Sau gần một tuần, đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc phá giá, mặc dù Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã kịp thời điều chỉnh các chính sách tiền tệ để giảm thiểu những tác động tiêu cực tới nền kinh tế, nhưng khảo sát của phóng viên Báo SGGP tại các cửa khẩu lớn ở khu vực miền Bắc như: Lạng Sơn, Móng Cái (Quảng Ninh), Cao Bằng, Lào Cai… cho thấy, không ít doanh nghiệp và cả những hộ kinh doanh nhỏ bước đầu bị ảnh hưởng do đồng NDT phá giá.
Lỗ 200 triệu đồng/ngày
Có mặt tại “chợ” đổi ngoại tệ được UBND TP Lào Cai quy hoạch thành một khu riêng ở đường Nguyễn Huệ, nằm kề ngay sát cửa khẩu quốc tế Lào Cai, nơi thường ngày luôn tấp nập người ra kẻ vào từ sáng tới chiều để trao đổi, mua bán đồng NDT… khoảng vài ngày gần đây, cảnh tượng trở nên vắng vẻ, đìu hiu khác thường so với những tuần trước đó.
Xe tải đưa hàng Trung Quốc gia tăng sang cửa khẩu Việt Nam. Ảnh: LÃ ANH
Chị Nguyễn Thị Loan, chủ một đại lý đổi đồng NDT từ Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) làm dịch vụ đổi ngoại tệ tại cửa khẩu Lào Cai hơn 10 năm qua, cho biết, sau khi đồng NDT Trung Quốc giảm tỷ giá, không chỉ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu qua địa bàn cửa khẩu Lào Cai bị ảnh hưởng trực tiếp mà cả những đại lý kinh doanh thu đổi ngoại tệ cũng lỗ nặng. “Trước đây vài tuần, tỷ giá của đồng NDT là 1 tệ ăn khoảng 3.500 đồng tiền Việt nhưng hôm qua xuống chỉ còn 3.400 đồng, nghĩa là cứ mỗi 1 vạn tệ thì chúng tôi bị mất trắng khoảng 1 triệu đồng tiền Việt. Trung bình, như tôi mỗi ngày thiệt hại gần 200 triệu đồng” - chị Loan chia sẻ.
Theo Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Lào Cai, hiện ở khu chợ kinh doanh quy đổi ngoại tệ ở cửa khẩu Lào Cai đang có khoảng 150 đại lý chuyên kinh doanh và đổi đồng NDT cho doanh nghiệp, khách du lịch và các hộ kinh doanh trên địa bàn. Sau khi Trung Quốc có chính sách điều chỉnh hạ giá đồng NDT, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và đại lý quy đổi ngoại tệ đều hoạt động e dè, cầm chừng hơn so với trước vì còn nghe ngóng, thăm dò… trong khi nhu cầu ngoại tệ của doanh nghiệp là rất lớn để nhập hàng về.
Tại Lạng Sơn, các hộ thu đổi ngoại tệ ở đây cũng trong cảnh đứng ngồi không yên. Chị Trần Thúy Hoa cũng là chủ một quầy kinh doanh đồng NDT ở ngay bên cạnh chợ Đông Kinh cho biết, trong ngày 14-8, tỷ giá đồng NDT trên địa bàn Lạng Sơn dù tăng trở lại từ 3.400 đồng lên 3.430 đồng nên nếu quy đổi khoảng 10 vạn tệ thì chỉ còn thua lỗ khoảng 7 triệu đồng. Tuy nhiên, các đại lý đều đang nơm nớp như ngồi trên lửa vì không lường trước được những biến động về tỷ giá đồng NDT trong thời gian tới sẽ như thế nào.
Doanh nghiệp cần hỗ trợ
Để mục sở thị tình hình xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, tại cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai), qua ghi nhận, lượng xe hàng xuất sang Trung Quốc khá khiêm tốn so với lượng xe hàng phía bạn sang ta. Hàng hóa của Việt Nam xuất đi vẫn chủ yếu là gạo, hoa quả, nguyên vật liệu ngành nhựa, còn hàng nhập về là hóa chất, phân bón, máy móc thiết bị nên giá trị rất cao.
Ông Vũ Quang Vĩnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Kim Thành cho biết, do chính sách giảm tỷ giá đồng NDT mới được áp dụng nên hiện tại chưa có nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng, lượng hàng hóa xuất đi và nhập về vẫn ổn định vì chủ yếu là những hợp đồng đã được ký từ trước khi đồng NDT bị phá giá. Tuy nhiên, trong thời gian tới chắc chắn sẽ có những tác động, có thể theo hướng hàng nhập từ Trung Quốc về sẽ nhiều hơn do được bán với giá rẻ nhưng hàng xuất đi ít hơn vì doanh nghiệp bị thua lỗ.
Doanh nghiệp tư nhân Thúy Lê chuyên xuất nhập khẩu rau củ quả ở Lào Cai, đang bốc hàng tại của khẩu Kim Thành chia sẻ, thực tế là sau khi đồng NDT bị phá giá thì hàng Trung Quốc có rẻ hơn, như một thùng quả lựu 10kg trước đây mua ở bên kia là khoảng 40 NDT, tương đương với khoảng 150.000 đồng tiền Việt nay chỉ còn khoảng 140.000 đồng. Tuy nhiên, hàng hoa quả của ta xuất đi cũng bị giảm giá rất mạnh, thậm chí là lỗ nặng nếu như phải lưu kho bến bãi dài ngày.
Còn chị Nguyễn Thị Yến, cán bộ phụ trách xuất nhập khẩu của một doanh nghiệp chuyên về mía đường cho biết, hiện tại công ty của họ xuất đường qua bên Trung Quốc và sau đó nhập phân lân về Việt Nam. Trước mắt, các lô hàng xuất đi vẫn chủ yếu theo hợp đồng đã ký kết từ trước nhưng đối với các lô hàng mới sẽ rất khó giao dịch vì lợi nhuận thu được không đủ bù vào giá thành và trang trải các khoản phí, vận chuyển, bốc dỡ, bảo quản, bến bãi. “Việc đồng NDT bị phá giá, doanh nghiệp xuất nhập khẩu với Trung Quốc bị ảnh hưởng trực tiếp. Vì thế để cứu doanh nghiệp, chúng tôi rất mong muốn được Nhà nước miễn giảm các chính sách về thuế, cũng như các khoản lệ phí khác…” - chị Yến bày tỏ.
|
PHÚC HẬU - NGUYỄN QUỐC