Sau một thời gian các cấp, các ngành tập trung phát triển hạ tầng giao thông, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng để thu hút đầu tư… Đồng Tháp đã phá thế độc đạo và trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.
Thuận lợi giao thương
Ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, một trong những lĩnh vực quan trọng mà Đồng Tháp, tập trung phát triển là kết cấu hạ tầng giao thông, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế - xã hội phát triển. Trong đó, 4 tuyến quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh gồm: 30, 80, 54 và tuyến N2 với tổng chiều dài hơn 220km đã được đầu tư mở rộng, thuận lợi trong giao thông và giao thương. Khoảng 164 cầu trên các tuyến đường tỉnh được xây dựng bê tông cốt thép. Đặc biệt cầu Cao Lãnh và Vàm Cống bắc qua sông Tiền, sông Hậu đang được thi công và khi hoàn thiện sẽ kết nối Đồng Tháp với các tỉnh ĐBSCL thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, các tuyến đường ngang và tuyến dọc cũng tạo thành mạng lưới giao thông liên hoàn, dễ dàng trong vận chuyển hàng hóa, góp phần cải thiện đời sống bà con vùng sâu, vùng xa.
Nhờ giao thông cải thiện, chính quyền thân thiện… đã thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến Đồng Tháp. Điều đó chứng minh qua chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Đồng Tháp chuyển biến rất tốt, luôn đứng trong tốp đầu của cả nước (năm 2012 đứng vị trí thứ nhất, năm 2013 ở vị trí thứ 5, năm 2014 ở vị trí thứ 2), đưa Đồng Tháp trở thành “điểm đến” đáng tin cậy đối với các nhà đầu tư.
Đồng Tháp là tỉnh tiên phong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, sản xuất lúa gạo theo cánh đồng lớn
Phát triển du lịch miệt vườn
Trong 5 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của Đồng Tháp đạt 9,5%/năm, GRDP bình quân đầu người ước đạt 32,6 triệu đồng. Sản lượng lúa đạt gần 3,3 triệu tấn mỗi năm; thủy sản tiếp tục là thế mạnh của tỉnh, với diện tích thả nuôi trên 7.000ha, đặc biệt ngành công nghiệp cá tra đứng đầu cả nước với sản lượng đạt 400.000 tấn/năm (bằng 30% của cả nước); kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 11,5%/năm; tổng lượt khách du lịch tăng bình quân 16,03%, sản phẩm du lịch ngày càng phong phú, đặc biệt là xây dựng các chương trình du lịch theo chuyên đề, theo mùa đã thu hút nhiều du khách quan tâm như: Du lịch sắc xuân Đồng Tháp gắn với Làng hoa Sa Đéc và Quýt hồng Lai Vung; chương trình du lịch trải nghiệm mùa nước nổi gắn với cuộc sống ngư dân vùng Đồng Tháp Mười tại Vườn quốc gia Tràm chim; chương trình du lịch mỗi ngày một nghề gắn với Làng nem Lai Vung, Làng gạch gốm Châu Thành, ruộng ấu Lấp Vò...
Đồng Tháp là tỉnh đầu tiên ở khu vực ĐBSCL triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, bước đầu hình thành phương thức sản xuất và quan hệ sản xuất mới trong nông nghiệp, mở rộng mô hình hợp tác liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ và xây dựng cánh đồng lớn mang lại hiệu quả thiết thực, tăng thu nhập cho nông dân. Đến nay, đã triển khai mô hình cánh đồng liên kết khoảng 90.000ha, nông dân đạt lợi nhuận 22 - 23 triệu đồng/ha/vụ (cao hơn 4 - 5 triệu đồng/ha/vụ so sản xuất bên ngoài).
Thời gian tới, Đồng Tháp tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo cơ chế phù hợp để thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào nông nghiệp, chú trọng nông nghiệp công nghệ cao; đẩy mạnh phát triển công nghiệp, nhất là những ngành có thế mạnh cạnh tranh cao như chế biến thủy sản, lúa gạo, thức ăn chăn nuôi, dược phẩm; chú trọng phát triển các loại hình du lịch, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.
HUỲNH LỢI - ĐĂNG NGUYÊN