Đồng bằng sông Cửu Long: “Thủy thần” nuốt đất!

Đang là mùa khô, mực nước ở các sông đều thấp nhưng tình hình sạt lở vẫn xảy ra trên diện rộng ở các tỉnh ĐBSCL. Đây là một nghịch lý đáng báo động.
Đồng bằng sông Cửu Long: “Thủy thần” nuốt đất!

Đang là mùa khô, mực nước ở các sông đều thấp nhưng tình hình sạt lở vẫn xảy ra trên diện rộng ở các tỉnh ĐBSCL. Đây là một nghịch lý đáng báo động.

Sạt lở... tràn lan

Chưa hết bàng hoàng trước vụ sạt lở xảy ra hôm 27- 2 vừa qua, hiện hàng trăm hộ dân sống ven quốc lộ 91, đoạn đi qua ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ (Châu Phú, An Giang) đang phập phồng lo lắng khi xuất hiện nhiều vết nứt chạy dài trên mặt quốc lộ.

Nước sông “cạp” gần hết mặt đường quốc lộ 91, đoạn đi qua xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú tỉnh An Giang.

Nước sông “cạp” gần hết mặt đường quốc lộ 91, đoạn đi qua xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú tỉnh An Giang.

Theo UBND xã Bình Mỹ, sạt lở ngày càng nghiêm trọng và có thể xảy ra bất cứ lúc nào, đe dọa đến nhà cửa, đất đai và tính mạng của nhiều người dân. Vụ sạt lở vừa qua được xem là nghiêm trọng đầu tiên xảy ra trên tuyến quốc lộ 91, với chiều ngang từ bờ sông ăn sâu vào mặt lộ gần 20m và chiều dài lở trên 100m; nhấn chìm 2 căn nhà.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt, sống gần khu vực sạt lở cho biết: “Sau hôm sạt lở bên phía bờ sông đã thấy trước hiên nhà mình xuất hiện vết nứt nhỏ và càng ngày càng lớn hơn. Bên phía bờ bị lở, lâu lâu từng mảng đất lại đổ ầm xuống sông, khiến ai cũng rùng mình”.

Hiện tại, quốc lộ 91 đã bị sạt lở sâu vào 7,4m, chiếm gần 2/3 mặt đường. Là tuyến đường huyết mạch từ Long Xuyên lên biên giới qua thị xã Châu Đốc, huyện An Phú, Tịnh Biên… lưu lượng xe qua lại rất đông, nhất là lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam đang vào mùa, do đó việc lưu thông qua lại khu vực này khá khó khăn.

Công ty CP Đầu tư xây dựng công trình giao thông 73, đơn vị quản lý tuyến quốc lộ này đang phối hợp cùng địa phương giải toả hàng chục lều quán, cột điện, đất đai của các hộ dân (phía đối diện bên bị lở) để mở thêm một làn xe, tránh ách tắc giao thông.

Tại TP Cần Thơ, vụ sạt lở đường dẫn cầu Trà Niềng (huyện Phong Điền), vào đầu tháng 3-2010 gây hậu quả nghiêm trọng khi nhấn chìm toàn bộ đoạn đường dẫn dài khoảng 50m, 2 căn nhà và làm 2 người thiệt mạng. Sạt lở gây gián đoạn giao thông tuyến tỉnh lộ 923; đến nay, toàn bộ phương tiện qua lại tuyến đường phải đi phà.
 
Tình trạng sạt lở đất cũng đang đe dọa hàng ngàn hộ dân ở các huyện nằm cặp sông Tiền thuộc tỉnh Đồng Tháp. Những vụ sạt lở gần đây xảy ra ở xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự cuốn trôi trên 300m chiều dài bờ sông và ăn sâu vào đất liền có nơi lên đến 20m, làm nhiều căn nhà bị nứt tường, nứt nền.

Tại xã cù lao An Hiệp (Châu Thành) mỗi ngày lại có khoảng vài mét đất sát bờ sông bị cuốn trôi. Khu vực này hiện có hơn 60 hộ dân nằm trong vành đai sạt lở nguy hiểm chưa di dời. Từ cuối tháng 9-2009 đến nay, tại các ấp An Hòa, Tân Thạnh, xã An Hiệp sạt lở đã cuốn trôi khoảng 4,5ha đất bờ sông, gây thiệt hại 4 ao nuôi cá tra làm thất thoát gần 300 tấn cá, tổng thiệt hại trên 5 tỷ đồng và buộc 45 hộ dân sống tại đây phải di dời khẩn cấp.

Nước đến chân mới nhảy

Trước nguy cơ sạt lở lan rộng, Sở Tài nguyên - Môi trường An Giang đã khảo sát 49 đoạn sông trên địa bàn tỉnh. Kết quả cho thấy có đến 42 đoạn sông báo động sạt lở ở mức nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm. Trong đó, trên tuyến sông Tiền, sông Hậu chảy qua địa bàn An Giang có 39 điểm sạt lở nguy hiểm, có nơi sạt lở sâu vào đất liền lên đến 50m/năm.

Tại Tiền Giang, dọc theo kênh Chợ Gạo, tuyến đường thủy huyết mạch từ nối các tỉnh ĐBSCL với TPHCM cũng xuất hiện hàng trăm điểm sạt lở với tổng chiều dài lên đến trên 20km, đe dọa đất đai, nhà ở của nhiều hộ dân sống ven kênh. Trên tuyến sông Tiền chảy qua địa phận tỉnh Đồng Tháp có trên 35 điểm sạt lở. Ngành thủy lợi Đồng Tháp lo ngại, từ nay đến khi mùa lũ về dự kiến phải di dời gần 2.000 hộ sống trong vùng sạt lở nguy hiểm.
 
Cùng đối phó với sạt lở, việc di dời các hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở tại các địa phương ĐBSCL cũng rất khó khăn. Chỉ tính riêng 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp, hiện số hộ dân cần di dời trong thời gian tới lên đến hàng chục ngàn hộ. Tình hình khẩn cấp, nhưng việc di dời dân ở hầu hết các tỉnh ĐBSCL diễn ra chậm chạp. Thông thường khi xảy ra sự cố sạt lở nghiêm trọng thì các ngành chức năng mới vào cuộc.

Giải thích việc này, ông Nguyễn Thanh Long, Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng công trình giao thông 73, thừa nhận: “Sự cố sạt lở ở xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú khá bất ngờ. Trước đó chúng tôi có khảo sát và làm việc với địa phương yêu cầu cho di dời các hộ dân sống trong vùng sạt lở trên, nhưng chưa kịp thì sự cố xảy ra”.

Chị Huỳnh Thị Bích Ly, ngụ xã Bình Mỹ, 1 trong 2 hộ dân vừa mất nhà do sạt lở lại than rằng: “Đã nhiều lần nghe chính quyền nói di dời dân đi chỗ khác để tránh sạt lở, nhưng nghe rồi lại để đó. Gia đình ở đây lâu năm rồi nên cứ ở vậy thôi, dù biết cũng nguy hiểm cũng đành chịu bởi chẳng biết di dời đi đâu”.
 
Nguy cấp là vậy nhưng việc đối phó với sạt lở rất thụ động. Lãnh đạo các sở NN-PTNT ở ĐBSCL thừa nhận, chỉ có phương pháp kè kiên cố mới có tác dụng hạn chế sạt lở, nhưng triển khai việc này rất tốn kém, không thể kè đại trà mà chủ yếu kè khu vực đô thị đông dân cư.

Đối với hàng trăm điểm sạt lở khác ở ĐBSCL, giải pháp duy nhất hiện nay là “lở đến đâu chạy đến đó”, “nhưng chạy đi đâu và chạy đến bao giờ?” - là câu hỏi chưa có lời giải.

ĐÌNH TUYỂN

Tin cùng chuyên mục