Đồng bộ hướng tới một “Việt Nam số”

Với lễ khai trương Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia; Trung tâm thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và công bố dịch vụ công trực tuyến thứ 1.000 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia ngày 19-8, một lần nữa, Chính phủ thể hiện quyết tâm đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến, xây dựng chính phủ số.

Lợi ích của dịch vụ công trực tuyến thể hiện rất rõ qua việc dịch vụ công thứ 1.000 đã được tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia sau hơn 8 tháng vận hành cổng (ban đầu chỉ cung cấp 8 dịch vụ công). Dịch vụ công mới nhất này là cấp đăng ký, biển số ô tô trực tuyến với số lượng tuân thủ khoảng hơn 4 triệu ô tô, xe máy một năm.

Những công dân đầu tiên thực hiện thành công dịch vụ công thứ 1.000 cho biết rất bất ngờ bởi thủ tục đơn giản và quá thuận lợi cho người dân. Thay vì mất nhiều thời gian đến cơ quan thuế nộp thuế và cơ quan công an để đăng ký xe thì việc đăng ký, cấp biển số xe trực tuyến sẽ chỉ mất 2 phút đối với kê khai, nộp lệ phí trước bạ và 3 phút với đăng ký xe.

Có được điều này là nhờ lần đầu tiên có cơ sở dữ liệu dùng chung giữa các bộ ngành được tích hợp lên cổng. Người dân chỉ cần kê khai một lần và dùng chung dữ liệu. Theo Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), trước kia cần 6 loại giấy tờ thì hiện nay nhờ dữ liệu điện tử chỉ còn 2 loại giấy tờ. Cục Cảnh sát giao thông sẽ tiến tới điện tử hóa toàn bộ quy trình đăng ký xe, phấn đấu xe ra khỏi gara đã có biển số. Người dân chỉ cần một lần đến cơ quan nhà nước để bấm biển, nhận biển số. Với việc áp dụng thí điểm tại Hà Nội, TPHCM, ước tính sẽ tiết kiệm khoảng hơn 327 tỷ đồng/năm.

Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia đi vào hoạt động cũng như Cổng Dịch vụ công quốc gia sẽ góp phần làm thay đổi phương thức quản lý, chỉ đạo, điều hành từ phương thức thủ công, giấy tờ chuyển sang ứng dụng công nghệ thông tin, dữ liệu số. Cổng Dịch vụ công quốc gia là kênh giao tiếp điện tử giữa người dân, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước; là môi trường điện tử để người dân, doanh nghiệp tương tác với Chính phủ. Cùng với đó, hàng loạt hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp đã được Chính phủ kích hoạt thời gian qua như Trục liên thông văn bản quốc gia, Hệ thống thông tin họp và xử lý công việc của Chính phủ… Dù chỉ mới đưa vào vận hành từ tháng 3, nhưng Cổng Dịch vụ công quốc gia đã xử lý gần 7.000 giao dịch thanh toán trực tuyến, ngày càng có nhiều dịch vụ công được giao dịch trực tuyến hơn. Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công ước tính hơn 13.000 tỷ đồng/năm, trong đó, cổng đóng góp trên 6.700 tỷ đồng/năm. 

Xây dựng và phát triển chính phủ số là xu thế tất yếu, nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch, đẩy lùi nạn tham nhũng, lãng phí, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh… Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định một cách mạnh mẽ năm 2020 là năm chuyển đổi số quốc gia, là năm khởi động tiến trình hướng tới một “Việt Nam số”. Như vậy, Chính phủ đã chuyển động rất mạnh mẽ và đòi hỏi các bộ ngành, địa phương phải chuyển động theo. 

Muốn đồng bộ, các bộ ngành, địa phương phải thúc đẩy mạnh mẽ việc cán bộ, công chức làm việc trên môi trường mạng, cùng với đó tập trung đào tạo, nâng cao năng lực công nghệ thông tin, trang bị kỹ năng số cần thiết để có những thay đổi nhanh chóng trong việc cung cấp dịch vục công trực tuyến. Không thể để tình trạng “Việt Nam số” chỉ nằm trên lý thuyết, khiến doanh nghiệp, người dân vẫn gặp khó khăn, phiền hà khi tiến hành các giao dịch công trên môi trường mạng. Cổng Dịch vụ công quốc gia cũng cần tiếp tục tích hợp các dịch vụ công thiết yếu như: xuất nhập khẩu, đất đai, xây dựng, khoáng sản, thuế, xử lý vi phạm hành chính, viện phí, học phí…, song song đó tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện các tính năng của cổng để bảo đảm phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Tin cùng chuyên mục