Đông Nam bộ: Thi công ì ạch làm khổ dân

Khi các tuyến quốc lộ (QL) 14 và 20 qua các tỉnh Đông Nam bộ được triển khai thi công, người dân vô cùng phấn khởi. Bởi lẽ, sau khi các tuyến giao thông huyết mạch này hoàn thành, việc lưu thông đi lại, vận chuyển hàng hóa sẽ thuận lợi hơn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tuy nhiên, sau vài năm thi công, các nhà thầu và đơn vị thi công đã bộc lộ nhiều hạn chế khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn.
Đông Nam bộ: Thi công ì ạch làm khổ dân

Khi các tuyến quốc lộ (QL) 14 và 20 qua các tỉnh Đông Nam bộ được triển khai thi công, người dân vô cùng phấn khởi. Bởi lẽ, sau khi các tuyến giao thông huyết mạch này hoàn thành, việc lưu thông đi lại, vận chuyển hàng hóa sẽ thuận lợi hơn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tuy nhiên, sau vài năm thi công, các nhà thầu và đơn vị thi công đã bộc lộ nhiều hạn chế khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn.

Đầy rẫy “bẫy tử thần”

Làm nghề lái xe tải hơn chục năm, đã rong ruổi không biết bao nhiêu tuyến đường, thế nhưng mỗi khi qua lại đoạn đường thuộc ấp 4, xã Tân Thành, thị xã Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước), anh Nguyễn Hữu Thịnh đều ngán ngẩm. Bên cạnh vài đoạn đường ít ỏi đã được rải nhựa và đang thi công phần cống thoát nước, thì suốt một chặng đường dài vẫn ngổn ngang đất đá, khiến việc lưu thông cực kỳ khó khăn.

Anh Thịnh chia sẻ: “Đường đá lởm chởm thế kia, ngoài bụi bặm, khó đi lại, thì xe cộ cũng mau xuống cấp, vỏ xe nhanh mòn và cũng dễ xảy ra tai nạn giao thông”. Nhưng khổ nhất là những người đi xe đạp, xe máy và những hộ dân sinh sống hai bên đường. Khi có xe tải, xe khách chạy qua thì bụi đá xanh từ dưới đường tung lên mù mịt, khiến họ lãnh đủ.

Chị Trần Thị Hảo (48 tuổi), bán quán nước ven đường cho hay, do nhà ở gần QL14, nên từ khi con đường được khởi công đến giờ, những người trong gia đình chị phải sống chung với bụi. Vì liên tục hít bụi nên 5 thành viên trong gia đình chị đều mắc các chứng bệnh về hô hấp. Thế nhưng, chị không thể đóng cửa quán vì phải kiếm tiền lo cho cuộc sống gia đình. Cũng theo chị Hảo, cũng do làm đường, bụi vào quán nhiều nên khách đến quán nước của chị ngày càng thưa dần.

Đi dọc QL14 từ thị xã Đồng Xoài đến huyện Chơn Thành (tỉnh Bình Phước), chúng tôi ghi nhận nhiều ý kiến của người dân nói về việc làm đường đã ảnh hưởng đến cuộc sống của họ, đặc biệt là các hộ buôn bán, kinh doanh ở mặt tiền. Không chỉ phàn nàn về tiến độ thi công, nhiều người dân còn cho rằng, việc xây cống thoát nước trên tuyến đường này không đảm bảo an toàn vì thiếu che chắn và không có biển báo nên nhiều người đã bị lọt cống, gây nguy hiểm đến tính mạng và sức khỏe.

QL14, đoạn Đồng Xoài - Chơn Thành đang thi công. Người dân ở hai bên đường thường tưới nước để con đường bớt bụi.

Tại tỉnh Đồng Nai, tình hình cũng không khá hơn bởi công trình khôi phục, cải tạo QL20, đoạn qua huyện Tân Phú đang trở thành nỗi ám ảnh của người đi đường, khi hàng trăm hố ga dọc quốc lộ không có nắp. Dọc tuyến đường này, nhiều nơi đơn vị thi công không đặt biển báo, không có đèn cảnh báo vào ban đêm, rào chắn sơ sài, đường đọng nước, ổ gà, vật tư thi công để ngổn ngang… gây nguy hiểm cho người đi đường.

Đáng chú ý, tại các xã Phú Sơn, Phú An, Phú Trung và thị trấn Tân Phú (huyện Tân Phú), có rất nhiều hố ga được thi công dọc quốc lộ nhưng hoàn toàn không có nắp nên rác, cỏ phủ kín. Vô tình, những hố ga không nắp này trở thành những “cái bẫy” đối với người đi đường. Thực tế, nhiều vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra. Trong số đó, đã có những vụ tai nạn làm chết người mà nguyên nhân được xác định do việc thi công ẩu.

Anh Trương Thanh Minh, người dân ở xã Phú Sơn, cho biết: “Ở đây có nhiều “hố tử thần” có thể gây nguy hiểm cho người đi đường bất cứ lúc nào. Người ta làm đường, làm cống nhưng không nghĩ tới an toàn cho người dân. Họ múc đất, đặt cống làm hố ga rồi để đó. Dân nói thì họ đối phó bằng cách cẩu từng khối bê tông đặt lên, nhưng có nơi cái hố ga vẫn trống hoác vì không có nắp”.

Theo người dân xã Phú Sơn, trên địa bàn xã có gần 100 hố ga thi công nhưng chưa cái nào có nắp, nên đã có nhiều trường hợp người đi đường rơi xuống hố, dân phải kéo lên. Trời nắng còn đỡ, những lúc trời mưa, các hố đào đầy nước này trở thành mối nguy hiểm cho trẻ em nếu không may rơi xuống.

Đôn đốc thi công

Theo tìm hiểu của chúng tôi, QL14 đoạn từ thị xã Đồng Xoài đến ngã tư Chơn Thành được khởi công từ năm 2009, ban đầu chủ đầu tư là Công ty CP BOT QL14 Đồng Xoài - Chơn Thành. Sau nhiều năm thi công ì ạch, chủ đầu tư nêu lý do thiếu vốn, đến tháng 9-2013, Chính phủ đồng ý cắt hợp đồng BOT và dùng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ để xây dựng. Sau khi hoàn thành chỉ định thầu, đầu tháng 4-2014, tuyến đường này mới được thi công trở lại. Tính đến nay đã gần 6 năm, thế nhưng, trên tuyến đường này bên cạnh các đoạn đã được rải nhựa và đang thi công phần cống thoát nước, thì nhiều đoạn vẫn trong tình trạng mới được đổ đá, san lấp phần nền.

Còn công trình cải tạo QL20 qua địa bàn huyện Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) có khoảng 9km do Công ty CP BT20 - Cửu Long làm chủ đầu tư. Hai đơn vị thi công là Công ty TNHH Dịch vụ thương mại - sản xuất kinh doanh Mê Kông và Công ty CP Việt Ren bắt đầu triển khai từ năm 2013, nhưng thi công không theo kế hoạch, gây đảo lộn cuộc sống của người dân.

Trước những phản ánh của người dân về tình trạng mất an toàn trong quá trình thi công tuyến QL20, cuối tháng 10-2014, đoàn công tác gồm đại diện Cục Quản lý đường bộ IV phối hợp với Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Đồng Nai và một số đơn vị chức năng khác đã đến hiện trường kiểm tra công tác đảm bảo ATGT trên tuyến QL20 (từ Km 00+000 đến Km 75+600).

Ngay sau buổi kiểm tra, đoàn công tác đã yêu cầu chủ đầu tư là Công ty CP BT20 - Cửu Long chỉ đạo quyết liệt các nhà thầu phải thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các biện pháp đảm bảo ATGT khi công trình trên đang được khai thác; các hố ga đã thi công xong phải lắp đặt tấm đan; phải đặt cọc tiêu, sơn vạch đường… Tất cả công việc phải hoàn thành trước ngày 5-11 tới.

Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Hồ Văn Hữu, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Phước, thừa nhận: “Do các quốc lộ thi công chậm đã làm ảnh hưởng đến đời sống, ATGT của người dân”. Ông Hữu đã nhận khuyết điểm, đồng thời cho biết sẽ yêu cầu nhà đầu tư đôn đốc các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành dự án trong năm nay.

ĐỨC TRUNG - TẤN NHẤT 

Tại buổi giao ban báo chí do Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tổ chức vào chiều 29-10, ông Nguyễn Văn Huấn, Phó Tổng Giám đốc BQLDA đường Hồ Chí Minh, cho biết: Nhà đầu tư dự án BOT Cầu 38 - Đồng Xoài đã tạm dừng thi công đối với nhà thầu Công ty Xây dựng Đức Đạt Gia Lai và tạm đình chỉ trách nhiệm đối với ông Nguyễn Hồng Quảng (chỉ huy trưởng) và ông Lê Thanh Hà (cán bộ kỹ thuật). Đối với Công ty Tư vấn giám sát NMF, nhà đầu tư đã tạm đình chỉ trách nhiệm đối với ông Quảng Kiên Trung, giám sát trưởng. Ngày 17-10, kiểm tra hiện trường dự án BOT Cầu 38 - Đồng Xoài đã phát hiện Công ty Xây dựng Đức Đạt Gia Lai đang cho tưới nhựa thấm bám trên bề mặt lớp cấp phối đá dăm loại 1 không đảm bảo kỹ thuật (xuất hiện nhiều ổ gà, ổ voi) để chuẩn bị thảm bê tông nhựa tại đoạn Km925+800 - Km926+100. Đến ngày 22-10, Sở Xây dựng Bình Phước cũng đã có quyết định xử phạt Công ty Xây dựng Đức Đạt Gia Lai 30 triệu đồng và Công ty Tư vấn giám sát NMF 80 triệu đồng.

CÔNG HOAN

Tin cùng chuyên mục