Thêm nghị lực từ tiếng con khóc chào đời
Trong cái nắng ngày xuân, chúng tôi tìm đến phòng trọ của đôi vợ chồng khiếm thị Nguyễn Thị Minh Trang (quận Bình Tân, TPHCM). Trên chiếc nệm nhỏ sát góc phòng, Trang đang lần thay tã cho con. Cầm bình sữa nhỏ trên tay, Tuấn Em (chồng Trang) pha nước, múc sữa một cách thành thục. “Lúc sinh con trong bệnh viện, các cô hộ sinh đã hướng dẫn chúng em cách chăm sóc con. Ban đầu có bỡ ngỡ, lúng túng, nhưng hơn 1 tháng nay, vợ chồng em làm riết rồi quen tất cả”, Trang chia sẻ. Dù thị lực không cho phép nhìn rõ mọi thứ, nhưng trong căn phòng nhỏ thân thuộc ấy, vợ chồng Trang đã quen với mọi ngóc ngách, lối đi, vật dụng, cả phân biệt tiếng khóc, tiếng oe oe của trẻ con để biết khi nào con khát sữa, khi nào con cần thay tã.
Dịch Covid-19 ập đến, vợ chồng Trang mất việc làm ở tiệm massage. Còn ít tiền dành dụm cho kỳ sinh nở, Trang lấy ra dùng một cách dè sẻn. Rủi thay, lúc cao điểm của dịch bệnh, vợ chồng Trang mắc Covid-19, vậy là số tiền ít ỏi ấy lại càng bị hao hụt. “Mắt không nhìn thấy, đang mang thai, lại mắc Covid-19, thời gian ấy thật khó khăn với chúng em. Nhưng từng cái đạp chân của con trong bụng như tiếp thêm động lực để vợ chồng em vượt qua”, Trang bày tỏ. Những tấm lòng hảo tâm trong cùng khu trọ gom góp mỗi người một ít, hỗ trợ Trang ngày đi sinh. Biết hoàn cảnh của vợ chồng Trang, Hội Hộ sinh TPHCM tại Bệnh viện Từ Dũ giới thiệu Trang đến chương trình Đồng hành vượt cạn. “Cuộc sống đã ban cho gia đình em nhiều sự diệu kỳ. Và con, với một cơ thể khỏe mạnh, hoàn chỉnh, chính là điều kỳ diệu nhất”, Trang bộc bạch. Đó cũng là lý do vợ chồng Trang đặt tên cho con là Thiên Ân để làm động lực bước tiếp.
Phó Chủ tịch Hội Hộ sinh TPHCM Nguyễn Thị Tuyết Hằng nhớ lại trường hợp sản phụ được hỗ trợ vào đầu tháng 9-2021, khi chương trình Đồng hành vượt cạn bắt đầu thực hiện. Theo bà Tuyết Hằng, sản phụ nhập viện trong tình trạng mệt, khó thở do mắc Covid-19. Chồng lại vừa mất do dịch bệnh nên tinh thần sản phụ rất hoảng loạn, trong túi chỉ còn ít tiền dành dụm. Vậy là, vừa chăm sóc sức khỏe để sản phụ khỏe mạnh sinh con, Bệnh viện Từ Dũ vừa giới thiệu sản phụ đến chương trình Đồng hành vượt cạn. Hiểu tâm lý sản phụ đang rất lo lắng, sợ con bị tách ra không ai chăm sóc, bệnh viện thực hiện ngay biện pháp da kề da mẹ và con. Sau đó, em bé cũng được để lại cùng mẹ. “Dù sản phụ sau sinh có trở nặng một chút, nhưng chính vì được gần con, cho con bú mẹ, nhìn thấy con khỏe mạnh đã giúp sản phụ suy nghĩ tích cực, thêm cố gắng vượt qua bệnh tình. Phần quà của chương trình được trao kịp lúc đã tiếp thêm động lực sống cho 2 mẹ con”, bà Tuyết Hằng cho biết.
Tình yêu thương đặc biệt
Từ ngày khởi động, những người thực hiện chương trình đã đến từng con hẻm nhỏ khắp quận, huyện, TP Thủ Đức để kịp thời gặp gỡ, động viên, trao từng phần hỗ trợ đến thai phụ có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều chị em ngày sinh đã gần kề nhưng chưa biết đi sinh ở đâu, bởi tiền trong túi đã cạn kiệt. Có chị phải “đi biển mồ côi” do chồng đã mất vì dịch Covid-19. Giữa bộn bề khó khăn, tấm chân tình từ những người làm chương trình đến kịp lúc, đã tiếp thêm sức mạnh, giúp từng thai phụ vượt cạn thành công.
Gần 4 tháng qua, dù xung quanh còn bộn bề những khó khăn, nhưng nụ cười xinh tươi của cô con gái nhỏ Thiên Ý đã giúp người mẹ trẻ Trần Huyền Trân (ngụ quận Bình Tân, TPHCM) cân bằng cuộc sống. Thử chiếc đầm mới cho con gái, Trân âu yếm nhìn con với nụ cười hạnh phúc. “Lãnh tháng lương đầu tiên sau bao ngày mất việc, em mua cho con chiếc đầm diện ngày tết. Với em, khó khăn vẫn còn, nhưng những ngày cùng cực nhất đã qua. Từ ngày con chào đời, em nhận ra ý nghĩa sống của cuộc đời mình”, Trân tâm sự. Trân là một trong hàng ngàn thai phụ đã được chương trình hỗ trợ trong thời điểm dịch Covid-19 diễn ra căng thẳng tại TPHCM. Ngày người mẹ đơn thân ấy vượt cạn, trong túi chỉ còn gần 1 triệu đồng. Sự trợ sức kịp thời của chương trình đã giúp Trân nhẹ đi gánh lo trong hành trình gian nan.
Không chỉ trao hỗ trợ đến các chị mang thai tháng thứ 8, thứ 9 tại địa phương, chương trình còn hỗ trợ trực tiếp tại Bệnh viện Từ Dũ đối với các trường hợp đi sinh gặp khó khăn. Ý nghĩa nhân văn chương trình mang lại, như Phó Tổng Biên tập Báo SGGP Phạm Văn Trường chia sẻ, chính là: “Những mầm sống hôm nay với sự sẻ chia, đùm bọc của chúng ta chắc chắn mai này sẽ trở thành những con người đặc biệt, bởi vì các em hôm nay đã được sinh ra trong một hoàn cảnh đặc biệt, được lớn lên trong vòng tay, trong sự chăm lo đặc biệt của tình yêu thương”. Và hàng ngàn đứa trẻ đã chào đời bình an, khỏe mạnh trong tình thương yêu, sự chăm sóc chu đáo đặc biệt ấy.
Triển khai từ ngày 10-9-2021, Chương trình Đồng hành vượt cạn do Báo SGGP tổ chức; Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM và Hội Hộ sinh TPHCM phối hợp thực hiện. Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), Hội Nữ Doanh nhân TPHCM, Quỹ Công tác xã hội Anh hùng LLVTND Phan Trọng Bình... đồng hành, đã tài trợ 1.710 thai phụ với tổng kinh phí 5,1 tỷ đồng. Những người thụ hưởng là phụ nữ đang mang thai thuộc một trong các diện: hộ nghèo, hộ cận nghèo (có mã số); hộ có hoàn cảnh khó khăn được địa phương xác nhận. Đặc biệt ưu tiên các trường hợp: công nhân, người lao động đơn thân xa nhà, ở trọ; người bị mất việc làm, không có thu nhập. Mỗi thai phụ được hỗ trợ bằng tiền mặt 3 triệu đồng/suất. Đồng thời, các thai phụ được tư vấn, hỗ trợ các thủ tục cần thiết trong quá trình thăm khám thai và sinh nở...