Gần đây, đoàn công tác của Thành ủy TPHCM liên tục đi kiểm tra việc thực hiện nghị quyết đại hội Đảng ở một số quận - huyện và việc tham mưu của các sở - ngành TPHCM trong việc giải quyết những vướng mắc của quận - huyện. Điều chợt nhận ra trong nhiều trường hợp, tính năng động, sáng tạo - vốn là truyền thống quý báu và cũng là một thương hiệu của TPHCM trong hàng chục năm qua, dường như đang dần mai một.
Trong lúc “trà dư, tửu hậu”, một đồng chí lãnh đạo quận kể rằng, động lực làm việc của nhiều anh em trong cơ quan rất kém, nhất là một vài đồng chí lớn tuổi, đang giữ chức vụ chủ chốt, còn 1-2 năm đến tuổi nghỉ hưu. Vì không có động lực làm việc và muốn giữ thân, họ tìm giải pháp an toàn, làm việc cứng nhắc, máy móc mà trong thực tế có thể linh hoạt vận dụng giải quyết được. Họ thường rất ngại, thậm chí rất sợ sáng tạo.
Rồi anh lý giải, tính sáng tạo có một phần phủ định cái cũ và thực chất là chống lại thói quen tư duy cũ, quy định cũ, không còn thích ứng với điều kiện mới. Nhưng những thói quen và những quy định cũ đó đôi khi lại là đặc quyền, đặc lợi của một bộ phận cán bộ khác. Thành thử sự sáng tạo rất hay đi kèm với sự mạo hiểm bản thân. Nếu cấp trên không tỉnh táo, đánh giá thiếu khách quan và nhất là không độ lượng với anh em thì chẳng những làm thui chột tính sáng tạo, còn làm mất đi cơ hội thăng tiến của những cán bộ mẫn cán, nhất là cán bộ trẻ. “Khoảng cách giữa sáng tạo và khuyết điểm lắm lúc mong manh lắm!”, anh bộc bạch vậy.
Trước đại hội Đảng bộ quận, một đồng chí trong cấp ủy bị phê bình “làm trái quy định” vì những sáng kiến của anh nằm ngoài quy định. Khi soi lại thực tế thấy rằng, khi cơ chế và trách nhiệm chưa rõ ràng, quy định còn lỏng lẻo thì bắt bẻ làm trái cũng được, mà nói linh hoạt vận dụng cũng chẳng sai. Đến khi đưa ra ban thường vụ bàn về nhân sự cấp ủy mới, một ý kiến trong thường trực cấp ủy nhận xét trường hợp này “ít có triển vọng”. Thế là đồng chí này nhận được phiếu thấp nhất trong đại hội! Anh bảo, lắm lúc thấy nghề công chức nguy hiểm và bấp bênh quá, làm đúng chưa chắc đúng, làm sai chưa hẳn đã sai.
Tham dự một buổi hội thảo, anh nghe chuyên gia kinh tế của châu Âu đang làm việc cho một dự án ở TPHCM, phát biểu thẳng thắn rằng: một vấn đề mà công chức Việt Nam hiện còn vướng mắc đó là động lực làm việc của họ. Công chức làm việc sáng tạo mà chẳng may sai sót có thể bị kỷ luật, trường hợp làm hiệu quả và quá nhiệt tình, thì chưa chắc được thưởng, có khi còn bị nghi là “có gì đó thì mới sốt sắng như thế!”. Thêm nữa, người làm việc tốt, có nhiều sáng tạo luôn được cấp trên tin cậy giao việc, việc này chưa xong lại giao việc khác, mà làm nhiều lại dễ mắc khuyết điểm, dễ bị quy trách nhiệm. Còn người năng lực kém, ít được cấp trên giao việc, thì hầu như không mắc sai sót gì, thậm chí còn được đề bạt chức vụ cao hơn, chỉ vì “không tìm đâu ra khuyết điểm”(!?). Vì vậy, công chức có ít động lực làm việc sáng tạo để đạt hiệu suất cao, điều mà chúng ta thường thấy một bộ phận cán bộ thường tỏ ra vô cảm trước bức xúc của người dân.
Mà sự vô cảm, trong thực tế rất dễ dẫn đến vô trách nhiệm, vô lương tâm, thậm chí trong hoàn cảnh nào đó trở thành nhẫn tâm.
TUẤN SƠN