông dân” - bộ trưởng Cao Đức Phát nói.

Cụ thể như đối với ngành thủy sản, đặc biệt là con tôm, chúng ta đi trước các nước trong khu vực về việc kéo giảm tối đa tình hình dịch bệnh, đầu tư mạnh cho hạ tầng. Nhờ vậy, năm 2014, sản lượng tôm nuôi tăng hơn 70.000 tấn, tính giá bình quân 150.000 đồng/kg giúp giá trị tôm tăng thêm tương đương 2,5 triệu tấn lúa. Đối với trái cây thì nhiều thị trường mới, khó tính được mở ra. Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu trái cây đạt hơn 1 tỷ USD, tạo cú hích thật sự để phát huy lợi thế trên lĩnh vực này tại ĐBSCL. Ngoài ra, ĐBSCL có thể phát huy ngành chăn nuôi gia cầm, đặc biệt có đàn vịt lớn thứ 2 thế giới (sau Trung Quốc). Tất nhiên không thể thả đồng, chạy rong mà nuôi theo hình thức tập trung, công nghiệp.

Trong khi đó, diện tích cách đồng lớn ở ĐBSCL năm vừa qua tại ĐBSCL đạt 245.000ha là một kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, so với 4 triệu ha đất trồng lúa của ĐBSCL/năm thì con số này còn quá nhỏ bé. Theo người đứng đầu ngành nông nghiệp, đối với lúa gạo, phải tập trung đầu tư, tổ chức lại sản xuất có doanh nghiệp làm đầu mối dẫn dắt; thúc đẩy chuyển giao khoa học kỹ thuật, chú trọng chất lượng cao để bán giá trị cao, mang lại hiệu quả cao. Ví dụ như chọn giống lúa bán 7.000 đồng/kg trong điều kiện hiện nay…

Trong chuyến thăm và làm việc tại ĐBSCL vừa qua, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã phát biểu: “ĐBSCL có sản lượng lúa từ 4,2 triệu tấn lên 25 triệu tấn là thành quả lớn của nông dân. Trong chuyến công tác vừa rồi, nhiều nông dân nói với tôi rằng nếu như giá cả ổn định, thị trường tốt thì chất lượng, sản lượng còn tăng nữa. Lỗi này chính của chúng tôi chứ không phải của nông dân. Nặng nợ với nông dân phải tìm cách trả… Việc phải làm đối với ĐBSCL năm 2015 lớn nhất là tái cấu trúc nền kinh tế nói chung, đặc biệt là nông nghiệp lúa - cá - trái cây. Cần quyết liệt cụ thể hơn, giá trị giá tăng khác hơn, thu nhập vào túi nông dân nhiều hơn trước. Khó khăn trước mắt thôi thúc phải tiến bộ mạnh lên, đặc biệt hiệu quả. Chuẩn bị hành trang hội nhập thật chu đáo để chúng ta thắng sân nhà và ra sân người”.

BÌNH ĐẠI

Tin cùng chuyên mục