LTS: Ngày 17-11, tại TPHCM, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy Vĩnh Long phối hợp với Thành ủy TPHCM tổ chức hội thảo khoa học “Đồng chí Võ Văn Kiệt với cách mạng Việt Nam” nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh đồng chí Võ Văn Kiệt (1922 - 2012). Tại hội thảo, đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, có bài tham luận bày tỏ lòng ngưỡng mộ, kính trọng và không bao giờ quên ơn trước những đóng góp to lớn của đồng chí Võ Văn Kiệt trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, trong đó nêu rõ: “Đó là một trong những người lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta - thời chiến cũng như thời bình, luôn có mặt nơi “đầu sóng ngọn gió”, “đứng mũi chịu sào”, luôn tìm tòi cái MỚI, năng động, sáng tạo trong tư duy và hành động nhằm giải nguy trước những khúc quanh của lịch sử...Thế hệ chúng ta hôm nay luôn luôn ghi tạc công lao to lớn của đồng chí và không bao giờ phụ lòng tin của đồng chí, của các thế hệ lãnh đạo tiền bối, của nhân dân”.
Trong bài tham luận, đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM đã nêu bật tinh thần vì dân, một lòng vì dân của đồng chí Sáu Dân: “Có lần họp với lãnh đạo các tỉnh Tây Nam bộ bàn về giá mua lúa, nếu theo giá chỉ đạo của Chính phủ thì không mua được để kịp xuống giống cho kịp thời vụ, năm sau dân sẽ thiếu đói trầm trọng hơn. Đồng chí Võ Văn Kiệt nói: Một là để dân đói, các đồng chí giữ nguyên chức vụ; hai là dân no, các đồng chí mất chức. Chọn cái nào? Vậy là các đồng chí chọn cách thứ hai”.
Báo SGGP trân trọng giới thiệu bạn đọc bài tham luận của đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM.
Có một con người được sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở vùng châu thổ sông Cửu Long, đã dấn thân vào con đường cách mạng từ thời niên thiếu, mang bí danh đầu tiên là Năm Lục Lạc, được kết nạp vào Đảng khi mới tuổi mười bảy (năm 1939). Tên tuổi của đồng chí (với nhiều bí danh khác nhau) gắn liền cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940 tại quê nhà, trong Cách mạng Tháng Tám 1945, trong kháng chiến chống thực dân đế quốc xâm lược nước ta trên chiến trường Tây Nam bộ. Từ cuối thập niên năm mươi của thế kỷ trước, Đảng bộ và nhân dân Sài Gòn Gia Định - Thành phố Hồ Chí Minh đã biết đồng chí, luôn ngưỡng mộ, kính trọng và không bao giờ quên ơn đồng chí với tên gọi Sáu Dân, Chín Dũng - Võ Văn Kiệt.
Đó là một chiến sĩ cộng sản kiên trung, tài đức, một nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, đã trọn đời vì độc lập dân tộc, vì ấm no hạnh phúc của nhân dân, vì sự phồn vinh của đất nước; là một chính khách được bạn bè quốc tế quý trọng. Đó là một trong những người lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta - thời chiến cũng như thời bình, luôn có mặt nơi “đầu sóng ngọn gió”, “đứng mũi chịu sào”, luôn tìm tòi cái MỚI, năng động, sáng tạo trong tư duy và hành động nhằm giải nguy trước những khúc quanh của lịch sử.
Cuối năm 1959, giữa lúc Ngô Đình Diệm điên cuồng “tố cộng, diệt cộng”, ban hành “Luật 10/59” dìm cách mạng miền Nam trong biển máu, đồng chí Sáu Dân đang là Xứ ủy viên, Phó Bí thư liên tỉnh ủy miền Tây được Xứ ủy điều động về làm Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn trong lúc Đảng bộ Sài Gòn - Chợ Lớn và Gia Định chịu đựng nhiều tổn thất nặng nề, đang gặp vô vàn khó khăn tưởng chừng như bế tắc (1).
Trong thời điểm này, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 của Trung ương ra đời như một làn gió mới thổi đến đang khơi dậy những tiềm năng cách mạng. Trước tình thế đó, đồng chí Sáu Dân đã khẩn trương móc nối với số đảng viên còn lại, tiến hành ráo riết công tác giáo dục chính trị tư tưởng, sắp xếp tổ chức; đào tạo gấp những cán bộ cốt cán để gầy dựng lại cơ sở cách mạng. Đồng thời, đồng chí kiến nghị với Xứ ủy và được Xứ ủy đồng ý sáp nhập Đảng bộ Khu Sài Gòn - Chợ Lớn và Đảng bộ Gia Định thành Đảng bộ Khu Sài Gòn - Gia Định (mật danh T4). Kể từ đây, tên tuổi của đồng chí Sáu Dân - Võ Văn Kiệt gắn liền với Đảng bộ và nhân dân Sài Gòn Gia Định - Thành phố Hồ Chí Minh.
Sau khi hợp nhất, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Bí thư Xứ ủy Nam bộ Nguyễn Văn Linh, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định họp Hội nghị (mở rộng) để sắp xếp tổ chức, ra Nghị quyết về nhiệm vụ công tác cho toàn Khu (2); chuẩn bị kế hoạch đồng khởi ở nông thôn Gia Định.
Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Khu ủy năm 1960, đồng chí Sáu Dân cùng Khu ủy Sài Gòn - Gia Định chú trọng chỉ đạo về công tác tổ chức, cán bộ, khôi phục cơ sở, xây dựng tổ chức lực lượng cách mạng, như: thành lập Ban quân sự, Ban an ninh khu, lập Ban cán sự đảng ở từng khu vực nội thành (như quận 1 và quận 3 thành 1 khu vực,…), Ban cán sự đảng từng giới gọi là “Cánh”, như Cánh Công vận, Cánh Phụ vận, Cánh Trí vận,… đào tạo và thành lập Ban Thanh vận, tổ chức và thử nghiệm hoạt động võ trang trong nội thành để phát triển thành lực lượng biệt động Sài Gòn, xây dựng và hình thành mạng liên lạc Cơ yếu - Điện đài để phục vụ việc chuyển đạt nội dung các báo cáo, chủ trương, chỉ đạo,… giữa Khu ủy với Xứ ủy được nhanh chóng, chính xác, bí mật, kịp thời, v.v...
Dưới sự lãnh đạo của Khu ủy và đồng chí Bí thư Sáu Dân, phong trào đồng khởi ở nông thôn Gia Định và phong trào đấu tranh chính trị kết hợp với hoạt động võ trang ở nội thành không ngừng phát triển mạnh mẽ, đã làm cho địch bị mất ổn định thường xuyên ngay tại sào huyệt đầu não của chúng. Trong một tài liệu mật, Bộ Quốc phòng Mỹ nhận định “đến cuối năm 1960, toàn bộ nông thôn Nam và Tây Nam Sài Gòn cùng một số vùng phía Bắc, cộng sản đã kiểm soát và bao vây Sài Gòn”. Các phong trào cách mạng lúc bấy giờ đã thực sự dồn địch vào tình trạng khủng hoảng, dẫn đến cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm ngày 11 tháng 11 năm 1960.
Để góp phần đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ, từ năm 1961, Đảng bộ Sài Gòn - Gia Định được bổ sung, tăng cường, củng cố, phát triển lực lượng ở cả nội thành và ngoại thành; thành lập Quân khu Sài Gòn - Gia Định. Trong lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy, đồng chí Sáu Dân cùng Khu ủy, Quân khu đã thể hiện ý chí quyết tâm đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của địch, mà chúng mở đầu bằng kế hoạch “Staley - Taylor” hòng bình định miền Nam trong 18 tháng, cốt lõi là lập các khu “ấp chiến lược”. Đồng chí Bí thư cùng Khu ủy, Quân khu tập trung chỉ đạo, dấy lên các phong trào chống phá “ấp chiến lược”.
Qua quá trình chỉ đạo, đồng chí đã cùng Thường vụ Khu ủy tổ chức kiểm điểm, đánh giá kết quả và đề ra chủ trương, biện pháp chống phá “ấp chiến lược” toàn diện hơn, với tinh thần quyết tâm bám dân, bám đất, kết hợp 3 mũi giáp công, kết hợp trong và ngoài; xem đây là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài; phải chấp nhận giằng co liên tục và quyết liệt với địch; phải kết hợp các mũi chính trị, võ trang, binh vận; kết hợp các hình thức đấu tranh hợp pháp, nửa hợp pháp và không hợp pháp; kết hợp nông thôn và đô thị, vùng ta và vùng địch. Chống phá “ấp chiến lược” quả là một quá trình giằng co quyết liệt giữa ta và địch: địch xây, ta phá, địch lại xây, ta tiếp tục phá, kiên trì phá. Cuối năm 1963, cái gọi là “quốc sách ấp chiến lược” của Mỹ - Diệm về cơ bản đã thất bại.
Song song đó, Khu ủy chỉ đạo các phong trào phát triển thành cao trào đấu tranh của nhân dân nội thành, trong đó có phong trào đấu tranh của đồng bào Phật giáo mà nổi bật là sự kiện Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu tháng 6 năm 1963. Cùng với cao trào đấu tranh của nhân dân nội thành, phong trào đấu tranh của Phật giáo Sài Gòn đã góp phần quan trọng dẫn đến cuộc đảo chính lật đổ Ngô Đình Diệm ngày 1 tháng 11 năm 1963.
Sau khi Ngô Đình Diệm bị lật đổ, địch lâm vào khủng hoảng. Ta chủ trương đẩy mạnh tiến công tạo thời cơ giành thắng lợi quyết định. Từ tháng 1 năm 1964 đến đầu 1965, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định mở các hội nghị để đánh giá tình hình, đề ra phương hướng nhiệm vụ tới, như Hội nghị quân sự, Hội nghị bàn về xây dựng thực lực cách mạng và chỉ đạo các cơ sở đẩy mạnh các phong trào đấu tranh nhân tình hình địch đang suy yếu và mâu thuẫn kéo dài; tổ chức rút kinh nghiệm về phong trào đấu tranh chính trị và phát triển cơ sở,... Tháng 4 năm 1965, Trung ương Cục quyết định tăng số lượng cấp ủy viên Khu Sài Gòn - Gia Định từ 13 lên 31 đồng chí, do đồng chí Bí thư Xứ ủy Nguyễn Văn Linh kiêm Bí thư Khu ủy. Đến giữa 1965, chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ thất bại hoàn toàn, buộc chúng phải chuyển sang chiến lược “chiến tranh cục bộ”.
Cuối năm 1965, đồng chí Nguyễn Văn Linh về Trung ương Cục, đồng chí Sáu Dân đảm nhiệm lại Bí thư Khu ủy kiêm Chính ủy Quân khu Sài Gòn - Gia Định. Tháng 4 năm 1966, dưới sự chủ trì của đồng chí Sáu Dân, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định họp để đánh giá tình hình nông thôn, đô thị năm 1965, đề ra Nghị quyết công tác cho Đảng bộ trong 2 năm 1966 - 1967, với quyết tâm đưa lên cao trào toàn dân chống Mỹ, góp phần đánh bại “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ theo tiêu chí “giặc Mỹ vào càng đông, diệt giặc Mỹ càng nhiều, giành thắng lợi càng lớn”.
Với vai trò Bí thư Khu ủy kiêm Chính ủy Quân khu, đồng chí Sáu Dân - Chín Dũng đã cùng Khu ủy - Quân khu ra những nghị quyết, chỉ thị lãnh đạo toàn Đảng bộ, toàn quân, toàn dân Sài Gòn - Gia Định quyết tâm đánh bại ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ và đã trở thành các phong trào “tìm Mỹ mà diệt”, “tìm ngụy mà đánh”; đẩy mạnh thi đua đạt danh hiệu “dũng sĩ diệt Mỹ”; thiết lập “vành đai diệt Mỹ” ở Nam Củ Chi,… Sau thắng lợi mùa khô 1965 - 1966, làm thất bại cuộc hành quân Crim với “chiến dịch 5 mũi tên” của địch trên chiến trường Củ Chi, đồng chí Bí thư Khu ủy - Chính ủy Quân khu đã chủ trì Hội nghị tổng kết chiến tranh nhân dân và phong trào thi đua diệt giặc Mỹ.
Hội nghị đã rút ra 10 kết luận về khả năng đánh Mỹ, không chỉ cho Sài Gòn - Gia Định mà còn được phổ biến rộng khắp miền Nam (3). Mười kết luận đó trở thành nội dung cụ thể của công tác tư tưởng, công tác tổ chức và chỉ đạo chiến đấu của Đảng bộ. Từ đó, tạo khí thế mới dấy lên cao trào chống Mỹ trong toàn Đảng bộ và chiến trường Sài Gòn - Gia Định. Đó là cao trào đấu tranh chính trị kết hợp với hoạt động võ trang ở nội thành và ngoại thành, đánh địch dưới nước của bộ đội Rừng Sác, đánh bại cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ hai (1966 - 1967), bẻ gãy 2 gọng kềm “tìm diệt” và “bình định” của đế quốc Mỹ trên chiến trường Gia Định và vùng tiếp giáp. Từ đây Củ Chi được tôn vinh là “Đất thép Thành Đồng”.
Cuối tháng 10 năm 1967, Hội nghị Trung ương Cục miền Nam họp và ra Nghị quyết về tiến hành tổng công kích - tổng khởi nghĩa (Nghị quyết Quang Trung). Thực hiện “Nghị quyết Quang Trung”, Khu trọng điểm được thành lập bao gồm Khu Sài Gòn - Gia Định và một phần đất của các tỉnh tiếp giáp với Sài Gòn (tạm thời giải thể Khu Sài Gòn - Gia Định). Khu trọng điểm gồm 6 phân khu, đặt dưới sự lãnh đạo của một Đảng ủy gồm các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Trần Văn Trà và hình thành 2 Bộ Tư lệnh Tiền phương Bắc (I) và Nam (II). Đồng chí Sáu Dân - Võ Văn Kiệt làm “Tư lệnh Bộ Tư lệnh tiền phương II”.
Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 ở Khu trọng điểm, đồng chí Sáu Dân - Võ Văn Kiệt với tư cách người đứng đầu Bộ Tư lệnh Tiền phương II (Nam Sài Gòn) đã cùng Đảng ủy Khu trọng điểm và Bộ Tư lệnh Tiền phương lãnh đạo, chỉ huy đánh vào những mục tiêu chiến lược hàng đầu của địch, góp phần đánh bại ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh và đàm phán với ta ở Paris.
Tháng 8 năm 1968, Trung ương Cục quyết định thành lập lại Thành ủy Sài Gòn - Gia Định và cử đồng chí Sáu Dân tiếp tục làm Bí thư Thành ủy. Từ sau đợt II Tết Mậu thân đến đầu 1970, Đảng bộ Sài Gòn - Gia Định bị tổn thất và gặp rất nhiều khó khăn. Đồng chí Bí thư Thành ủy Sáu Dân thêm một lần nữa phải đương đầu với những khó khăn thử thách mới. Thành ủy Sài Gòn - Gia Định (mật danh là Bình Giã) sau 3 lần hội nghị và ra các nghị quyết Bình Giã I, Bình Giã II, Bình Giã III, Hội nghị Bình Giã IV (tháng 5 năm 1970) đã kiểm điểm tình hình từ tháng 8 năm 1969 đến tháng 5 năm 1970 và đề ra nhiệm vụ chính trị chung là: duy trì và đẩy mạnh thế tiến công địch, ra sức xây dựng về mọi mặt, bảo đảm giành thắng lợi vững chắc trong cuộc đấu tranh lâu dài giữa ta và địch ở đô thị, đồng thời sẵn sàng khai thác mọi thời cơ đột biến, góp phần đánh bại âm mưu “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ.
Đầu tháng 1 năm 1971, đồng chí Sáu Dân - Võ Văn Kiệt được Trung ương Cục điều động về làm Bí thư Khu ủy Tây Nam bộ. Sau 2 năm rưỡi làm Bí thư Khu ủy Tây Nam bộ, đồng chí được điều động về làm Thường trực Trung ương Cục.
Ngày 8 tháng 4 năm 1975, Bộ Chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định được thành lập, sau đó được vinh dự mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh gồm 12 đồng chí, trong đó có đồng chí Võ Văn Kiệt, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục được phân công phụ trách công tác tiếp quản sau giải phóng.
Chiến thắng vĩ đại của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã đưa thành phố Sài Gòn - Gia Định bước vào thời kỳ mới. Ngày 24 tháng 1 năm 1976, Ủy ban quân quản Sài Gòn - Gia Định làm lễ bàn giao cho Ủy ban nhân dân cách mạng thành phố, do đồng chí Võ Văn Kiệt làm Chủ tịch. Ngày 25 tháng 6 năm 1976, thành phố Sài Gòn - Gia Định chính thức mang tên thành phố Hồ Chí Minh. Cuối năm 1976, đồng chí Võ Văn Kiệt thôi giữ chức Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố để giữ chức Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh.
Trong thời gian đầu sau giải phóng, bên cạnh những thuận lợi cùng khí thế hồ hởi, phấn khởi sau chiến thắng lịch sử, Ủy ban Quân quản và Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố phải vượt qua những khó khăn mới, nhất là lực lượng binh lính và những người làm việc trong chế độ cũ rã ngũ tại chỗ, cùng các vấn đề về xã hội, an ninh vô cùng phức tạp,…
Đồng chí Võ Văn Kiệt cùng các đồng chí trong Ủy ban Quân quản và Thành ủy đã chỉ đạo tạo điều kiện thuận lợi cho số cán bộ công nhân viên chức của chế độ cũ thuộc ngành y tế, giáo dục, khoa học,… được tiếp tục làm việc; phân ra từng loại đối tượng binh lính và những người làm việc trong chế độ cũ để có chính sách đối xử, cải tạo phù hợp; tranh thủ nắm trí thức, các hội thương gia, tôn giáo, dân tộc bằng cách khơi dậy truyền thống yêu nước, đoàn kết trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ vừa qua,… từ đó mà tập hợp lực lượng cùng nhau xây dựng thành phố.
Điều gây ấn tượng sâu sắc trong các giới đồng bào thành phố là đồng chí Bí thư Thành ủy chủ tâm dành những ngôi nhà đẹp nhất cho nhà trẻ, mẫu giáo; tổ chức lực lượng và phát động phong trào “Thanh niên xung phong khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng Tổ quốc giàu mạnh” - đồng chí là linh hồn của Lực lượng thanh niên xung phong thành phố.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV cuối 1976, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và được Trung ương cử làm Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị.
Tại Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ I (vòng II, tháng 4 năm 1977), đồng chí Võ Văn Kiệt tiếp tục được bầu làm Bí thư Thành ủy. Trong nhiệm kỳ này, Đảng bộ thành phố phải đương đầu với những khó khăn thách thức mới. Đó là sự tác động của vụ “nạn kiều”, chiến tranh biên giới Tây Nam, lũ lụt miền Tây, những sai sót trong công tác cải tạo, thiếu điện cho sản xuất và tiêu dùng, tiêu cực xã hội phát triển, đời sống nhân dân rất khó khăn, số người thất nghiệp tăng, một bộ phận không nhỏ lâm vào tình trạng thiếu đói, số người trốn ra nước ngoài tăng nhanh, trong đó có nhiều người là trí thức; tình trạng “ngăn sông cấm chợ” làm cho sản xuất, lưu thông hàng hóa bị đình trệ; lạm phát tăng nhanh. Tình hình đó đã tác động xấu đến mặt trận văn hóa - tư tưởng mà biểu hiện rõ là giảm lòng tin, sa sút nhiệt tình cách mạng, v.v...
Với trọng trách là “thuyền trưởng”, đồng chí Võ Văn Kiệt luôn trăn trở tìm mọi cách đưa con thuyền vượt qua thác ghềnh nguy hiểm. Đồng chí Bí thư cùng Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo một cách chặt chẽ, năng động, sáng tạo trong xử lý hàng loạt vấn đề, như giải quyết vấn đề “nạn kiều”, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và nghĩa vụ quốc tế; ban hành các chỉ thị, nghị quyết về công tác tư tưởng, công tác văn hóa - văn nghệ với những nội dung, biện pháp thực hiện cụ thể; chỉ đạo các hoạt động thể dục - thể thao với phong trào “Khỏe để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, thể dục kết hợp với phong trào thể thao thành tích cao; công tác y tế với phong trào “5 dứt điểm” (4), v.v…
Đồng chí Võ Văn Kiệt đã dành thời gian đi sâu, đi sát cơ sở, lắng nghe ý kiến của các giám đốc, thư ký công đoàn và công nhân các xí nghiệp, ý kiến của nông dân, văn nghệ sĩ, trí thức,… kể cả những ý kiến khác biệt. Đối với trí thức, đồng chí cho rằng đây là một nguồn lực hàng đầu không thể thiếu cho sự phát triển, phải thật sự tôn trọng và quy tụ họ để phát huy tài năng, trí tuệ của họ vào công cuộc xây dựng đất nước. Đồng chí đã trực tiếp gặp gỡ những trí thức định rời Tổ quốc ra đi và khuyên “anh em cố gắng ở lại, trong vòng 3 năm nữa, nếu tình hình vẫn không thay đổi, tôi sẽ đưa anh em ra sân bay”.
Với thái độ chân tình, cởi mở đó làm cho giới trí thức càng thêm cảm mến và tin tưởng đồng chí hơn. Chính từ đó, đồng chí đã thành lập “Câu lạc bộ giám đốc” gồm nhiều giám đốc, bí thư đảng ủy, thư ký công đoàn các xí nghiệp quốc doanh để nghe những ý kiến, kiến nghị từ thực tiễn của cơ sở đóng góp vào việc hình thành tư duy đổi mới về quản lý xí nghiệp quốc doanh; thành lập “nhóm công tác nghiên cứu kinh tế” trực thuộc Thành ủy để nghiên cứu các vấn đề về tư duy kinh tế, cải cách các lĩnh vực ngân hàng, tài chính công, đầu tư nước ngoài, ngoại thương, v.v…
Các Ban tham mưu về kinh tế của Thành ủy và cán bộ nghiên cứu Văn phòng Thành ủy lúc bấy giờ cho rằng hầu như mỗi ngày ông Sáu Dân đều đưa ra sáng kiến mới, ý tưởng mới mang tính đột phá, mở lối thoát để khắc phục những khó khăn của mô hình kinh tế cũ. Từ hoạt động thực tiễn, đồng chí nhận thấy kinh tế thành phố không thể tách rời với các tỉnh đồng bằng Nam bộ và miền Đông Nam bộ, Nam Trung bộ, Tây Nguyên,… và với cả nước; tách thành phố ra khỏi khu vực, khỏi cả nước sẽ làm cho thành phố và khu vực yếu đi; sức của cả nước sút giảm.
Chính từ nhận thức đó, đồng chí Võ Văn Kiệt với tư cách Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy đã chỉ đạo tổ chức và chủ trì những cuộc họp với Bí thư các tỉnh trong vùng để bàn biện pháp tháo gỡ bế tắc trong đời sống kinh tế - xã hội. Khi bàn bạc trao đổi, việc gì thấy có lợi và đã thống nhất ý kiến nhưng chưa có chủ trương của Trung ương thì “ngoéo tay” cùng làm và cùng chịu trách nhiệm, trước hết là Bí thư Thành ủy.
Có lần họp với lãnh đạo các tỉnh Tây Nam bộ bàn về giá mua lúa, nếu theo giá chỉ đạo của Chính phủ thì không mua được để kịp xuống giống cho kịp thời vụ, năm sau dân sẽ thiếu đói trầm trọng hơn. Đồng chí Võ Văn Kiệt nói: một là để dân đói, các đồng chí giữ nguyên chức vụ; hai là dân no, các đồng chí mất chức. Chọn cái nào? Vậy là các đồng chí chọn cách thứ hai.
Trước khi có Nghị quyết Trung ương 6 khóa IV, ngoài công tác lãnh đạo toàn diện, đồng chí Võ Văn Kiệt đã tập trung chỉ đạo nhiệm vụ cấp bách nhằm giải quyết các vấn đề về sản xuất và đời sống. Từ đó, đề ra một số biện pháp tình thế nhằm khuyến khích sản xuất một số mặt hàng tiểu - thủ công nghiệp địa phương, như tận dụng phế liệu để sản xuất gia công các mặt hàng mới: nhựa, da, giầy, cao su, đồ gỗ, v.v...
Để giải quyết lương thực cho dân, đồng chí đã “xé rào”, bằng cách trực tiếp chỉ đạo đồng chí Ba Thi - Giám đốc Công ty Lương thực mang tiền xuống các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long mua lúa với giá gấp 5 lần giá Nhà nước và nói “chị cứ làm đi, nếu chị phải đi tù thì tôi đem cơm cho chị”. Đồng chí trực tiếp khảo sát và chỉ đạo xây dựng Nhà máy Thủy điện Trị An bằng cách “vượt qua rào cản của kế hoạch hóa”.
Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh đón nhận Nghị quyết Trung ương 6 khóa IV như đón nhận một luồng sinh khí mới, vì nghị quyết đã đáp ứng yêu cầu tháo gỡ cho sản xuất và đời sống mà thành phố đang mày mò tìm kiếm lối ra. Quán triệt Nghị quyết Trung ương 6, đồng chí Võ Văn Kiệt đã chủ trì Hội nghị Thành ủy và ra nghị quyết nhằm tháo gỡ tình trạng sa sút của năm 1978 - 1979, trên cơ sở chủ động đề ra kế hoạch bổ sung cho các cơ sở sản xuất công nghiệp quốc doanh, tự tạo nguồn vật tư nguyên liệu bằng cách kết hợp với các tỉnh trong khu vực; hạn chế tình trạng công nhân xí nghiệp quốc doanh phải nghỉ việc ăn lương 70% vì thiếu nguyên liệu vật tư, thực hiện lương khoán và trả lương theo sản phẩm, kết hợp chặt chẽ 3 lợi ích, trong đó quan tâm đúng mức lợi ích của người lao động, lấy ổn định đời sống công nhân mà khôi phục và thúc đẩy sản xuất.
Với tinh thần dám nghĩ, dám quyết, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tìm lối ra cho sản xuất và đời sống, đồng chí Võ Văn Kiệt luôn trăn trở, có những suy nghĩ, tìm tòi cái mới để chỉ đạo tháo gỡ những ràng buộc của cơ chế cũ.
Tháng 8 năm 1980, đồng chí Bí thư Thành ủy trực tiếp chỉ đạo làm thí điểm 2 ngành công nghiệp gặp khó khăn nhất là cơ khí và dệt. Để phát động thi đua trong 2 ngành công nghiệp này, đồng chí chỉ đạo cùng một số lãnh đạo thành phố trực tiếp thâm nhập các xí nghiệp để nghiên cứu thực tế, tìm ra nguyên nhân; qua đó đã phát hiện và khẳng định cách làm sáng tạo của cơ sở, mở được lối ra cho sản xuất và đời sống, tìm biện pháp “tháo gỡ” cho sản xuất được “bung ra”.
Trên cơ sở kết quả làm thí điểm và thâm nhập thực tế, đồng chí chỉ đạo Ủy ban Nhân dân thành phố ban hành quy định về bước đi, việc làm cho từng bước, về 3 phần kế hoạch, tỷ lệ trích lợi nhuận, mức độ khen thưởng sáng kiến,... Từ đó, thành phố đã mở lối ra trong việc giải quyết nguyên vật liệu và vật tư kỹ thuật cho sản xuất bằng nhiều biện pháp, như khui kho, tận dụng phế liệu, phế thải, hợp tác với các tỉnh,... và thông qua xuất - nhập khẩu.
Tháng 11 năm 1980, đồng chí Võ Văn Kiệt trực tiếp chỉ đạo giám đốc Nhà máy Thuốc lá Vĩnh Hội khắc phục khó khăn về ngoại tệ để nhập nguyên vật liệu, tổ chức lại sản xuất, thực hiện cách trả lương mới cho công nhân,... Kết quả là chỉ trong 1 tháng thực hiện được 40% kế hoạch cả năm. Phát biểu Hội nghị tổng kết năm tại nhà máy, đồng chí khẳng định: “... từ nhân tố mới giàu ý nghĩa này, càng sáng tỏ thêm nhiều vấn đề cần chuyển biến mạnh trong nhận thức mới. Thành tích của các đồng chí tự nó có sức thuyết phục cao về hướng suy nghĩ mới và cách làm mới”.
Những biện pháp “tháo gỡ” trên đã dẫn tới sự ra đời Quyết định 25-CP của Hội đồng Bộ trưởng, cho phép áp dụng chế độ 3 kế hoạch: kế hoạch của Trung ương, kế hoạch của liên doanh liên kết với các cơ sở bạn và kế hoạch tự tìm kiếm nguyên liệu để sản xuất.
Có thể nói, trên cơ sở quán triệt Nghị quyết Trung ương 6 và đòi hỏi từ thực tế ở thành phố, đồng chí Võ Văn Kiệt đã chỉ đạo, cùng Thành ủy triển khai thực hiện một cách sát thực, năng động, sáng tạo trong việc tháo gỡ cho sản xuất và đời sống, gợi mở cách suy nghĩ mới, cách làm ăn mới, góp phần hình thành đường lối đổi mới của Đảng sau này. Và cũng từ đó, Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ II xác định là “Đại hội chấp hành sự chuyển hướng chính sách kinh tế của thành phố để mở ra một giai đoạn mới cho sự phát triển kinh tế, đẩy mạnh sản xuất, từng bước ổn định đời sống nhân dân”.
Cuối năm 1981, đồng chí Võ Văn Kiệt được Trung ương điều động về giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V (tháng 3 năm 1982), đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương và được Trung ương bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, VII, VIII, đồng chí được bầu lại Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, đảm trách Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng (1987), Thủ tướng Chính phủ (từ 1991 đến tháng 12 năm 1997), sau đó làm cố vấn Ban Chấp hành Trung ương đến tháng 4 năm 2001.
Suốt 20 năm đảm nhận những trọng trách của Đảng và Nhà nước ở Trung ương, ngoài việc đảm đương công việc lãnh đạo, điều hành chung của đất nước, đồng chí Võ Văn Kiệt luôn quan tâm theo dõi mỗi bước phát triển đi lên của thành phố Hồ Chí Minh để góp ý, chỉ dẫn với một tình cảm đặc biệt.
Hơn 15 năm là người đứng đầu Đảng bộ Sài Gòn Gia Định - Thành phố Hồ Chí Minh trong kháng chiến cũng như trong hòa bình (cuối 1959 - 1964; 1965 - 1967; 1968 - 1970 và 1976 - 1981), đồng chí Sáu Dân - Võ Văn Kiệt đã để lại những dấu ấn rất sâu sắc trong lòng Đảng bộ và quân dân Sài Gòn Gia Định - Thành phố Hồ Chí Minh bằng những cống hiến to lớn được ghi đậm trong Lịch sử Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh. Nổi bật là: thời đồng chí Sáu Dân làm Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định đã đưa Củ Chi nổi danh là “ĐẤT THÉP THÀNH ĐỒNG”; thời đồng chí Võ Văn Kiệt làm Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh đã đưa thành phố là địa bàn nổi tiếng NĂNG ĐỘNG ĐỔI MỚI có hiệu quả.
Đồng chí luôn luôn là con người của thực tiễn, của hành động - hành động một cách năng động, sáng tạo như một bản năng vốn có. Nói đi đôi với làm, thấy đúng và thấy có lợi cho cách mạng, cho dân, cho nước thì cương quyết làm, làm đến nơi đến chốn và chịu trách nhiệm với cấp trên, dù có trái với chủ trương của trên. Nhớ lại thời kháng chiến, khi Mỹ thực hiện chiến lược “chiến tranh cục bộ”, với vai trò Bí thư Khu ủy - Chính ủy Quân khu Sài Gòn - Gia Định, đồng chí Sáu Dân - Chín Dũng đã chủ trì Hội nghị tổng kết phong trào thi đua diệt Mỹ, rút ra 10 kết luận về khả năng đánh được Mỹ, trở thành nội dung của công tác tư tưởng, tổ chức và chỉ đạo chiến đấu, góp phần đánh bại chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ.
Sau Hiệp định Paris, lúc làm Bí thư Khu ủy - Chính ủy Quân khu Tây Nam bộ, đồng chí cùng Tư lệnh Quân khu có một quyết định hành động rất đúng đắn, kịp thời, có tầm chiến lược, phù hợp với thực tế của chiến trường, dẫu biết rằng quyết định đó trái với chỉ thị của Trung ương Cục và Quân ủy miền, nhưng đồng chí cùng Thường vụ Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu kiên quyết thực hiện, dù có phải bị kỷ luật; đồng thời, đồng chí điện khẩn cho Trung ương Cục và Bộ Chính trị nêu rõ: “Nếu không chống địch lấn chiếm thì không còn đất ở. Mất dân, mất đất thì không còn gì cả”.
Trong hòa bình, khi làm Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh (từ 1976 - 1981), đồng chí Võ Văn Kiệt đã có những chỉ đạo hành động “xé rào” nhằm tháo gỡ bế tắc cho sản xuất và đời sống,... nhất là thời kỳ 1978 - 1980. Nhiều người gọi đồng chí là Bí thư “xé rào”.
Có thể nói, nếu như trong chiến tranh sự “xé rào” của đồng chí Sáu Dân - Võ Văn Kiệt góp phần tạo nên thế và lực mới rất quan trọng, dẫn đến chiến thắng lịch sử 30 tháng 4 năm 1975, thì sự “xé rào” trong hòa bình của đồng chí ở thành phố Hồ Chí Minh đã góp phần rất quan trọng trong việc hình thành đường lối đổi mới của Đảng. Nhiều người gọi đồng chí là kiến trúc sư của ĐỔI MỚI.
Hơn nửa thế kỷ, kể từ ngày đặt chân tới đây và vĩnh viễn yên nghỉ nơi đây, đồng chí Sáu Dân - Võ Văn Kiệt mãi mãi sống trong ký ức của Đảng bộ, của các tầng lớp nhân dân và lực lượng võ trang Sài Gòn Gia Định - Thành phố Hồ Chí Minh. Những thành viên trong Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh hôm nay hầu hết là thế hệ thứ tư, thứ năm - theo cách gọi của đồng chí Võ Văn Kiệt. Đó là thế hệ mà đồng chí đã chắt chiu, dày công tạo dựng và tin tưởng, như đồng chí đã nói cách đây 35 năm: “Thành phố soi thấy tương lai rất sáng của mình trên vầng trán các em”. Thế hệ chúng ta hôm nay luôn luôn ghi tạc công lao to lớn của đồng chí và không bao giờ phụ lòng tin của đồng chí, của các thế hệ lãnh đạo tiền bối, của nhân dân.
Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh
(1): Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn chỉ còn 1 đồng chí, toàn Đảng bộ chỉ còn khoảng 100 đảng viên và phần lớn phải hoạt động đơn tuyến. Tỉnh Gia Định chỉ còn 1 chi bộ ở Tân Phú Trung; Gò Vấp từ 1.000 đảng viên chỉ còn 3 đồng chí (nhiều đồng chí bị địch bắt, bị giết hoặc điều lắng); đồng chí Nguyễn Trọng Tuyển, Bí thư Tỉnh ủy Gia Định bị địch sát hại (nguồn Lịch sử Đảng bộ thành phố 1930 - 1975).
(2): Ra sức khôi phục cơ sở, đào tạo cốt cán, phát triển lực lượng cả chính trị và võ trang; đẩy mạnh phong trào đấu tranh chính trị kết hợp với hoạt động võ trang, diệt ác phá kềm, phát động khởi nghĩa từng phần ở nông thôn, giải tán tề ngụy, xây dựng căn cứ,… Ở nội thành thì chấn chỉnh phương thức hoạt động bí mật, ngăn cách giữa bí mật và công khai nhằm bảo vệ và giữ vững lực lượng lâu dài; đẩy mạnh các phong trào dân sinh, dân chủ phù hợp với nguyện vọng và quyền lợi thiết thân của quần chúng, kết hợp với diệt ác, trừ gian phù hợp với tình thế và khả năng; hết sức tránh bộc lộ lực lượng cốt cán. Bố trí cán bộ, đảng viên từng cánh đi sâu vận động từng giới quần chúng: công nhân, thanh niên, học sinh - sinh viên, phụ nữ, trí thức, người Hoa, v.v…
(3): (1) Ai cũng đánh được Mỹ; (2) vũ khí gì cũng đánh được Mỹ; (3) nhiều đánh được, ít cũng đánh được, 1 người, 1 tổ đều đánh được; (4) ở đâu cũng đánh được Mỹ, chỉ cần tích cực bám địch, tìm địch là đánh được; (5) ngày đánh được, đêm cũng đánh được; (6) địch phản công là cơ hội để diệt địch; (7) đánh ở phía trước, đánh ở phía sau, đánh trong hậu cứ, đánh đều khắp, làm cho địch bị động, bối rối, càng dễ đánh hơn; (8) đánh địch trong ấp chiến đấu và cả ngoài ấp chiến đấu; (9) có khả năng đánh thắng tất cả mọi binh chủng của Mỹ như bộ binh, xe tăng, máy bay, biệt kích; (10) đánh bằng võ trang, bằng chính trị và cả binh vận làm cho địch tan rã nhanh chóng.
(4): 5 dứt điểm: (1) Dứt điểm 3 công trình vệ sinh; (2) Sinh đẻ có kế hoạch; (3) Quản lý sức khỏe; (4) Trồng và sử dụng thuốc nam; (5) Kiện toàn tổ chức y tế.
>>Đồng chí Võ Văn Kiệt - Kiến trúc sư của đổi mới