Đồng đội ơi! Chúng ta bên nhau

Đồng đội ơi! Chúng ta bên nhau

Ngày 3-3-2013 tôi có viết bài: Tháng ba về với du kích Củ Chi (đăng trên Báo SGGP) chỉ lướt qua vài dòng: chị Nguyễn Thị Nỉ vốn là du kích xưa, nay không có lương, ốm đau luôn, chân tay co quắp, chị sống nhờ đồng đội cho gì ăn nấy mà đồng đội chị cũng rất khó khăn.

Một người đồng đội già (ông xin giấu tên) ở quận 7 gọi điện cho tôi đến nhận tiền ông gửi tặng chị Nỉ. Tôi đề nghị ông cho địa chỉ gia đình để Báo SGGP cho người đến tận nhà nhận. Vậy mà chỉ mấy ngày sau ông gọi điện cho tôi là đã đến tận tòa soạn của Báo SGGP để gửi tiền, dù nay ông đã 80 tuổi. Tôi thật sự cảm động. Năm nay, vào ngày mùng 10 tháng 10 (âm lịch), tôi trở lại dự đám giỗ lần thứ 35 của 24 đồng đội nữ du kích Củ Chi hy sinh. Nhưng khi tôi lên đến nơi thì mọi người đã tổ chức giỗ trước vài ngày. Đám giỗ các nữ du kích Củ Chi hy sinh lần này do Ban Quản lý Đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược đứng ra tổ chức, mời đông đủ các chị từng tham gia du kích Củ Chi cùng thân nhân của 24 nữ liệt sĩ đến dự. Như vậy là đám giỗ chung của 24 nữ du kích Củ Chi đã được lo chu đáo ngay trên chiến trường xưa, nơi các chị từng hoạt động, chiến đấu. Sự hiện diện của Đại tá Huỳnh Văn Hoàng, Chính trị viên Huyện đội Củ Chi như một sự động viên lớn đối với mọi người. Trong đám giỗ lần này, nhiều chị rỉ tai nhau: Huyện đội Củ Chi nên đứng ra xin phong tặng anh hùng cho các chị: Sáu Trong cụt một tay vẫn chiến đấu dũng cảm hay Cao Thị Hương dùng bá đỏ bắn máy bay ở ấp Cây Sộp, xã Tân An Hội vào tháng 12-1965. Đại hội Anh hùng lần thứ 2 toàn Miền (9-1967), chị được viết thư thăm Bác Hồ, báo cáo thành tích của Đội du kích nữ Củ Chi. Câu chuyện râm ran về thành tích chiến đấu về cuộc sống hàng ngày hiện nay, chắc Huyện đội Củ Chi nắm được cả, chỉ có điều khó là bắt đầu từ đâu để giúp đỡ chị em được Nhà nước phong tặng Anh hùng.

Hai nữ du kích Củ Chi năm xưa: Nguyễn Thị Nỉ (trái) và Lê Thị Sương.

Hai nữ du kích Củ Chi năm xưa: Nguyễn Thị Nỉ (trái) và Lê Thị Sương.

Trong suốt 35 năm qua, cứ vào ngày mùng 10 tháng 10 (âm lịch), các chị lấy ngày mất của chị Lê Thị Nê làm đám giỗ chung tại nhà chị Trần Thị Nhở ở ấp Gót Chàng (xã An Nhơn Tây), sau chuyển sang nhà chị Năm Sương (chính trị viên Đội du kích nữ Củ Chi). 35 năm gặp mặt trong đám giỗ để tưởng nhớ tới những người đã hy sinh cũng là để gặp gỡ, quan tâm, chia sẻ giúp nhau trong những lúc khốn khó, hoạn nạn. Năm nay đám giỗ được tổ chức chung tại Bến Dược, các chị vẫn tập trung cùng nhau gói gần trăm đòn bánh tét mang lên đám giỗ, như là một nghĩa cử của đồng đội. Nhớ lại đám giỗ lần thứ 34 tại nhà Năm Sương, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải gửi đến 3 triệu đồng để chị em thêm vào làm giỗ, có sự quan tâm của nguyên Thủ tướng ai cũng vui. Còn năm thứ 35 giỗ ở Bến Dược cũng là niềm an ủi cho những gia đình có con gái hy sinh, động viên bao người còn sống trong đó có các chị nữ du kích Củ Chi.

Nữ du kích Củ Chi trong những năm kháng chiến chống Mỹ.

Nữ du kích Củ Chi trong những năm kháng chiến chống Mỹ.

Tôi ngồi trong căn nhà tình thương của chị Năm Sương ở lô 6, chợ An Nhơn Tây, chị chia sẻ với tôi bao kế hoạch lớn: xin tạc tượng cho ba nữ du kích: Anh hùng Nguyễn Thi Nê, quê Phú Hòa Đông, sinh 1948, hy sinh năm 1969 (Anh hùng lực lượng vũ trang); Nguyễn Thị Lan, sinh ở Phú Lập Thượng, mất năm 1968, khi tuổi đời mới 18 tuổi; Tô Ngọc Hà, nơi chôn rau cắt rốn ở Tân Thông Hội, bị giết năm 17 tuổi, là người con gái đẹp, nết na. Lý do mà chị Năm nêu là: Ở chiến khu Củ Chi ngày nay sao cứ để “những cô gái” vô hồn được gọi là nữ du kích Củ Chi. Thay tượng của các chị thì mọi người cảm thấy gần gũi, thân thương và kính trọng những tấm gương “liệt nữ”. Chị Năm Sương vốn là người năng động, luôn lo cho từng gia đình chị em khốn khó, làm các thủ tục xin nhà tình thương cho những chị em không có nhà, phải che phên dậu lên ở. Bà con ở chợ Tân Thông Hội gọi chị là “Sáu đi”, vì lúc nào cũng xách túi lên huyện, xã…

Rời nhà chị Năm, tôi đến nhà của chị Nguyễn Thị Nỉ, ở đường Hương Cô 10, ấp Bình Hạ Tây, xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi. Chị vẫn ốm quặt quẹo, cô em gái ở vậy (bỏ bán vé số dạo) để chăm sóc chị. Chị mới được tặng căn nhà tình thương, trong nhà còn có chiếc ti vi mới của chị Huỳnh Thị Thảo (Đội phó Đội nữ du kích Củ Chi) tặng. Hai chị em chị Nỉ khoe: mấy tháng trước có hai đồng đội là Thanh Long (73 tuổi), Mai Thanh Sơn (79 tuổi) sau khi đọc bài Tháng ba tìm về nữ du kích Củ Chi đã tìm đến nhà chị Nỉ và tặng mỗi tháng 500.000 đồng để chị chi tiêu. Hai người đàn bà neo đơn, không chồng con sống bằng 500.000 đồng của đồng đội, nhưng chị Nỉ vui lắm cứ chờ ngày 20 hàng tháng xuống xã lãnh tiền. Anh Thanh Long vốn là chiến sĩ Sư 9 của Quân đoàn 4. Còn anh Mai Thanh Sơn là bộ đội Sư 330, quê ở Bà Điểm (Hóc Môn). Năm 1972, anh về Nam trong bộ phận tiếp nhận tù nhân trao trả ở Tây Ninh. Sau này anh công tác ở Sở Giao thông - Vận tải TPHCM, lương hưu của anh hàng tháng được lãnh 4 triệu đồng, anh vẫn san sẻ cùng đồng đội. Chúng tôi cảm ơn Báo SGGP vì đã trở thành một nhịp cầu đầy tình nhân ái để chúng tôi tìm đến, gặp gỡ, chia sẻ, giúp đỡ nhau.

TRẦN THỊ THẮNG

Tin cùng chuyên mục